Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ tư ngày 21/11/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô.
Sau hơn 10 năm thi hành, Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết được ban hành đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của chính quyền và nhân dân Thành phố về vị trí, vai trò và định hướng xây dựng, phát triển Thủ đô. Các cơ chế, chính sách được ban hành đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, có tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế – xã hội và quản lý nhà nước trên địa bàn Thủ đô.
Tuy nhiên, sau nhiều năm thi hành Luật Thủ đô, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định đề ra trong Luật còn nhiều tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực: Xây dựng; Quản lý sử dụng đất đai; Cơ chế tài chính, chính sách liên kết vùng, nhất là các chính sách thu hút nguồn lực, thu chi ngân sách để thúc đẩy đầu tư phát triển; Chính sách an sinh xã hội, phát triển giáo dục, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường…
Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nêu trên là do pháp luật về Thủ đô chưa đầy đủ, kịp thời, chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trái tim của cả nước. Một số quy định của Luật Thủ đô chủ yếu mang tính nguyên tắc, định hướng chung, thiếu quy định về các cơ chế đặc thù cụ thể.
Ngoài ra, còn có nhiều đạo luật chuyên ngành được ban hành để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 có quy định khác với Luật Thủ đô về cùng một vấn đề hoặc bãi bỏ quy định của Luật Thủ đô. Việc chưa có quy định về áp dụng Luật Thủ đô đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong việc thi hành…
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại một số Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 06-NQ/TƯ, Nghị quyết số 30-NQ/TƯ, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực; đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua quá trình thi hành Luật Thủ đô năm 2012.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập trong xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô thời gian qua, những điểm hạn chế, không phù hợp của Luật Thủ đô năm 2012.
Luật Thủ đô (sửa đổi) tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, đi trước, mở đường, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm là trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; có vai trò lan tỏa, thúc đẩy Vùng Thủ đô, vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Thủ đô Hà Nội đang phát triển mạnh mẽ và luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ là Thủ đô của đất nước mà còn là 1 trong 2 trung tâm kinh tế lớn nhất của nước nhà. Chính vì vậy, để có một hành lang pháp lý đáp ứng đúng nhu cầu phát triển Thủ đô là rất cần thiết, nên việc sửa đổi Luật Thủ đô năm 2012 không chỉ tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 10/11/2023, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình Quốc hội Tờ trình về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc sẽ tiến hành thảo luận tổ về Dự án Luật này. Tiếp đó, sáng 27/11/2023, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về Dự án Luật.