Dự báo năm 2025: Kịch bản đầy khó khăn cho kinh tế Đông Nam Á

0
41
Triển vọng toàn cầu ảm đạm này không lý tưởng cho Đông Nam Á nhưng cũng không tới mức dẫn đến bầu không khí u ám. (Nguồn: .jaccs.co.jp)

Ngay cả khi bị tổn thương trước những diễn biến toàn cầu, Đông Nam Á vẫn sẽ tốt hơn tương đối so với hầu hết các khu vực khác trên thế giới.

Tổ chức tin tức tài chính The Edge Malaysia gần đây đã giời thiệu bình luận của Giám đốc điều hành Manu Bhaskaran của công ty tư vấn Centennial Asia Advisors, nhận định rằng 2025 sẽ là một năm khó khăn, trong đó thế giới có ít khả năng giải quyết các vấn đề gồm sự gia tăng bất ngờ nhưng nguy hiểm của cuộc nội chiến Syria và những biến động chính trị đáng kinh ngạc ở Hàn Quốc.

Điều này bắt nguồn từ những lỗ hổng ngày càng tăng trong chính trị, thương mại, tài chính và khí hậu nhưng thế giới ít có khả năng giải quyết được. Ở cấp độ toàn cầu, Mỹ và Trung Quốc chưa thể hiện được vai trò lãnh đạo, vốn chỉ các cường quốc mới có thể có, trong việc giải quyết những vấn đề này.

Về chính trị trong nước, như trường hợp của Hàn Quốc, một số quốc gia có những nhà lãnh đạo tin vào các biện pháp cấp tiến có khả năng gây bất ổn.

Triển vọng toàn cầu ảm đạm này không lý tưởng cho Đông Nam Á nhưng cũng không tới mức dẫn đến bầu không khí u ám và bi quan. Nếu khu vực này có thể chung tay hành động thì có thể tận dụng một số điểm sáng trên thế giới và vẫn duy trì được mức độ ổn định và sức mạnh kinh tế.

Thế giới sẽ có biến động hơn vào năm 2025

Khi có mồi lửa trên mặt đất khô, chỉ cần một vài tia lửa là có thể gây ra hỏa hoạn, và thực sự có rất nhiều mồi lửa. Đầu tiên, một số điểm nóng địa chính trị đang tiến gần đến thời điểm bước ngoặt quan trọng.

Khi suy yếu dưới sức ép của Nga, lực lượng quá căng thẳng của Ukraine bắt đầu mất đi nhiều vị trí với tốc độ đáng báo động. Ukraine có thể sớm bị buộc phải ngừng bắn theo các điều khoản bất lợi, đặc biệt là nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cắt đứt viện trợ cho nước này. Trong trường hợp đó, khi thấy Nga đã nhận được “phần thưởng” cho chiến dịch quân sự đặc biệt, các quốc gia khác bất bình với các nước láng giềng nhỏ hơn sẽ được khuyến khích thúc đẩy chương trình nghị sự của họ một cách quyết liệt hơn.

Nhiều cuộc xung đột đang âm ỉ có thể gia tăng căng thẳng, bao gồm hoạt động tiếp theo của Nga ở vùng Baltic, xung đột của Ethiopia với các nước láng giềng, sự chia rẽ ngày càng tăng ở Balkan hay Venezuela chống lại nước láng giềng nhỏ hơn Guyana. Việc Israel làm suy yếu năng lực quân sự của Iran và Hezbollah đã tạo ra khoảng trống ở Trung Đông, và đó là lý do cuộc nội chiến Syria bùng nổ. Có thể có thêm bất ổn ở Liban và Iraq, và khả năng Israel sẽ hành động chống lại Iran. Hàn Quốc sẽ bước vào giai đoạn bất ổn chính trị khi Tổng thống Yoon Suk Yeol phải đối mặt với cuộc luận tội. Điều gây lo ngại là Triều Tiên sẽ cố gắng lợi dụng điều này.

Với việc Trump sắp trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, các đối thủ của Mỹ sẽ thử thách quyết tâm của nước này ở nhiều khu vực khác nhau. Ví dụ, Trung Quốc đã nối lại các hoạt động hải quân ở vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền và sẽ làm điều tương tự xung quanh Đài Loan – có thể để thử xem chính quyền mới của Mỹ sẽ sẵn sàng tiến xa đến mức nào để bảo vệ các đồng minh.

