Dự báo thế giới 2025: Cuộc cách mạng AI đang khiến thế giới thay đổi thế nào?

0
15
AI đã vượt qua phạm vi khoa học viễn tưởng và chính thức bước chân vào thế giới thực, canh tranh với con người.(Nguồn: livescience)

Trong nửa đầu thế kỷ XX, trí tuệ nhân tạo (AI) chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của những người yêu thích khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, nửa sau của thế kỷ XX đã chứng kiến những nỗ lực không ngừng của các nhà khoa học và các kỹ sư để biến AI thành hiện thực.

Thế giới chuyển mình ra sao trong 5 năm tới?

Sự kiện máy tính Deep Blue của IBM đánh bại đại kiện tướng cờ vua Garry Kasparov vào cuối thế kỷ XX đã đánh dấu một bước ngoặt lớn. Đó không chỉ là một trận thua lịch sử trong môn thể thao này, mà còn là dấu mốc cho thấy trí tuệ nhân tạo đã vượt qua phạm vi khoa học viễn tưởng và bước chân vào thế giới thực.
Trang mạng  techtarget.com phân tích, sự bùng nổ của dữ liệu lớn (big data) và sức mạnh tính toán tăng trưởng theo cấp số nhân đã cho phép AI sàng lọc các dữ liệu khổng lồ và học cách thực hiện các nhiệm vụ mà trước đây chỉ con người mới làm được. Sự ra đời của ChatGPT vào năm 2022, cùng với các thuật toán liên quan, đã chứng minh khả năng của máy học trong việc tạo ra các công nghệ mạnh mẽ và hấp dẫn hơn so với các chatbot trước đó.

Ảnh hưởng của AI đã lan tỏa khắp xã hội, từ các thiết bị nhận dạng giọng nói như Alexa, đến các hệ thống đề xuất phim trên Netflix, và cả những bước tiến ban đầu trong lĩnh vực xe tự lái. Trong 5 năm tới, sự phát triển của AI hứa hẹn sẽ mang đến những thay đổi xã hội mạnh mẽ hơn nữa.

Sự thay đổi rõ ràng nhất mà nhiều người sẽ cảm nhận được là tốc độ tương tác với các cơ quan/tổ chức lớn sẽ tăng lên. Các doanh nghiệp, cơ quan chính phủ và tổ chức phi lợi nhuận sẽ buộc phải áp dụng AI vào quy trình ra quyết định và hoạt động tiếp xúc với công chúng và người tiêu dùng. AI sẽ cho phép các tổ chức này đưa ra quyết định nhanh chóng hơn, dẫn đến cuộc sống của chúng ta cũng sẽ diễn ra với nhịp độ nhanh hơn.

Các doanh nghiệp sẽ buộc phải tích hợp và khai thác AI để nâng cao hiệu quả hoạt động, lợi nhuận và đặc biệt là năng suất. Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cổ đông và áp lực cạnh tranh sẽ tạo ra một động lực không thể cưỡng lại: Hoặc là hoàn toàn đón nhận AI, hoặc là chứng kiến các nhà đầu tư quay lưng khi các đối thủ cùng ngành vượt lên.

Tuy nhiên, AI có thể biết về chúng ta nhiều hơn cả chính chúng ta. Cam kết bảo vệ quyền riêng tư đã bị thử thách bởi các công nghệ mới nổi trong 50 năm qua. ‘Sự hợp tác” giữa con người và AI sẽ là chìa khóa để quản lý nỗi sợ hãi về AI.

Môi trường pháp lý sẽ trở nên phức tạp hơn đối với các tổ chức sử dụng AI. Chính phủ các nước đang tìm cách quản lý việc triển khai AI. Tại Mỹ, dự kiến sẽ có một mạng lưới luật AI phức tạp khi các chính quyền địa phương, tiểu bang và liên bang soạn thảo, thực hiện và bắt đầu thực thi các luật AI mới. Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ triển khai các quy định về AI của mình. Cùng với sự phát triển của AI, sự phức tạp về mặt pháp lý trong kinh doanh cũng sẽ tăng lên đáng kể trong 5 năm tới.

Xã hội mong đợi các doanh nghiệp và chính phủ sử dụng AI như một công cụ nâng cao trí tuệ và chuyên môn của con người, chứ không phải để thay thế người lao động. Có thể liệt kê một số lĩnh vực chịu tác động lớn từ AI:

Giáo dục: AI sẽ thay đổi hệ thống giáo dục, từ việc cung cấp nội dung học tập phù hợp với nhu cầu cá nhân đến việc đưa ra các chiến lược giảng dạy tối ưu. Đến năm 2028, hệ thống giáo dục có thể sẽ có những thay đổi sâu sắc.

