Đông Nam Bộ – “thỏi nam châm” thu hút FDI nhờ lý do gì?

0
36
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nỗ lực vươn lên dẫn đầu khu vực Đông Nam Bộ về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). (Nguồn: Haiquan online)

Những năm qua các tỉnh vùng Đông Nam Bộ luôn nỗ lực, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đồng thời tập trung phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Đây được xem là những yếu tố góp phần giúp Đông Nam Bộ đón làn sóng đầu tư mới.

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nỗ lực vươn lên dẫn đầu khu vực Đông Nam Bộ về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). (Nguồn: Haiquan online)

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nỗ lực vươn lên dẫn đầu khu vực Đông Nam Bộ về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tính đến nay, Bà Rịa-Vũng Tàu có 476 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 33,298 tỷ USD.

Trong 7 tháng đầu năm 2024, nguồn vốn đầu tư nước ngoài thu hút mới và tăng thêm trên 1,7 tỷ đô la, đạt 87% so với kế hoạch năm 2024, trong đó đáng chú ý có 20 dự án FDI cấp mới với 1,5 tỷ đô la Mỹ.

Với Đồng Nai, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai cho biết, nhờ tư duy đột phá, phát huy tốt các tiềm năng và lợi thế, thu hút đầu tư nước ngoài vào tỉnh trong 8 tháng qua đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ. Các dự án đầu tư mới đều có quy mô vốn đầu tư lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến.

Tính đến nay, đã có trên 46 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh Đồng Nai với 1.667 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư trên 34 tỷ USD.

Trong khi đó, Bình Dương cũng đạt được kết quả tích cực trong thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài. Trong 8 tháng đầu năm 2024, Bình Dương là địa phương đứng thứ 7 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 911 triệu USD.

Tính lũy kế đến nay, Bình Dương đứng thứ 3 cả nước, chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 4.354 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 40,9 tỷ USD- ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương chia sẻ.

Các tỉnh còn lại như Tây Ninh và Bình Phước cũng là những địa phương đang dồn lực, liên tục có nhiều động thái mạnh mẽ kêu gọi thu hút được nhiều đầu tư FDI vào công nghiệp, nông nghiệp.

Ông Phạm Đình Dzu, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH), cho hay, tính đến nay, Đông Nam Bộ là nơi có thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước, chiếm 41,1% tổng vốn FDI. Dòng vốn FDI chủ yếu đổ vào lĩnh vực công nghiệp đã giúp vùng Đông Nam Bộ trở thành trung tâm công nghiệp, xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Song song với đó, thế mạnh chung của Đông Nam Bộ là về vị trí “địa kinh tế”. Ở mỗi tỉnh lại có những khu vực khác nhau về điều kiện tự nhiên, về kết nối hạ tầng giao thông, về nguồn nước thích ứng với từng ngành sản xuất khác nhau.

Do đó, thông tin cần thiết đầu tiên mà các nhà đầu tư cần biết giống như sự “chào hàng” về mặt bằng và địa điểm cho những lĩnh vực mà địa phương cần thu hút đầu tư.

Trong tương lai, để đón làn sóng đầu tư mới, TS. Phạm Đình Dzu cho rằng, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ cần điều chỉnh cơ cấu đào tạo theo hướng giảm bớt số lượng đào tạo các môn nghiên cứu khoa học cơ bản, tăng thêm số lượng đào tạo cho khoa học ứng dụng nhằm cung cấp nhân lực cho các nhà đầu tư mới về công nghệ cao và tăng số lượng khởi nghiệp về phát triển công nghệ cao.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here