Năm 2022 đã chứng kiến nền kinh tế toàn cầu “lao đao” trước những thách thức và tình hình bất ổn. Theo một số dự báo, thế giới sẽ bước sang năm mới với một khởi đầu khó khăn, do chịu ảnh hưởng từ các vấn đề như xung đột Nga-Ukraine, lạm phát toàn cầu, khủng hoảng năng lượng và lương thực, cũng như đại dịch Covid-19 kéo dài.
Về khủng hoảng Ukraine, Mỹ và các đồng minh trong năm nay đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga với hy vọng sẽ ngăn chặn và làm suy yếu nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, quyết định trên cũng đã gây tổn hại cho các nước phương Tây, đồng thời gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng trên toàn thế giới.
Cuối tháng 11 vừa qua, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã đánh giá: “Nền kinh tế toàn cầu đang quay cuồng với cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất kể từ những năm 1970. Cú sốc năng lượng đã đẩy lạm phát lên mức chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ và đang làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới”.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 6,0% vào năm 2021 giảm xuống còn 3,2% trong năm nay, và có thể triển vọng tăng trưởng toàn cầu năm 2023 sẽ chạm mức 2,7% vào tháng 10. Theo Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva, năm 2023 sẽ là một năm “rất khó khăn” với khả năng cao con số dự báo trên sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng năm tới sẽ có nhiều điểm mới, với việc các nước phát triển có thể rơi vào suy thoái và các nền kinh tế mới nổi bắt đầu phục hồi. OECD khẳng định con đường phía trước của các nền kinh tế mới nổi sẽ tươi sáng hơn một chút. Trong khi nền kinh tế Mỹ và châu Âu chững lại, các thị trường mới nổi của châu Á sẽ chiếm 3/4 tăng trưởng toàn cầu vào năm tới.
Vào tháng 11/2022, hai nhà kinh tế châu Á của Morgan Stanley đã nhận định: “Mặc dù nhu cầu bên ngoài sẽ vẫn yếu trong nửa đầu năm sau, nhu cầu trong nước của châu Á sẽ ngày càng tăng nhờ mở cửa trở lại và các điều kiện tài chính được nới lỏng… Trong năm 2023, tăng trưởng của châu Á sẽ có thể vượt trội nhờ vào nhu cầu nội địa mạnh mẽ”.
Theo ông Kiatipong Ariyapruchya, nhà kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới tại Thái Lan, Đông Á sẽ duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ vào năm tiếp theo, trong đó sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sẽ đóng vai trò là động lực cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Tuy phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng trong năm 2022, Trung Quốc đã duy trì sự ổn định chung của nền kinh tế bằng cách phối hợp hiệu quả chính sách Covid-19 với phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời đưa ra một loạt gói kích thích để hỗ trợ doanh nghiệp, ổn định giá tiêu dùng và nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư toàn cầu.
Trong thời gian tới, Trung Quốc không chỉ ưu tiên ổn định kinh tế mà cam kết sẽ tăng cường nhu cầu trong nước, cũng như phát huy vai trò của tiêu dùng và đầu tư vào năm 2023.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, thị trường nước này tiếp tục cho thấy sức hấp dẫn của mình, với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc đại lục tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái, lên gần 1,16 nghìn tỷ nhân dân tệ trong 11 tháng đầu năm.
Tính theo đồng USD, dòng vốn vào tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái lên 178,08 tỷ đô la. Ngoài ra, dòng vốn FDI vào các ngành công nghệ cao đã tăng 31,1% so với một năm trước đó.
Đặc biệt, tiềm lực kinh tế của Trung Quốc cũng đã tăng lên. Trong Chỉ số Đổi mới toàn cầu 2022 do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới công bố, Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ 11 trong số 132 nền kinh tế được khảo sát, đánh dấu sự tăng bậc lần thứ 10 liên tiếp của đất nước này.
Bên cạnh đó, Sáng kiến Phát triển toàn cầu do Trung Quốc đề xuất đã nhận được sự ủng hộ của hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế, đồng thời Bắc Kinh đã ký các thỏa thuận hợp tác trong Sáng kiến Vành đai và Con đường với tổng cộng 150 quốc gia và 32 tổ chức trên thế giới.
Theo nhà kinh tế người Argentina Jorge Marchini, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục thiết lập quan hệ kinh tế và thương mại, hợp tác cùng có lợi với nhiều nước trên thế giới và điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu.
Hạnh Lê