Chăm sóc sức khỏe: AI sẽ trở thành công cụ quan trọng giúp các bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn. Tuy nhiên, vấn đề về dữ liệu bệnh nhân và các quy định pháp lý sẽ tạo ra một môi trường pháp lý phức tạp hơn.
Tài chính: AI sẽ cho phép các ngân hàng, cố vấn tài chính và chatbot tương tác hiệu quả với khách hàng trong nhiều lĩnh vực, từ theo dõi điểm tín dụng đến lập kế hoạch tài chính, đồng thời phát triển các chiến lược đầu tư chuyên sâu.
Luật: Trong 5 năm tới, số lượng các công ty luật nhỏ và vừa sẽ giảm, khi các hệ thống AI có thể thay thế công việc của nhiều luật sư với chi phí thấp hơn và nhanh hơn.

Giao thông vận tải: Các phương tiện tự lái sẽ trở nên phổ biến trong cả lĩnh vực vận tải cá nhân và thương mại. Đây có lẽ sẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy chúng ta đã bước vào kỷ nguyên của AI.

Lâu nay vẫn có những quan ngại về nguy cơ xã hội mất quyền kiểm soát vào tay các hệ thống AI. Tuy nhiên, nguy cơ dài hạn lớn hơn về AI hiện nay là bỏ lỡ cơ hội. Nếu không đầu tư đủ vào AI, xã hội sẽ bỏ lỡ những lợi ích đáng kể về hiệu quả và những đổi mới tiềm năng đến từ sự hợp tác giữa con người và AI.

EU đứng trước “ngã ba đường”

Cuối năm 2024, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục khẳng định vị thế trong việc điều chỉnh và quản lý công nghệ kỹ thuật số toàn cầu, trong đó trí tuệ nhân tạo (AI) là trọng tâm. Tuy nhiên, một câu hỏi lớn vẫn tồn tại: liệu chiến lược của EU sẽ tạo ra một tương lai hòa hợp giữa con người và máy móc, hay sẽ kìm hãm sự sáng tạo và khiến EU tụt hậu trong cuộc đua công nghệ?

Kể từ khi ban hành Quy định Bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) vào năm 2018, EU đã thể hiện vai trò tiên phong trong việc bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu toàn cầu. Những quy định này không chỉ đặt ra tiêu chuẩn mới về bảo mật mà còn khiến các “gã khổng lồ công nghệ” như Meta phải đối mặt những khoản phạt khổng lồ, như khoản phạt 91 triệu euro (hơn 96 triệu USD) trong năm nay.

Không dừng lại ở đó, EU tiếp tục mở rộng phạm vi quản lý của mình qua các đạo luật như Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) và Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA), nhằm kiềm chế sự thống trị của các tập đoàn công nghệ lớn như Alphabet, Amazon, Apple, Meta, Microsoft và ByteDance. Những quy định này bao gồm cả việc điều tra các tập đoàn công nghệ về những hành vi có thể vi phạm các quy tắc về nội dung trực tuyến, đặc biệt liên quan đến bảo vệ trẻ em.

Trong bối cảnh EU tiếp tục đẩy mạnh các quy định, Đạo luật AI – luật toàn diện đầu tiên trên thế giới về AI – đã ra đời. Đạo luật này phân loại các hệ thống AI theo mức độ rủi ro, từ “ít” đến “không thể chấp nhận” và có thể áp đặt các khoản phạt lên tới 7% doanh thu toàn cầu của một công ty nếu họ vi phạm. Mặc dù mục tiêu là đảm bảo việc sử dụng AI một cách đạo đức và an toàn, nhưng những điều khoản chưa rõ ràng, đặc biệt liên quan đến việc sử dụng dữ liệu để huấn luyện AI, đã khiến nhiều công ty công nghệ lo ngại.

Một bức thư ngỏ từ hơn 20 giám đốc điều hành của các công ty lớn đã cảnh báo rằng những quy định của EU có thể làm chậm lại sự đổi mới, đặc biệt khi các công ty công nghệ lớn như Google, Meta và Apple phải hoãn ra mắt sản phẩm tại EU trong những năm gần đây. Các doanh nghiệp nhỏ cũng phải đối mặt với sức ép tuân thủ, với chi phí có thể lên tới hàng trăm nghìn euro, theo lời của ông Andreas Cleve – Giám đốc điều hành của công ty công nghệ y tế Corti (Đan Mạch).

