Tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục bị đình trệ. Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO), Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường các biện pháp thuế quan nhằm vào các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc và ở chiều ngược lại Trung Quốc tiến hành đáp trả bằng những biện pháp tương đương. Tình trạng căng thẳng này đe doạ đến các chuỗi cung ứng công nghệ trên phạm vi toàn cầu. Tình trạng bất ổn tại khu vực châu Âu do vấn đề Brexit tiếp tục kéo dài, gây nên những căng thẳng địa chính trị làm cho giá dầu tăng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế khác. Trong bối cảnh các nhân tố tiêu cực ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, WEO đưa ra mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ đạt mức 3,2% trong năm 2019 và 3,5% trong năm 2020. Mức dự báo này được đưa ra căn cứ trên tỉ lệ lạm phát, đầu tư và nhu cầu tiêu dùng sụt giảm nghiêm trọng tại cả các nền kinh tế đã và đang phát triển do các công ty và hộ gia đình tiếp tục cắt giảm chi tiêu dài hạn, và hệ thống thương mại toàn cầu đứng trước nguy cơ bất ổn.
Ngoài ra, IMF cũng đưa ra các yếu tố, nguy cơ tiềm tàng gây tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến cuộc chiến tranh thương mại và công nghệ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu tư, sự gia tăng của các khoản nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng – hậu quả của chính sách duy trì mức lãi suất thấp, và tình trạng thiếu phát gây ảnh hưởng đến khả năng chi trả của các cá nhân và tổ chức. Tình trạng trên không đi đôi với việc các quốc gia bị lâm vào tình trạng bị động, phải “ngồi im” để đón nhận những hậu quả sắp tới. Ngược lại họ có thể tiến hành các biện pháp bao gồm tiến hành xây dựng khung, đàm phán và ký kết các thoả thuận trong lĩnh vực thương mại và công nghệ nhằm làm giảm tình trạng căng thẳng, thay vì tiến hành các biện pháp thuế quan trả đũa lên hàng hoá nhập khẩu của các đối tác. Trong lĩnh vực tài chính, nhằm giải quyết vấn đề nhu cầu tiêu dùng và thiếu phát, các quốc gia, đặc biệt là các nền kinh tế lớn có thể áp dụng hàng hoạt các biện pháp tiền tệ và tài khoá phù hợp, hướng đến giải quyết cân bằng nhiều mục tiêu một lúc như thúc đẩy lãi suất, hỗ trợ các ngành, lĩnh vực tái cấu trúc, và đảm bảo ổn định khu vực tài chính trung hạn. Dĩ nhiên, không có công thức chung nào nhằm giải quyết triệt để những vấn đề kinh tế, ngược lại, từng quốc gia phải tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm, ban hành các chính sách mang tính nền tảng, vĩ mô, nhằm khôi phục tình trạng trì trệ hiện nay./.