Đông Nam Á ứng biến với chính sách của các nền kinh tế lớn

0
324
(minh họa)
(minh họa)
Năm 2025 được dự báo sẽ chứng kiến điều chỉnh chính sách của nhiều nền kinh tế lớn với tác động sâu sắc đến kinh tế toàn cầu. Với độ mở cao và gắn kết chặt chẽ về kinh tế – thương mại với các đối tác ngoài khu vực, các nước Đông Nam Á đứng trước yêu cầu ứng biến linh hoạt và hiệu quả nhằm tận dụng cơ hội mới, cũng như vượt qua các thách thức và tác động không thuận từ bên ngoài.

Ba xu hướng điều chỉnh chính sách kinh tế năm 2025

Thứ nhất, xu hướng nới lỏng tiền tệ. Nới lỏng tiền tệ đã được nhiều nền kinh tế triển khai từ năm 2024 và được dự báo sẽ tăng cường trong năm 2025 tại các nền kinh tế hàng đầu. Các biện pháp nới lỏng tiền tệ và kích thích tăng trưởng của Trung Quốc được công bố hồi cuối năm 2024 sẽ có hiệu lực trong năm 2025. Trung Quốc cũng được kỳ vọng sẽ triển khai các biện pháp ngăn ngừa nguy cơ giảm phát, trong bối cảnh giá tiêu dùng năm 2024 chỉ tăng 0,5%, chậm nhất 10 năm qua.

Tại Mỹ, Cục dự trữ liên bang (FED) sẽ theo đuổi chính sách tiền tệ trung dung nhằm cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, chính quyền tân Tổng thống Donald Trump được dự báo sẽ thúc đẩy giảm lãi suất mạnh hơn, đồng thời triển khai các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng như giảm thuế, giảm điều tiết và cắt giảm lãi suất. Mức thuế doanh nghiệp cho các công ty sản xuất tại Mỹ có thể giảm từ 21% xuống 15% nhằm khuyến khích các hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Mỹ. Các biện pháp giảm điều tiết có thể được áp dụng, bao gồm dỡ bỏ các hạn chế đối với trí tuệ nhân tạo (AI) và tiền số.

Thứ hai, gia tăng công cụ thuế quan và căng thẳng thương mại, trong đó không loại trừ các biện pháp áp đặt thuế quan và trả đũa thuế quan lẫn nhau giữa các nền kinh tế lớn. IMF đã cảnh báo các biện pháp trả đũa thuế quan có thể làm suy yếu triển vọng tăng trưởng toàn cầu năm 2025, đáng chú ý trong phát biểu gần đây Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhận định các biện pháp thuế quan sẽ được cảm nhận đặc biệt rõ ràng ở các quốc gia có mức độ hội nhập cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu và các nước châu Á.

Thứ ba, sự điều chỉnh chuỗi cung ứng được thúc đẩy bởi năm nhân tố gồm: số hóa và tiến bộ công nghệ, thay đổi địa chính trị, nhu cầu ngày càng cao về tính bền vững, dịch chuyển sản xuất về trong nước và khu vực hóa. Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng về khu vực Đông Nam Á tiếp tục được thúc đẩy. Trong giai đoạn 2019-2023, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Đông Nam Á đã tăng 20%, trong khi FDI vào Trung Quốc giảm 17%. Indonesia và Việt Nam nổi lên như những điểm đến hấp dẫn về thu hút đầu tư sản xuất trong khi Singapore và Malaysia đi đầu về thu hút công nghệ cao.

Giải pháp của các nước Đông Nam Á

Năm 2024, kinh tế Đông Nam Á tăng trưởng tương đối khả quan, đạt 4,7% theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhờ động lực từ xuất khẩu hàng chế tạo, đầu tư và tiêu dùng. Việt Nam và Philippines dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng, trong khi tăng trưởng tại Malaysia, Thái Lan và Singapore cao hơn dự kiến.

Quốc gia Tăng trưởng thực tế (%) Tăng trưởng dự báo (%)
Việt Nam 7,09 6 – 6,4
Singapore 4% 3,5
Malaysia 5,1 4,8 – 5,3
Indonesia 5 5
Thái Lan 2,6 2 – 3
Philippines 6 6 – 6,5

Tăng trưởng GDP năm 2024 của một số nền kinh tế Đông Nam Á

ADB nhận định tăng trưởng của Đông Nam Á năm 2025 sẽ duy trì ở mức 4,7%, song cảnh báo khu vực có thể đối mặt với tác động của biến động kinh tế toàn cầu, nhất là căng thẳng địa chính trị và phân mảnh thương mại.

Trước xu hướng điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, một số giải pháp đã và có thể được các nước Đông Nam Á áp dụng trong năm 2025 và thời gian tới bao gồm:

Thúc đẩy khuôn khổ hợp tác và đối thoại mới với các đối tác kinh tế chủ chốt. Vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Airlangga Hartarto đã đề xuất khả năng Indonesia và Mỹ đàm phán xây dựng hiệp định thương mại tự do song phương hoặc thảo luận các biện pháp cắt giảm thuế quan. Bộ trưởng Hartato cho biết một số sản phẩm của Indonesia, bao gồm dệt may, đã chịu thuế quan từ phía Mỹ và Indonesia mong muốn hai bên sớm tìm được giải pháp thông qua đối thoại. Mỹ hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Indonesia với kim ngạch thương mại hai chiều 11 tháng năm 2024 đạt 31,6 tỷ USD, trong đó Indonesia xuất siêu 11,5 tỷ USD.