Thứ hai, căng thẳng thương mại đang tiến đến điểm bùng phát. Gần như chắc chắn Trump sẽ bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống bằng việc áp các mức thuế quan mới đối với Trung Quốc và các đối tác thương mại lớn như Canada, Mexico và châu Âu. Các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào các ngành công nghiệp mới đang tạo ra năng suất vượt xa nhu cầu trong nước tới mức xuất khẩu tăng vọt có thể sẽ gây ra phản ứng dữ dội của chủ nghĩa bảo hộ trên toàn thế giới như đã thấy. Một cuộc chiến tranh thương mại có khả năng xảy ra.

Thứ ba, các lỗ hổng tài chính vẫn chưa được lấp đầy dù thị trường tài chính đang tăng trưởng. Nợ công tăng trên toàn cầu và lãi suất toàn cầu tăng mạnh kể từ năm 2022 sẽ bắt đầu gây tổn hại cho các công ty đi vay khi họ bước vào thị trường tín dụng để tái cấp vốn cho khoản nợ của mình. Các kế hoạch cắt giảm thuế của Trump có khả năng dẫn đến thâm hụt tài chính cao hơn, vì chi tiêu sẽ bị cắt giảm có thể không đủ để trả cho các khoản cắt giảm thuế. Điều đó có thể dẫn đến sự gia tăng đột biến về lãi suất dài hạn có khả năng gây tổn hại cho thị trường.

Cuối cùng, sự thất bại của các cuộc đàm phán gần đây nhất về cách tiếp cận toàn cầu đối với biến đổi khí hậu và việc Mỹ sắp rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu sẽ cản trở các nỗ lực giải quyết vấn đề này. Thời tiết ngày càng khắc nghiệt và gây ra thiệt hại lớn, và tình trạng này chỉ có thể trở nên tồi tệ hơn trong những năm tới.

Khả năng lãnh đạo toàn cầu của các cường quốc còn hạn chế

Hai xu hướng lớn thống trị thế giới trong những năm gần đây – chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ và sự trỗi dậy của Trung Quốc – đang đi đến hồi kết. Cả hai quốc gia này sẽ vẫn mạnh hơn nhiều so với các quốc gia khác và có thể gây tổn hại cho các quốc gia khác nếu họ muốn. Tuy nhiên, hai nước đều có khả năng gặp phải những hạn chế khi đối mặt với những điểm yếu mang tính cấu trúc.

Mỹ đang trên đà phát triển. Nền kinh tế của nước này đã vượt xa các quốc gia khác, đồng USD được giao dịch ở mức giá trị chung cao nhất trong 20 năm qua và cổ phiếu của Mỹ đã tạo ra lợi nhuận cao hơn nhiều so với các thị trường khác. Những lý giải gần đây cho sự vượt trội này – năng suất cao hơn, khả năng đổi mới vượt trội và sự gia tăng sản lượng dầu đã đưa Mỹ trở thành siêu cường năng lượng một lần nữa – có lẽ đều đúng.

Tuy nhiên, cần tổng hợp nhiều tin tốt và điều đó khiến sự vượt trội của Mỹ dễ bị ảnh hưởng ngay cả trước sự thất vọng dù là nhỏ nhất. Khi chính quyền mới lên nắm quyền tại Mỹ với các chính sách triệt để và có thể vượt quá giới hạn trong cuộc đối đầu với các đối tác thương mại và an ninh, những biến cố tiêu cực cũng tăng lên trong đủ loại lĩnh vực. Năm 2025 sẽ phơi bày những điểm yếu ở Mỹ như quỹ đạo tài chính ngày càng xấu đi và sự thất bại của tầng lớp chính trị trong việc giải quyết nhiều vấn đề xã hội và kinh tế.

Trung Quốc có khả năng sẽ chứng kiến sự phục hồi khiêm tốn sau sự suy thoái gần đây. Tuy nhiên, nước này sẽ không bao giờ quay trở lại những ngày tháng tăng trưởng 2 con số. Trung Quốc rốt cuộc không thể làm gì nhiều để đảo ngược tình trạng suy giảm dân số đang làm suy yếu chính họ. Các chính sách ưu tiên doanh nghiệp nhà nước hơn doanh nghiệp tư nhân và không muốn theo đuổi các cải cách cần thiết sẽ kìm hãm tăng trưởng năng suất. Việc thiếu các hệ thống phản hồi cho phép điều chỉnh chính sách kịp thời sẽ có xu hướng làm trầm trọng thêm những điều này.

