Tuyến đường sắt cao tốc nối hai thành phố lớn nhất Canada, Montreal và Toronto, dài khoảng 1.000 km từng là mơ ước và trở thành mục tiêu của các chiến dịch mang tính chính trị trong nhiều thập kỷ qua. Trong bối cảnh Chính phủ đảng Tự do chuẩn bị công bố những kế hoạch chi tiết hơn cho dự án này, giấc mơ đó đang tiến gần hơn đến hiện thực.
Dự kiến, từ Ontario, tuyến đường này sẽ đi qua Peterborough, Smith Fall và thủ đô Ottawa, trong khi tại Quebec, tuyến đường sẽ nối với Laval, Trois-Rivières và thành phố Quebec.
Thị trưởng thành phố Laval Stephane Boyer nhận định đây là điều gì đó có thể cách mạng hóa Quebec và Canada. Việc kết nối các thành phố tốt hơn theo cách thân thiện với môi trường hơn chính là một bước đột phá lớn.
Theo kế hoạch, Chính phủ dự kiến sẽ xây dựng một hành lang đường sắt riêng, tách biệt với các tuyến hiện nay, để tàu cao tốc có thể chạy với tốc độ 300 km/h, nhanh gấp hơn hai lần so với tốc độ tối đa của những đoàn tàu thương mại thuộc Via Rail hiện nay.
Những người đề xuất dự án hy vọng tuyến đường như vậy có thể rút ngắn thời gian đi lại giữa Toronto và Montreal xuống 2 tiếng rưỡi. Hiện nay, khoảng thời gian di chuyển giữa hai thành phố này bằng đường bộ là gần 6 tiếng.
Tác động đối với khu vực tuyến đường đi qua
Các nghiên cứu từ kinh nghiệm của các nước có đường sắt cao tốc cho thấy nó có thể giúp giảm chi phí về nhà ở và tình trạng tắc nghẽn trên đường bộ, bằng cách giúp người dân dễ dàng sống xa trung tâm thành thị hơn.
Chuyên gia nghiên cứu giao thông công cộng Yonah Freemark của Viện Đô thị cho biết, nhìn chung, đường sắt cao tốc sẽ khiến “các thành phố có quy mô trung bình trở nên hấp dẫn hơn”.
Ông Freemark đưa ra ví dụ rằng thành phố Lille của Pháp, nằm giữa Paris và London, đã chứng kiến “sự mở rộng mạnh mẽ tại các khu thương mại” sau khi tuyến đường sắt nối liền hai trung tâm này hoàn thành. Ông cho rằng các thành phố như Peterborough và Trois- Rivières có thể thấy được lợi ích kinh tế tương tự, trong khi thành phố Quebec cũng có thể đón nhiều khách du lịch hơn và tăng thêm hoạt động kinh doanh.
Giáo sư về chính sách giao thông Clarence Woudsma thuộc Đại học Waterloo nhận định việc mở rộng dịch vụ tàu cao tốc qua các khu vực này là khả thi, nhưng cần phải có sự thay đổi về mặt chính trị và ý chí của công chúng. Ông cho biết, đường sắt cao tốc đã được nghiên cứu trong nhiều thập kỷ và các cuộc thảo luận đều đi đến cùng một số vấn đề như dân số thiếu hụt và nhu cầu đảm bảo cho khoản đầu tư như vậy.
Liệu có thu hút được người sử dụng?
Canada là quốc gia duy nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7)) không có đường sắt cao tốc. Các hành khách đang sử dụng Via Rail được một số phương tiện truyền thông Canada phỏng vấn đều đã nói rằng họ sẽ sử dụng tàu cao tốc thường xuyên hơn nếu nó có sẵn.
Báo cáo thường niên của Via Rail trong năm 2023 cho thấy 67,3% doanh thu chở khách của tập đoàn vận tải nhà nước này là từ những dịch vụ giữa Toronto và thành phố Quebec. Via Rail hiện chỉ sở hữu 3% tuyến đường sắt mà họ sử dụng, vốn đang ưu tiên cho vận tải hàng hóa để sinh lời. Đây có lẽ là do tại sao chỉ 59% các chuyến tàu của Via Rail đúng giờ vào năm ngoái.
Ông Paul Langan, một người ủng hộ đường sắt cao tốc, nói rằng kế hoạch của chính phủ có thể đóng vai trò là chất xúc tác để cải thiện các dịch vụ đường sắt khác, điều đang gây cản trở tốc độ do quá cũ. Ông nói rằng việc thiếu ý chí chính trị và áp lực của công chúng đang khiến dịch vụ đường sắt phía Tây Nam Ontario không được cải thiện nhiều. Ông hy vọng rằng tiến trình sẽ không bị chệch hướng khi chính phủ mới lên nắm quyền.
