Dư địa hợp tác phát triển kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Brazil còn rất lớn

0
50

Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương) nhận định, Việt Nam và Brazil là hai nền kinh tế có tính bổ trợ cao và dư địa hợp tác phát triển kinh tế, thương mại giữa hai nước còn rất lớn bởi cả hai nước đều có lợi thế dân số đông và nhu cầu tiêu dùng đang tăng lên nhanh chóng.

Các sản phẩm nhập khẩu chính của Việt Nam từ Brazil chủ yếu là các mặt hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. 10 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su sáng Brazil giảm 47%. (Nguồn: Vneconomy)

Brazil có thể trở thành cầu nối giúp Việt Nam tiếp cận thị trường các nước Mỹ Latinh, cũng như Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR); đồng thời, Việt Nam sẽ trở thành cầu nối hiệu quả giúp Brazil tiếp cận thị trường ASEAN rộng lớn và hơn 60 thị trường trong 16 Hiệp định thương mại tự do Việt Nam là thành viên.

Làn sóng dịch chuyển đầu tư của các công ty đa quốc gia vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ rất lớn, bởi Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ trở thành một trung tâm sản xuất lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, nhu cầu về nguồn nguyên liệu sẽ tăng cao, tạo cơ hội cho Brazil tăng cường cung ứng nguyên vật liệu cho Việt Nam, nhất là nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp mới.

Ngoài ra, hai nước có rất nhiều dư địa hợp tác từ lĩnh vực nông nghiệp, chế biến, chế tạo, hàng không, khai khoáng, tới khoa học công nghệ, năng lượng tái tạo. Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu sang Brazil là nông sản, giày dép, đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ, thủy sản…

Thương vụ Việt Nam tại Brazil công bố số liệu cho thấy, 10 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Brazil đạt 5,08 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ. Nhìn chung, tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động, xuất khẩu hàng Việt sang thị trường này đang chững lại và giảm đáng kể.

Cụ thể, trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 5,08 tỷ USD, Việt Nam xuất khẩu sang Brazil đạt 1,85 tỷ USD, tăng 11%, Việt Nam nhập khẩu từ thị trường này đạt 3,24 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam có mức tăng trưởng cao là hàng dệt may (11%), máy móc và thiết bị (6,6%), túi xách, vali (19,8%), phương tiện vận tải và phụ tùng (52%), sắt thép các loại tăng cao (445%), kim loại thường khác và sản phẩm (33%).

Thương vụ Việt Nam tại Brazil nhận định, trong thời gian tới thương mại song phương giữa Việt Nam – Brazil gặp thách thức chủ yếu do nguyên nhân khách quan.

Hiện nay, do chi phí vận chuyển và logistic tăng, cùng với giá nguyên vật liệu tăng từ lúc đại dịch, đã tác động đến hoạt động xuất khẩu. Bên cạnh đó, thị trường vẫn còn nhiều bất ổn do đại dịch Covid-19 gây ra và đặc biệt tình hình xung đột Ukraine-Nga đã tác động tiêu cực tới xuất khẩu và tiêu thụ hàng hóa.

Một số sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Brazil đã có chiều hướng giảm như cao su (-47%), nguyên phụ liệu dệt may, da giày (-51%), điện thoại và linh kiện (-10%), xơ, sợi, dệt các loại (-24%). Mặt hàng hàng thủy sản đang chững lại.

Về nhập khẩu, Thương vụ Việt Nam tại Brazil cho rằng, các sản phẩm nhập khẩu chính của Việt Nam từ Brazil chủ yếu là các mặt hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước đáp ứng cho nhu cầu trong nước và phục vụ sản xuất để xuất khẩu giảm đáng kể.

Một số sản phẩm có chiều hướng giảm như gỗ và sản phẩm gỗ (-57%), các chế phẩm thực phẩm khác (-45%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (-17%), nguyên liệu thuốc lá (-14%), nguyên liệu dệt may, da giày (-15%)…

Mai Hương

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here