Dự báo kinh tế Thụy Sỹ bối cảnh dịch Covid-19

0
88
(huffpost)
(huffpost)

Ngày 16/6/2020, Nhóm chuyên gia Dự báo Kinh tế của Chính phủ Liên bang chính thức đưa ra dự báo triển vọng kinh tế Thụy Sỹ năm 2020, khẳng định lại phần lớn các dự báo trước đó về sự sụt giảm kinh tế nặng nề nhất kể từ nhiều thập kỷ qua. Mức giảm thấp nhất được ghi nhận trong Quý II/2020. Trong trường hợp không xảy ra làn sóng lây nhiễm mới kéo theo việc tái áp đặt các biện pháp hạn chế xã hội, kinh tế Thụy Sỹ sẽ tăng trưởng trở lại trong nửa cuối 2020.

Nhóm chuyên gia dự báo kinh tế Thụy Sỹ sẽ sụt giảm -6,2% năm 2020 (dự báo đưa ra tháng 4 là -6,7%), thất nghiệp 3,8 % trong cả năm, đánh đấu sự sụt giảm kinh tế xuống mức thấp nhất kể từ 1975. Do tác động của những biện pháp hạn chế xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, các hoạt động kinh tế gần như bị ngưng trệ hoàn toàn, dẫn đến GDP sụt giảm mạnh bắt đầu từ Quý I và xuống thấp nhất vào Quý II. Tuy nhiên, do số ca lây nhiễm giảm nhanh chóng và việc nới lỏng hạn chế xã hội được bắt đầu từ cuối tháng 4/2020, dự báo đưa ra vào tháng 6 đã trở nên sáng sủa hơn so với dự báo triển vọng đưa ra trước đó vào tháng 4. Nhóm chuyên gia cũng dự báo sự phục hồi hạn chế thời kỳ cuối năm, tương tự như các dự báo trước đó. Tình trạng thất nghiệp gia tăng và sự khó đoán định đáng kể của tình hình kinh tế và những biện pháp bảo vệ nhằm phòng chống sự lây nhiễm sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tiêu dùng cá nhân các hộ gia đình.

Những diễn biến tiêu cực của kinh tế thế giới tác động mạnh đến một số khu vực ngoại thương của Thụy Sỹ. Nhóm chuyên gia nhận định các hoạt động kinh tế quốc tế sẽ tiếp tục trì trệ và phục hồi chậm, đặc biệt với các đối tác thương mại chủ yếu như các nền kinh tế lớn Nam Âu đang đối mặt với những hệ quả lâu dài của dịch bệnh Covid-19.

Dự kiến, kinh tế Thụy Sỹ sẽ phục hồi tương đối trong 2021, GDP tăng 4,9% (dự báo tháng 4 là 5,2%) với giả định sẽ không cần thiết áp đặt lại các biện pháp y tế mạnh mẽ, tác động hạn chế của thất nghiệp và phá sản doanh nghiệp và mức cầu quốc tế dần quay trở lại bình thường. Những rủi ro kinh tế phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch và chính vì vậy, dự báo tình trạng không rõ ràng vẫn ở mức đặc biệt cao. Một mặt, sự phục hồi kinh tế có thể nhanh hơn trong dự báo nếu các biện pháp hạn chế được nới lỏng nhanh. Mặt khác, nếu làn sóng thứ 2 bùng phát ở Thụy Sỹ và các đối tác thương mại chủ yếu, sẽ cần đến những biện pháp hạn chế quyết liệt hơn và như vậy sẽ dẫn đến những hậu quả kinh tế lớn hơn và kéo dài hơn.

Các biện pháp ổn định kinh tế làm tăng nhanh chóng nợ chính phủ và doanh nghiệp trên thế giới, tăng nguy cơ vỡ nợ và mất khả năng thanh toán của các công ty. Điều này sẽ đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính. Rủi ro bất ổn trên thị trường tài chính sẽ gia tăng áp lực đối với đồng tiền Franc. Xung đột thương mại quốc tế gây rủi ro đối với kinh tế toàn cầu và cuối cùng, thị trường bất động sản TS vẫn đang đứng trước nguy cơ điều chỉnh lớn.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Thuỵ Sỹ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here