Những năm qua, Đồng Tháp đã thúc đẩy các hoạt động hợp tác với nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân của Nhật Bản.
Chiều 29/11, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị hợp tác đầu tư và thương mại giữa tỉnh Đồng Tháp và doanh nghiệp Nhật Bản. Sự kiện thu hút sự tham dự của hơn 50 doanh nghiệp, nghiệp đoàn, nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và tỉnh Đồng Tháp.
Hội nghị được tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, môi trường và cơ hội đầu tư vào tỉnh Đồng Tháp, qua đó, thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản triển khai các dự án đầu tư trong và ngoài khu, cụm công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Đồng thời, sự kiện cũng sẽ góp phần tạo cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư cho doanh nghiệp của tỉnh với các đối tác Nhật Bản trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, ông Ono Masuo, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hội nghị sẽ thúc đẩy mối quan hệ hợp tác đầu tư và thương mại giữa doanh nghiệp Đồng Tháp và doanh nghiệp Nhật Bản.
Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính; có đơn vị đầu mối để tiếp nhận, hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản giải quyết thủ tục hành chính, giúp UBND tỉnh Đồng Tháp nắm bắt thông tin đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản một cách toàn diện. Thời gian tới, hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy của Đồng Tháp được hoàn thiện sẽ mở ra cơ hội hợp tác đầu tư và giao thương giữa doanh nghiệp Đồng Tháp với doanh nghiệp Nhật Bản trên những lĩnh vực như: chế biến nông sản, logistics, du lịch…
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho biết, Nhật Bản là đối tác đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với Việt Nam, tạo ra các khuôn khổ hợp tác vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, kinh doanh giữa hai nước. Những năm qua, Đồng Tháp đã thúc đẩy các hoạt động hợp tác với nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân của Nhật Bản.
Theo ông Lê Quốc Phong, với hành trình 15 năm liên tục trong nhóm dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Đồng Tháp tự tin là địa phương có môi trường đầu tư lý tưởng để doanh nghiệp Nhật Bản ưu tiên lựa chọn khi quyết định đầu tư tại Việt Nam.
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp thông tin về các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, cụm công nghiệp và những lĩnh vực, dự án kêu gọi đầu tư; các kết quả đạt được trong quan hệ giữa Nhật Bản và Đồng Tháp về văn hoá, du lịch, nông nghiệp, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở Nhật Bản…
Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra hoạt động giao lưu – kết nối đầu tư và thương mại giữa các doanh nghiệp Đồng Tháp với các doanh nghiệp Nhật Bản; giới thiệu về văn hóa, du lịch, ẩm thực đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp và những sản phẩm thế mạnh, chủ lực của Đồng Tháp đã và đang có nhu cầu xuất khẩu sang Nhật Bản.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, năm 2022, Đồng Tháp có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sang thị trường Nhật Bản đạt 18,17 triệu USD và trong 8 tháng đầu năm 2023 đạt 20,5 triệu USD. Với những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là giày da, thủy sản, sản phẩm sau gạo, dệt may, collagen, bánh phồng tôm, trái cây… Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm: nguyên liệu dệt may, nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, dược phẩm…
Đồng Tháp xác định đồng hành cùng doanh nghiệp là trách nhiệm và cam kết cao nhất của lãnh đạo và chính quyền các cấp. Đặc biệt, chuẩn bị những điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nhanh chóng triển khai dự án với nhiều khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Trả lời phỏng vấn báo chí trước khi diễn ra Hội nghị, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Chuẩn bị cho hội nghị, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng danh mục các Dự án kêu gọi đầu tư để giới thiệu đối với các nhà đầu tư Nhật. Trong đó, có các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án đầu tư công nghiệp cơ khí, điện tử, chế biến bảo quản nông sản; các dự án chuyển đổi số; dự án thương mại, đô thị, du lịch và dự án cảng, vận tải và dịch vụ logistics…
Chúng tôi còn có trên 300 sản phẩm OCOP được hình thành từ những tài nguyên bản địa, sản phẩm đặc trưng của địa phương, đủ sức tham gia vào thị trường Nhật Bản cũng như các nước”.
Hoàng Nam