Với 2 nước lớn bị cản trở bởi những điểm yếu trong nước và có khả năng bị phân tâm bởi cuộc chiến thương mại chống lại nhau, thế giới cần các cường quốc khác đóng vai trò là bên tham gia lớn hơn. Tuy nhiên, 2 gã khổng lồ của châu Âu là Đức và Pháp đang vướng vào bế tắc chính trị. Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản hiện là chính phủ thiểu số mà Thủ tướng Shigeru Ishiba có thể sẽ không tại nhiệm lâu.

Đông Nam Á sẽ ra sao?

Trước thềm các cuộc họp của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tháng 10/2024, các thể chế toàn cầu lớn đã công bố triển vọng cho năm 2025 tương đối lành mạnh. Tăng trưởng toàn cầu được dự đoán sẽ chậm lại một chút vào năm 2025 trong khi lạm phát sẽ giảm và các biến số khác, như giá hàng hóa và cán cân tài khoản vãng lai, sẽ không thay đổi nhiều. Tuy nhiên, phân tích nêu trên đã chỉ ra một triển vọng tỉnh táo hơn.

Trước hết, 2 trong số những điều quan trọng nhất đối với Đông Nam Á sẽ gặp rủi ro.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với khu vực này là mức độ bền vững của sự ổn định mà Mỹ và Trung Quốc cam kết cân bằng lẫn nhau. Dưới thời Tổng thống Trump tái đắc cử, Đông Nam Á sẽ băn khoăn về độ tin cậy của sự bảo đảm an ninh, thiện chí và khả năng của Mỹ trong việc cân bằng với Trung Quốc, Nga hoặc các cường quốc khác.

Mặc dù điều này không nhất thiết có nghĩa là xung đột trực tiếp nổ ra ở các điểm nóng như Đài Loan hoặc Biển Đông (biển Nam Trung Hoa), nhưng có thể thấy căng thẳng gia tăng hơn nữa ở những khu vực này. Nhật Bản và Hàn Quốc có thể phải xem xét lại căn bản nền tảng an ninh của họ nếu niềm tin vào sự bảo đảm an ninh của Mỹ giảm xuống.

Điều quan trọng tiếp theo đối với khu vực này là triển vọng của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là thương mại và đầu tư nước ngoài mà khu vực này phụ thuộc vào. Nếu kịch bản về cuộc chiến thương mại thực sự xảy ra, cùng với những căng thẳng về tài chính, thì triển vọng tăng trưởng của khu vực sẽ bị tổn hại. Cuộc chiến thương mại có thể sẽ khiến tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2025 giảm khoảng 1 điểm phần trăm, trong khi các quốc gia châu Á chịu thiệt hại ít hơn tùy thuộc vào lượng xuất khẩu của họ sang Mỹ và Trung Quốc.

Thuế quan do Trump áp đặt và việc trục xuất những người lao động nhập cư được dự đoán có thể làm tăng tỷ lệ lạm phát của Mỹ và khiến Cục dự trữ liên bang (Fed) ngừng cắt giảm lãi suất. Lạm phát toàn cầu có thể tăng cao hơn nữa nếu căng thẳng ở Trung Đông làm gián đoạn hoạt động sản xuất và vận chuyển dầu mỏ trong khu vực đó.

Đồng USD ban đầu sẽ tăng giá, trong khi đồng nhân dân tệ có xu hướng giảm, gây áp lực rất lớn lên các đồng tiền của các nước châu Á. Các ngân hàng trung ương châu Á có thể buộc phải tăng lãi suất để bảo vệ đồng tiền của họ và điều này sẽ khiến nền kinh tế đất nước họ tăng trưởng chậm lại.

