Dự báo làn sóng vốn FDI ‘hạ cánh’ Việt Nam năm 2025

0
17
Nhà máy Samsung tại Bắc Ninh. (Nguồn: Samsung C&T)

Từ các biên bản ghi nhớ (MOU) đã được ký kết trên cả nước trong thời gian qua, có thể dự báo năm 2025 Việt Nam tiếp tục thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là nguồn vốn từ Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc)…

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Cho Hyun-joon, Chủ tịch Tập đoàn Hyosung cho biết, sau khi “rót” khoảng 4 tỷ USD vào Việt Nam, Hyosung có kế hoạch đầu tư thêm 4 tỷ USD để thực hiện các dự án trong các lĩnh vực trung tâm dữ liệu, sản xuất sản phẩm vật liệu công nghệ cao, nhà máy nhiên liệu bay sinh học… tại Việt Nam.

Ngày 5/12, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) và Ngân hàng UOB Việt Nam vừa ký Biên bản ghi nhớ (MOU), củng cố cam kết của hai bên nhằm thúc đẩy hợp tác kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư FDI vào TPHCM và các tỉnh phía Nam.

Gần đây nhất, chiều 9/12, tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án FDI với tổng mức đầu tư gần 140 triệu USD.

Từ các biên bản ghi nhớ (MOU) đã được ký kết trên cả nước trong thời gian qua, có thể dự báo năm 2025 Việt Nam tiếp tục thu hút mạnh mẽ nguồn vốn FDI, đặc biệt là nguồn vốn từ Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc)…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2025, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng thu hút dòng vốn ngoại và nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới nhờ những thành tựu về thu hút nguồn vốn FDI trong năm 2024. Chỉ trong 11 tháng, FDI đạt 31 tỷ USD và vốn FDI thực hiện đạt 20,4 tỷ USD, tăng 7,1%, cao nhất trong nhiều năm qua.

Ths Vũ Tuấn Anh, Chủ tịch JCI Việt Nam 2022, nhận định: Giải ngân vốn FDI vào Việt Nam trong 2025 có thể đạt kỷ lục mức trên 30 tỷ USD, nhờ hấp lực từ các ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, logistics, dược phẩm…

Theo Ths Vũ Tuấn Anh, Việt Nam thu hút FDI nhờ dịch chuyển chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Intel, cùng quyết tâm phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao thông qua môi trường kinh doanh hấp dẫn, ưu đãi và thủ tục đầu tư đặc biệt.

Với việc mở rộng vốn đầu tư tăng thêm gần 1,1 tỷ USD của Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam cho dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn; cũng như việc Tập đoàn Samsung cam kết mở rộng đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,8 tỷ USD trong năm 2024 ngoài khoản đầu tư 6,5 tỷ USD đã đầu tư tại Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã trở thành “sếu đầu đàn” trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong 11 tháng năm nay.

Việc mở rộng vốn đầu tư của Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam cũng như Tập đoàn Samsung là những dự án lớn trong tổng số 14 dự án được điều chỉnh vốn từ đầu năm đến nay.

Tỉnh Quảng Ninh chiếm vị trí á quân trong thu hút nguồn vốn FDI trong 11 tháng qua với trên 2,29 tỷ USD. Trong số đó có 29 dự án cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đạt 1.651,09 triệu USD và 20 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn đạt 217,41 triệu USD.

Xếp sau Quảng Ninh, TPHCM đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,28 tỷ USD.

Ngoài Bắc Ninh, Quảng Ninh, TPHCM, các địa phương khác gồm: Hải Phòng, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Nghệ An, Bắc Giang là những địa phương đứng trong “top 10” về thu hút FDI: Riêng 10 địa phương này đã chiếm 79,6% số dự án mới và 69,4% số vốn đầu tư của cả nước trong 11 tháng.

Đặc biệt, Việt Nam đã trở thành nơi “hạ cánh” của dòng vốn FDI công nghệ cao từ các ông lớn toàn cầu.

Tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn hôm 14/12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn nhờ nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí cạnh tranh; cơ sở hạ tầng được đầu tư và nâng cấp mạnh mẽ; cơ chế, chính sách ngày càng thông thoáng, cởi mở; cùng quyết tâm chính trị cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trên đã tiếp xúc, làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như Qualcomm, Google, Meta, LAM Research, Qorvo, AlChip… và đã có kế hoạch cụ thể chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam, phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam hiện có 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD.

Đối với các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bình Dương… đã tích cực, chủ động triển khai các hoạt động phát triển hệ sinh thái và nguồn nhân lực, thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Thông qua đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy rằng, các nhà đầu tư đánh giá rất cao các sáng kiến, nỗ lực của Việt Nam trong phát triển ngành bán dẫn trong thời gian qua. Nhiều doanh nghiệp đã thể hiện cam kết, khẳng định rất coi trọng thị trường Việt Nam, thông báo về tình hình hoạt động và kế hoạch mở rộng hợp tác, đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới.

Hải An

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here