Ông Freemark từ Viện Đô thị cho biết, tuyến đường được đề xuất nói trên có thể so sánh với tuyến đường sắt cao tốc ở Italy (I-ta-li-a) giữa thành phố Turin và Naples về mặt dân số được phục vụ và khoảng cách di chuyển. Theo ông, hành lang đường sắt cao tốc của Italy là một trong nhiều ví dụ trên thế giới làm thay đổi thói quen sử dụng máy bay và ô tô của du khách. Điều này đã được chứng minh trên thực tế vì nếu chúng ta có thể cung cấp dịch vụ tàu tốc độ cao, với tần suất thường xuyên hơn và giá cả phải chăng hơn, chúng ta sẽ có thể thu hút được nhiều người đi tàu hơn. Khi hành lang đường sắt cao tốc đi vào hoạt động, nó sẽ là loại phương tiện ít phát thải và đồng thời có thể giúp loại bỏ hàng nghìn ô tô trên đường.
Chi phí xây dựng sẽ như thế nào?
Bộ Giao thông Vận tải Canada ước tính chi phí cho tuyến đường sắt cao tốc này có thể lên tới 80 tỷ USD, mặc dù một số chuyên gia trong ngành ước tính con số đó có thể lên tới 120 tỷ USD.
Tuyến đường sắt được đề xuất giữa Los Angeles và San Francisco thường được đưa ra như một câu chuyện cảnh báo. Dự án được phê duyệt vào năm 2008 để hoàn thành vào năm 2020 với chi phí 33 tỷ USD. Hiện nó vẫn chưa được hoàn thành và được mệnh danh là “tuyến đường tàu cao tốc chưa đi đến đâu”. Ước tính tổng chi phí cho đến nay đã lên tới 180 tỷ USD.
Ủy viên hội đồng Shelley Carroll, người giữ chức Giám đốc ngân sách của thành phố Toronto, cho biết bà hy vọng thành phố sẽ không phải đóng góp tài chính cho dự án này. Các ủy viên hội đồng thành phố có thể vận động cho các lợi ích cộng đồng khi tuyến đường được xây dựng, bao gồm cả cơ hội việc làm cho những người lao động chưa được đại diện.
Thời gian hoàn thành có thể kéo dài
Một kế hoạch về đường sắt cao tốc cấp tỉnh bang trước đây của đảng Tự do bà Kathleen Wynne đã bị hủy khi đảng Bảo thủ của Thủ hiến Doug Ford lên nắm quyền ở Ontario. Dự án vấp phải sự phản đối của nông dân vì họ cho rằng đường phân chia cấp bậc sẽ khiến họ gặp bất lợi và tạo ra ranh giới trên toàn tỉnh.
Khi cuộc bầu cử ở Canada chuẩn bị đến gần, tuyến đường sắt cao tốc cấp liên bang được đề xuất ở trên sẽ trở thành trách nhiệm của chính phủ mới.
Dự án dự kiến mất 4 năm để thiết kế và sau khi hoàn thành giai đoạn này kinh phí mới được phân bổ. Do vậy, nhiều khả năng chính phủ tương lai của Canada vẫn có thể sửa đổi hoặc thậm chí hủy dự án.
Nếu được xây dựng, tuyến đường sắt cao tốc này có thể giúp di chuyển giữa Montreal và Toronto chỉ mất chưa đầy 3 tiếng, ít thời gian hơn nhiều so với những chuyến đi hiện tại bằng Via Rail hay bằng ô tô và trong một số trường hợp còn nhanh hơn cả máy bay nếu tính tổng thời gian đi lại.
Hiện tại, tàu Via Rail hoạt động với tốc độ từ 60-120 km/h, tùy thuộc vào từng phân khúc đường ray trên toàn tuyến và tàu của Via Rail cũng đang phải chia sẻ đường ray với các tàu chở hàng.
Giảng viên về dịch vụ hàng không và đường sắt John Gradek của Đại học McGill nhận xét hiện nay có khoảng 150 chuyến bay mỗi ngày giữa các thành phố dọc theo tuyến đường sắt đang được đề xuất. Sự gia tăng các chuyến bay nội địa chặng ngắn đã khiến các sân bay như Montreal trở nên tắc nghẽn hơn và cần phải cải thiện để giảm lưu lượng xe cộ gần đó. Ông đề xuất rằng nguồn tiền đó nên được chuyển vào đường sắt để thay thế bởi cơ sở hạ tầng được đầu tư, dù là đường bộ hay sân bay, đều không bền vững nếu so với dịch vụ có thể cung cấp thông qua đường sắt cao tốc.
Các quốc gia có nền kinh tế kém phát triển hơn Canada đều đã có tàu cao tốc. Thổ Nhĩ Kỳ có tuyến đường YHT và Ba Lan có tuyến PKP, có thể đạt tốc độ 250 km/h. Tuyến đường sắt cao tốc Al Boraq của Morocco (Ma-rốc) đạt tốc độ tối đa 320 km/h Indonesia (In-đô-nê-xi-a) vừa khánh thành tuyến đường sắt cao tốc Whoosh, có thể đạt tốc độ lên tới 350 km/h. Brazil (Bra-xin) đang triển khai một dự án đường sắt cao tốc và Ấn Độ cũng đang nhập khẩu mẫu tàu Shinkansen của Nhật Bản.
Hà Linh