Dự báo kinh tế Trung Quốc 2024?

0
948
Hiện đã là thời điểm để Bắc Kinh cân nhắc nghiêm túc về việc đưa đồng NDT vào lưu thông nhiều hơn trong thương mại quốc tế và thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính Trung Quốc.

Hiện vẫn còn nhiều yếu tố không chắc chắn bên ngoài, còn nhu cầu trong nước vẫn chưa đủ, trong bối cảnh đó, kinh tế Trung Quốc năm 2024 đã thu hút nhiều sự quan tâm trong và ngoài nước.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 8/12 đánh giá Trung Quốc có tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng trong trung hạn, dù trước mắt có thể chậm lại vì một số lý do như tình trạng già hóa dân số và tăng trưởng năng suất chậm lại.

Ngày 8/12, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tổ chức hội nghị để phân tích và nghiên cứu công tác kinh tế năm 2024. Hội nghị đã xác định nhiệm vụ công tác kinh tế năm 2024, nhấn mạnh “năm tới phải kiên trì phát triển trong ổn định, dựa vào phát triển để ổn định, phá bỏ cái cũ trước rồi thiết lập cái mới”.

Cuộc họp do Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì.

Tại cuộc họp, các đại biểu nhất trí rằng chính sách tài khóa chủ động cần được tăng cường một cách phù hợp và cải thiện về chất lượng cũng như hiệu quả, trong khi chính sách tiền tệ thận trọng cần linh hoạt, phù hợp, có mục tiêu và hiệu quả.

Cuộc họp cũng nhấn mạnh cần phát triển hệ thống công nghiệp hiện đại thông qua đổi mới khoa học và công nghệ; đồng thời cải thiện khả năng chống chịu và an ninh của chuỗi công nghiệp và cung ứng; tăng nhu cầu trong nước và hình thành một chu trình trong đó tiêu dùng và đầu tư thúc đẩy lẫn nhau. Cần đẩy mạnh cải cách trong các lĩnh vực chủ chốt để không ngừng tạo đà vững chắc cho phát triển chất lượng cao.

Ngoài ra, cuộc họp nhấn mạnh việc thực hiện chất lượng cao các quyết định quan trọng của Ban chấp hành Trung ương về công tác kinh tế, đồng thời nhấn mạnh các nỗ lực đảm bảo nguồn cung thị trường và giá cả ổn định của các mặt hàng thiết yếu trong dịp Năm mới và lễ hội mùa Xuân tới, cũng như đảm bảo thanh toán đầy đủ và kịp thời tiền lương cho người lao động.

Trong diễn biến liên quan, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 8/12 đánh giá Trung Quốc có tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng trong trung hạn, dù trước mắt có thể chậm lại vì một số lý do như tình trạng già hóa dân số và tăng trưởng năng suất chậm lại. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể cải thiện điều này thông qua cải cách cơ cấu để tăng năng suất và cải thiện sự tham gia của lực lượng lao động. IMF đã nhắc lại việc điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay và năm sau. Dựa trên dự báo mới nhất, thể chế tài chính đa phương này kỳ vọng nền kinh tế lớn nhất châu Á sẽ đáp ứng mục tiêu tăng trưởng 5% chính phủ đề ra cho năm nay, phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc sau đại dịch COVID-19.

Nền kinh tế Trung Quốc đang khởi sắc

Về tình hình kinh tế Trung Quốc năm 2023, Hội nghị chỉ ra rằng nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi tốt, phát triển chất lượng cao đã được thúc đẩy vững chắc, việc xây dựng hệ thống công nghiệp hiện đại đạt được những tiến triển quan trọng, đổi mới sáng tạo đạt được những đột phá mới, cải cách mở cửa thúc đẩy theo chiều sâu, nền tảng phát triển an toàn được củng cố vững chắc, đời sống người dân được bảo đảm hiệu quả, việc xây dựng toàn diện đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại hóa có những bước tiến vững chắc.

Nhận định trên được hỗ trợ bởi dữ liệu: Trong 3 quý đầu năm, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Nhà kinh tế trưởng, Viện trưởng Viện nghiên cứu chứng khoán Quảng Đông, La Chí Hằng, cho rằng, Hội nghị nhìn chung khẳng định những thành tựu kinh tế trong năm nay trong bối cảnh cục diện tình hình bên trong và bên ngoài phức tạp, đó là “phục hồi tốt hơn”. Năm nay, nền kinh tế Trung Quốc nhìn chung đang trong xu hướng phục hồi sau dịch bệnh và nhiều khả năng sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng hàng năm.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2023 và 2024 lần lượt tăng từ 5% lên 5,4% và từ 4,2% lên 4,6%; Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mới đây đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2023 từ mức 5,1% lên 5,2%.