Ngoài các vấn đề về quy định, một mối lo ngại khác đối với EU là hiện tượng “chảy máu” nhân tài – khi các doanh nhân và nhà sáng lập tìm kiếm cơ hội tại các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ. Theo dữ liệu, EU chỉ chiếm chưa đến 9% trong tổng số hơn 1.200 công ty “kỳ lân” (những doanh nghiệp trẻ đạt giá trị thị trường từ 1 tỷ USD trở lên) trên toàn cầu, trong khi Mỹ chiếm hơn 50%, Trung Quốc chiếm 14%. Những hạn chế về quy định đang khiến các công ty công nghệ châu Âu khó phát triển mạnh mẽ so với các đối thủ đến từ Mỹ và Trung Quốc.

Khi các quốc gia như Mỹ và Nhật Bản áp dụng phương pháp tiếp cận linh hoạt hơn đối với quy định AI, EU lại chọn hướng đi ngược lại, xây dựng một hệ sinh thái AI đáng tin cậy nhưng với các quy định chặt chẽ. Điều này đang tạo ra không ít thách thức cho các công ty khởi nghiệp và công nghệ muốn phát triển nhanh chóng trong một thị trường cạnh tranh toàn cầu.

Trong khi các quy định về AI của EU vẫn đang được hoàn thiện,  mục tiêu xây dựng một tương lai hòa hợp giữa con người và máy móc của EU vẫn còn là một chặng đường dài. Mặc dù còn vấp phải nhiều tranh cãi, các quy định của EU vẫn được xem là sự điều chỉnh cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững và an toàn của công nghệ này. Như nhà khoa học Geoffrey Hinton – người được mệnh danh là “cha đẻ của AI” – từng cảnh báo rằng nếu không đánh giá đầy đủ các rủi ro mà AI gây ra, nhân loại có thể sẽ đối mặt với những hệ lụy nghiêm trọng trong tương lai.

Và rủi ro…?

Ngày 7/12, chủ nhân giải Nobel Vật lý Geoffrey Hinton và Nobel Hóa học Demis Hassabis đã kêu gọi quản lý chặt chẽ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ đóng vai trò quan trọng trong các giải thưởng của họ.

Phát biểu họp báo ở Stockholm (Thụy Điển), ông Hassabis khẳng định AI là một công nghệ rất quan trọng cần được quản lý, nhưng điều cũng quan trọng không kém là phải có các quy định đúng. Theo ông, khó khăn hiện nay là AI đang phát triển quá nhanh và cần phải trả lời các câu hỏi như sử dụng AI để làm gì, triển khai như thế nào. Ông cũng nói rõ cần đảm bảo rằng toàn thể nhân loại sẽ được hưởng lợi từ những gì do AI có thể tạo ra.

Ông Hassabis là đồng tác giả giải Nobel Hóa học cùng với hai nhà hóa học người Mỹ David Baker và John Jumper nhờ công trình vén màn bí mật của protein thông qua AI. Ông Hassabis cho biết đã khuyến nghị các chính phủ xây dựng quy định cho các lĩnh vực như y tế và giao thông, đồng thời theo sát sự phát triển của công nghệ để có các biện pháp thích ứng kịp thời trước những thách thức có thể xảy ra. Ngoài ra, ông cũng đã thảo luận với tỷ phú Elon Musk về “các mối đe dọa hiện hữu” do sử dụng AI không phù hợp và được biết đích thân tỷ phú Elon Musk cũng lo ngại nguy cơ AI sẽ giành quyền kiểm soát của con người.

Không chỉ chủ nhân của giải Nobel Hóa học Hassabis, “cha đẻ của AI” – ông Geoffrey Hinton – cũng thừa nhận về những nguy cơ có thể xảy ra từ AI. Ông nói: “Tôi ước mình đã nghĩ đến vấn đề an toàn sớm hơn”. Ông Hinton lo ngại khả năng AI sẽ đẩy nhanh cuộc chạy đua vũ trang.

Ông Hinton đã trở thành tâm điểm chú ý khi ông rời Google vào năm 2023 và cảnh báo về mối nguy hiểm khi máy móc có thể vượt mặt con người vào một ngày nào đó. Ông đã được trao giải Nobel Vật lý cùng với nhà khoc học John Hopfield người Mỹ cho công trình nghiên cứu về mạng neurone nhân tạo.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here