Theo một số chuyên gia, với ưu tiên của chính quyền tân Tổng thống Mỹ Donald Trump về thúc đẩy tăng trưởng, các nước châu Đông Nam Á có thể tìm kiếm các thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ trong một số lĩnh vực cụ thể như năng lượng, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị quốc phòng. Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng Mỹ quan tâm đến các cơ chế hợp tác song phương về kinh tế số, cũng như khuôn khổ hợp tác về khoáng sản thiết yếu như lithium, cobalt, graphit và gallium vốn đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Các nước Đông Nam Á cũng đang đẩy mạnh các biện pháp đa dạng hóa thị trường, đối tác, đáng chú ý Indonesia đã chính thức gia nhập nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, trong khi Malaysia và Thái Lan được công nhận tư cách nước đối tác của BRICS.

Tận dụng xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, nhất là trong lĩnh vực chế tạo và công nghệ cao. Đông Nam Á được nhận định là địa bàn hấp dẫn đầu tư hàng đầu trong xu hướng dịch chuyển hiện nay, trong đó Singapore, Indonesia, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Thái Lan được nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm. Bên cạnh hoạt động chế tạo, công nghệ điện tử, trí tuệ nhân tạo (AI) và trung tâm dữ liệu đang đóng vai trò động lực quan trọng thu hút FDI vào khu vực Đông Nam Á với sự hiện diện của nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.

Theo một số nghiên cứu, đang xuất hiện một số xu hướng mới trong các chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á. Một là số hóa, theo đó sự phát triển của thương mại điện tử, nhà máy thông minh và việc áp dụng blockchain đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong khu vực. Hai là bền vững với việc các nước chú trọng hơn các sáng kiến xanh, thúc đẩy tìm nguồn cung ứng có đạo đức và giảm tác động đến môi trường. Indonesia gần đây đã triển khai các chính sách thúc đẩy sản xuất dầu cọ bền vững, bao gồm các chương trình chứng nhận và quy định nhằm giảm nạn phá rừng và bảo vệ đa dạng sinh học. Ba là thích ứng thông qua đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đầu tư vào các chiến lược quản lý rủi ro và xây dựng khả năng phục hồi. Tại Thái Lan, ngành công nghiệp ô tô đang theo đuổi chính sách đa dạng hóa nguồn cung ứng linh kiện để giảm thiểu rủi ro từ bất ổn chính trị hoặc thiên tai. Bốn là tái cấu trúc và dịch chuyển sản xuất gần bờ trên cơ sở tranh thủ thu hút đầu tư từ các nước trong khu vực. Năm là, thúc đẩy hội nhập và kết nối khu vực, đi đôi với mở rộng và nâng cấp liên kết thương mại với các đối tác lớn ngoài khu vực.

Chú trọng động lực tiêu dùng. Kinh tế Đông Nam Á trong nhiều năm đã tăng trưởng dựa trên động lực xuất khẩu và đầu tư, tuy nhiên tiêu dùng đóng vai trò ngày càng quan trọng, nhất là trong giai đoạn các hoạt động xuất khẩu của khu vực chịu tác động tiêu cực của đại dịch và suy giảm tăng trưởng toàn cầu. Một số nền kinh tế khu vực gần đây rất chú trọng các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng, điển hình Malaysia tăng trưởng khả quan trong năm 2024 nhờ tận dụng tốt hai động lực tiêu dùng (tăng 5,7%) và xuất khẩu (tăng 8,7%).

Năm 2025, với triển vọng chưa chắc chắn của thương mại toàn cầu và khả năng các nước áp dụng các biện pháp thuế quan, thị trường nội địa và hoạt động tiêu dùng được đánh giá sẽ gia tăng vai trò đối với triển vọng tăng trưởng của Đông Nam Á. Theo đó, một số Chính phủ đã xem xét các biện pháp kích cầu tiêu dùng. Tại Thái Lan, nội các gần đây đã thông qua các biện pháp ưu đãi thuế, bao gồm chương trình “Easy E-Receipt 2.0” về giảm trừ tối đa 50.000 baht tiền thuế cho người tiêu dùng, ngoại trừ một số mặt hàng không khuyến khích như rượu bia. Chương trình dự kiến sẽ có tác động tới 1,4 triệu người tiêu dùng và giúp tạo ra doanh thu 70 tỷ baht từ các hoạt động kinh tế. Chính phủ Thái Lan cũng xem xét biện pháp giảm thuế tiêu thụ đặc biệt tại một số địa điểm giải trí trong cả năm 2025 nhằm khuyến khích hoạt động du lịch và tiêu dùng.

(ĐSQVN tại Brunei)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here