Năm 2024 – kiên trì phát triển trong ổn định

Đối với nền kinh tế Trung Quốc năm 2024, Hội nghị đã đưa ra một loạt yêu cầu và triển khai: “kiên trì nhịp điệu tổng thể phát triển trong ổn định”, “năm tới phải kiên trì phát triển trong ổn định, dựa vào phát triển để ổn định, phá bỏ cái cũ trước rồi thiết lập cái mới”, “phải tăng cường tính thống nhất của định hướng chính sách vĩ mô”, “hình thành vòng tuần hoàn tốt thúc đẩy lẫn nhau giữa tiêu dùng và đầu tư”…

Kiên trì phát triển trong ổn định, dựa vào phát triển để ổn định, phá bỏ cái cũ trước rồi thiết lập cái mới. “Phát triển trong ổn định” là nhất quán, hiện bổ sung “dựa vào phát triển để ổn định, phá bỏ cái cũ trước rồi thiết lập cái mới”, vậy lý giải điều này như thế nào?

Chuyên gia Trương Liên Khởi, thành viên của Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc cho rằng, điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của “phát triển”, “ổn định” là nền tảng của “phát triển” và “phát triển” là kết quả của “ổn định”. Cần tập trung nỗ lực, tăng cường phối hợp và thống nhất chính sách, tăng cường cải cách trên các lĩnh vực then chốt, “thiết lập” để phát triển chất lượng cao; cần mở cửa trình độ cao với thế giới bên ngoài, củng cố nền tảng cơ bản của đầu tư nước ngoài và ngoại thương. Phát triển kinh tế là nền tảng và then chốt để giải quyết mọi vấn đề.

Chu Khắc Lực, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Thông tin Trung Quốc, Viện trưởng sáng lập Viện Nghiên cứu Kinh tế Mới Quốc gia cho rằng, điều này có nghĩa là trong việc xây dựng các chính sách kinh tế, cần phải duy trì sự ổn định, nhưng cũng phải dám nghĩ dám làm không ngừng thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong quá trình thực hiện chính sách, cần phá bỏ cái cũ trước rồi thiết lập cái mới, đảm bảo tính nhất quán và tính bền vứng của chính sách.

Chuyên gia La Chí Hằng cho rằng điều này có lợi cho việc thúc đẩy cải thiện kinh tế vào năm tới và đặt nền tảng vững chắc cho sự phục hồi. Một môi trường kinh tế xã hội ổn định là tiền đề của “phát triển”, còn để đạt được môi trường kinh tế ổn định cũng đòi hỏi sự hỗ trợ của các chính sách thúc đẩy tích cực, chính sách của “phát triển” thúc đẩy xu thế “ổn định” và kỳ vọng ổn định, chẳng hạn như chính sách tài khóa, tiền tệ và bất động sản. Năm tới dự kiến sẽ đạt được tăng trưởng kinh tế khoảng 5%, các động lực chính sẽ là ngành dịch vụ, sản xuất cao cấp và đầu tư cơ sở hạ tầng.

Tăng cường tính thống nhất của các định hướng chính sách kinh tế vĩ mô. Hội nghị chỉ ra rằng, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chủ động và chính sách tiền tệ thận trọng. Chính sách tài khóa tích cực cần được tăng cường một cách phù hợp, cải thiện về chất lượng cũng như hiệu quả, chính sách tiền tệ thận trọng cần linh hoạt, phù hợp, có mục tiêu và hiệu quả. Cần tăng cường tính thống nhất trong định hướng chính sách kinh tế vĩ mô, tăng cường công tác tuyên truyền kinh tế, dẫn dắt dư luận xã hội.

Thịnh Lỗi, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đầu tư của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cho rằng để tăng cường tính thống nhất của định hướng chính sách vĩ mô, cần thúc đẩy các bộ phận tăng cường hơn nữa sự phối hợp chính sách và phối hợp công tác, phối hợp chặt chẽ, đồng lòng, tạo thành sức mạnh tổng hợp, tăng cường hơn nữa đánh giá tính thống nhất của định hướng chính sách trong từng lĩnh vực cụ thể, ngày càng chú trọng việc sắp xếp chính sách, phòng ngừa xuất hiện các vấn đề “lỗi lớn”, triển khai thực hiện tốt tổ hợp chính sách, duy trì tốt, ổn định môi trường chính sách vĩ mô có thể dự báo, tạo bầu không khí tốt cho làm việc sáng tạo, cùng nhau thúc đẩy phát triển.

Chuyên gia La Chí Hằng cho rằng việc tăng cường tính thống nhất của định hướng chính sách kinh tế vĩ mô và tăng cường tuyên truyền kinh tế và định hướng dư luận có lợi cho việc tránh sai lầm lớn, có lợi cho việc hình thành các kỳ vọng ổn định. Tiền đề của việc nâng cao hiệu quả và hiệu quả chính sách là việc lập kế hoạch và phối hợp có hệ thống giữa các chính sách, nghĩa là tránh tác động của các chính sách phi kinh tế mang tính thu hẹp với chính sách kinh tế mang tính mở rộng, triển khai thực hiện từ tổng thể chứ không phải xuất phát từ các lĩnh vực cụ thể. Trong những năm gần đây, chính sách tài khóa và tiền tệ tiếp tục được phối hợp, chính sách tiền tệ được phối hợp với phát hành trái phiếu tài khóa và nợ, chính sách tiền tệ và tài chính đã hỗ trợ phòng ngừa rủi ro bất động sản…, dự kiến sẽ tiếp tục trong năm tới.