Tuy nhiên, có thể có một số yếu tố bù đắp. Đầu tiên, khu vực này có thể tận dụng một số điểm cộng để giảm thiểu tác động của thuế quan của Mỹ. Do Đông Nam Á có tầm quan trọng chiến lược đối với Mỹ, nên nước này sẽ thận trọng không áp thuế quá nặng đối với khu vực này. Hơn nữa, khu vực này từng rất thành công trong việc xoa dịu Trump bằng cách tăng cường nhập khẩu cùng với các nhượng bộ khác. Ví dụ, trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, Việt Nam đã đề nghị mua một loạt máy bay do Mỹ sản xuất để giảm thặng dư thương mại song phương.

Thứ hai, số lượng lớn những người theo đường lối cứng rắn với Trung Quốc trong nội các của Trump khiến động lực chính sách cơ bản có thể là thúc đẩy tách khỏi Trung Quốc. Các tập đoàn toàn cầu có nhà máy sản xuất tại Trung Quốc đã bắt đầu dời sản xuất ra khỏi Đại lục. Động thái này chắc chắn sẽ tăng tốc vào năm 2025 – việc phê duyệt đầu tư ở hầu hết các khu vực đã tăng vọt trong năm 2024, vì vậy năm 2025 sẽ chứng kiến nhiều khoản đầu tư được đề xuất này được đưa vào xây dựng nhà máy và cuối cùng là tăng sản lượng sản xuất. Đông Nam Á đã là một bên chiến thắng rõ ràng trong việc thu hút phần lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 2 năm qua.

Khu vực này không chỉ chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về các dự án đầu tư nước ngoài được công bố mà còn tăng tỷ lệ tiếp nhận FDI toàn cầu, đặc biệt là trong các lĩnh vực quan trọng như điện tử, ô tô và năng lượng tái tạo, nơi các công ty đang tìm kiếm các giải pháp thay thế hiệu quả về chi phí và có khả năng chống chịu cho các cơ sở sản xuất của Trung Quốc.

Thứ ba, các nước Đông Nam Á sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư trong nước. Chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của chính phủ và chi tiêu vốn cho quá trình chuyển đổi xanh cũng sẽ tăng.
Thứ tư, khu vực này đã nỗ lực thúc đẩy hội nhập khu vực, hỗ trợ khả năng chống đỡ trước một thế giới bảo hộ hơn. Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã giúp cải thiện thương mại và sẽ có những nỗ lực mở rộng, tăng cường một số điều khoản của thỏa thuận. Các sáng kiến hội nhập khu vực như Đặc khu kinh tế Johor (Malaysia)-Singapore cũng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ năm, theo thời gian, Đông Nam Á đã tăng cường khả năng chống chịu trước các cú sốc bên ngoài thông qua việc các ngân hàng trung ương đã xây dựng được uy tín trên thị trường tài chính, vị thế tài chính vững chắc, giám sát tốt hơn đối với khu vực tài chính, nền kinh tế đa dạng hơn và các biện pháp đệm bên ngoài tốt hơn như dự trữ ngoại hối lớn. Những yếu tố này khiến khu vực tương đối an toàn và ổn định hơn so với các đối thủ cạnh tranh.

2025 sẽ tồi tệ với Đông Nam Á?

Đông Nam Á phải đối mặt với thực tế lạnh lùng, khắc nghiệt của một thế giới đang trong biến động chính trị và kinh tế.

Sự kết thúc của chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ và một Trung Quốc đang vật lộn với những thách thức về mặt cấu trúc sẽ tạo ra những thách thức và rủi ro mới trong nền kinh tế thế giới. Các thành phần quan trọng mà khu vực cần có – sự cân bằng lực lượng giữa các cường quốc trong khu vực và sự mở cửa về kinh tế cho phép dòng chảy thương mại và đầu tư lớn – đang gặp rủi ro. Tăng trưởng kinh tế và sự ổn định tiền tệ trong khu vực sẽ gặp tổn hại do hậu quả này.

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đánh giá cao rằng Đông Nam Á có khả năng theo đuổi các chiến lược giảm thiểu, đã xây dựng được khả năng chống chịu và các lựa chọn chính sách mà các khu vực đối thủ cạnh tranh không có được. Điều này sẽ giúp khu vực tận dụng được các xu hướng thuận lợi như xu hướng ngày càng tăng của việc di dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

2025 sẽ là một năm khó khăn nhưng không nhất định là một năm tồi tệ đối với Đông Nam Á .

Trần Quyên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here