Chuyên gia La Chí Hằng cho rằng, một mặt, nhịp điệu của chính sách tài khóa duy trì xu hướng tích cực, đó là hỗ trợ mở rộng tổng cầu, ngăn ngừa và giải quyết các rủi ro kinh tế và xã hội, mặt khác, nó đưa ra “phù hợp” và “cải thiện chất lượng và hiệu quả”, nghĩa là cần được thực hiện theo nhu cầu kinh tế và xã hội, không triển khai đồng loạt đại trà, tài chính tích cực vẫn tích cực trong khuôn khổ phát triển chất lượng cao, tránh làm tăng rủi ro tài khóa, làm cho tài chính ngày càng bền vững hơn.

Hình thành vòng tuần hòa tốt thúc đẩy lẫn nhau giữa tiêu dùng và đầu tư. Hội nghị chỉ ra rằng cần nỗ lực để mở rộng nhu cầu trong nước và hình thành vòng tuần hoàn tốt đẹp trong đó tiêu dùng và đầu tư thúc đẩy lẫn nhau. Năm 2023 có nhiều điểm sáng tiêu dùng, trong 10 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng tiêu dùng tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ đóng góp của chi tiêu tiêu dùng cuối cùng vào tăng trưởng kinh tế trong 3 quý đầu năm đạt 83,2%. Tiêu dùng tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.

Chuyên gia Thịnh Lỗi cho rằng vấn đề quan trọng của việc xây dựng cục diện phát triển mới nằm ở chỗ tuần hoàn kinh tế thông suốt, xét từ góc độ đầu tư đó là cần phải định hướng đầu tư vào các lĩnh vực mà cung cầu cùng được hưởng lợi, có hiệu quả cấp số nhân, tìm ra điểm kết hợp giữa mở rộng nhu cầu trong nước và đi sâu cải cách mang tính cơ cấu nguồn cung, thúc đẩy “nâng cấp kép” sản xuất và tiêu dùng.

Chuyên gia La Chí Hằng cho rằng hội nghị đã làm rõ hơn về mối quan hệ giữa tiêu dùng và đầu tư từ góc độ lưu thông kinh tế. Xét từ góc độ của “cỗ xe tam mã”, tiêu dùng và đầu tư đều là nhu cầu, nhưng tiêu dùng là nhu cầu cuối cùng, đầu tư cần phải đảm nhận vai trò tối ưu hóa cơ cấu cung ứng và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế, chứ không chỉ hiểu đơn giản là cầu, nếu chỉ hiểu đầu tư chỉ là nhu cầu sẽ nảy sinh nhiều đầu tư không hiệu quả. Do đó, sự gia tăng tiêu dùng đã dẫn đến sự gia tăng đầu tư sản xuất để tăng cường phúc lợi và tác dụng, tăng đầu tư cơ sở hạ tầng để cải thiện môi trường tiêu dùng. Tăng đầu tư, đặc biệt là đầu tư chất lượng cao, sẽ tạo ra và giải phóng nhu cầu, chẳng hạn các sản phẩm ngày càng tốt hơn sẽ tạo ra nhu cầu ngày càng sáng tạo hơn.

Củng cố các nền tảng cơ bản của ngoại thương và đầu tư nước ngoài. Hội nghị chỉ ra rằng cần mở rộng mở cửa trình độ cao với thế giới bên ngoài và củng cố nền tảng cơ bản của ngoại thương và đầu tư nước ngoài. Hiện tại, ngoại thương của Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực lớn, nhưng đang dần ấm lên. Theo dữ liệu mới nhất do Tổng cục Hải quan công bố vào ngày 7/12, xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 là 38.340 tỷ NDT (5.780 tỷ USD), tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trương Hiểu Thọ, Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại Quốc tế thuộc Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương, cho rằng sự cải thiện gần đây của ngoại thương Trung Quốc đã được hưởng lợi từ nhiều khía cạnh: sự dần phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, từng bước loại bỏ ảnh hưởng của dịch bệnh, hình thành sự hỗ trợ cơ bản cho sự phục hồi xuất nhập khẩu của Trung Quốc; Hiệu ứng của hàng loạt chính sách ổn định ngoại thương đã dần xuất hiện; Nhiều chủ thể thị trường đang dần thích nghi và tích cực ứng phó với những bất ổn; mở cửa thể chế dần được đẩy nhanh…

Chuyên gia Chu Khắc Lực cho rằng, tín hiệu được đưa ra từ hội nghị cho thấy chính sách kinh tế của Trung Quốc sẽ duy trì sự cân bằng giữa ổn định và phát triển, tăng cường mức độ hỗ trợ sự phát triển của các chủ thể kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế chất lượng cao.

Mạnh Cường

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here