Đông Nam Á là khu vực vừa chịu hậu quả của thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu, vừa góp phần phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu nhanh chóng. Trong bối cảnh có những hạn chế trong quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng phát thải carbon thấp, việc định giá carbon thông qua giao dịch tín chỉ carbon hoặc tốt hơn là áp dụng thuế carbon là mối quan tâm của khu vực.
Biến đổi khí hậu đang diễn biến theo chiều hướng gây nhiều rủi ro cho Đông Nam Á, vì đây là khu vực đóng góp nhiều nhất vào lượng khí thải nhà kính và dễ bị tổn thương nhất trước thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu. Cho đến nay, khu vực này vẫn chưa có hành động ấn tượng nào trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, lượng khí thải carbon vẫn ở mức cao và nạn phá rừng vẫn tiếp diễn.
Trong bối cảnh mọi hoạt động vẫn diễn ra như thường lệ, lượng phát thải khí nhà kính trong khu vực có thể đạt tới 8 GtCO2e vào năm 2030. Tuy nhiên, Đông Nam Á gần đây đã chú ý đến việc trung hòa carbon cũng như việc thích ứng trước nhận thức ngày càng tăng về mối nguy hiểm từ mực nước biển dâng cao và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Ngoại trừ Philippines và Myanmar, các quốc gia khác trong khu vực đã đưa ra cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 hoặc trung hòa carbon. Bước đột phá lớn nhất sẽ là chuyển đổi nhanh chóng sang sử dụng năng lượng ít thải carbon và cắt giảm mạnh cường độ sử dụng năng lượng của các nền kinh tế. Đặc biệt đối với khu vực có tỷ lệ nhiên liệu hóa thạch cao trong cấu trúc sử dụng năng lượng, việc định giá carbon – thông qua giao dịch tín chỉ carbon hoặc áp thuế carbon – có thể là bước đi có giá trị trong quá trình trung hòa carbon và từng bước tiệm cận mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo của ASEAN đạt 23% vào năm 2025. Điều quan trọng là chi phí tiềm ẩn của không khí sạch cũng thúc đẩy đầu tư vào năng lượng sạch, và chính phủ các nước có thể huy động tiền để tài trợ cho các dự án đầu tư xanh.
Singapore chỉ phát thải 0,1% lượng khí thải carbon toàn cầu, nhưng có lượng khí thải bình quân đầu người cao thứ 27 trong số 142 quốc gia (2018). Nước này phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên và bị hạn chế về địa lý trong việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng mặt trời và gió. Thế nhưng, tất cả những điều này đều là lý do khiến Singapore tăng thuế carbon và khuyến khích các nhà sản xuất năng lượng cắt giảm lượng khí thải.
Năm 2019, Singapore áp thuế carbon 3,7 USD/tấn carbon. Đây là mức thấp trong khoảng từ 2,60 USD/tấn của Nhật Bản đến 137 USD/tấn của Thụy Điển. Mặt khác, thuế carbon của Singapore được áp dụng đối với 4/5 lượng khí thải của nước này so với chỉ 1/3 ở EU. Singapore có lý do thuyết phục để tăng thuế carbon lên 36,8 USD/tấn. Năm 2020, Chính phủ Singapore đã công bố mức thuế 18,4 USD vào năm 2024; 33 USD vào năm 2026; và có thể là 58,9 USD vào năm 2030. Mục tiêu của việc tăng thuế carbon là đầu tư vào năng lượng mặt trời và gió, bao gồm cả việc mua năng lượng sạch từ các nước láng giềng.
Theo Luật hài hòa hóa quy định thuế (2021), Indonesia – nước sản xuất than hàng đầu thế giới – ban đầu dự định áp thuế 2,10 USD/tCO2e đối với các nhà máy sản xuất than từ tháng 4/2022. Mặc dù giá hàng hóa tăng cao do cuộc chiến ở Ukraine gây ra khiến Indonesia hoãn áp dụng thuế carbon vô thời hạn, nhưng chính phủ nước này dường như đã cam kết sẽ áp dụng mức thuế nói trên. Thái Lan, Việt Nam và Malaysia chưa áp dụng cơ chế định giá carbon, nhưng có lẽ sẽ đổi ý. Malaysia và Thái Lan đang xem xét áp dụng giao dịch tín chỉ phát thải và đã thiết lập các sàn trao đổi tín chỉ carbon tự nguyện. Philippines cũng đang cân nhắc áp dụng hệ thống tín chỉ carbon.
Khi áp dụng thuế carbon, phạm vi đối tượng gây ô nhiễm và thuế suất là những biến số mang tính quyết định. Cần nhắm mục tiêu vào những đối tượng gây ô nhiễm nhiều nhất và những đối tượng có lịch trình phát thải linh hoạt để hướng tới thực sự cắt giảm đáng kể lượng khí thải. Ở Singapore, ngành điện chiếm 40% lượng khí thải cả nước và có thể phản ứng với việc định giá carbon, nhất là khi các công nghệ mới được áp dụng. Ngành vận tải ở các nước Đông Nam Á sẽ phản ứng ít hơn.
Tác động đối với hoạt động kinh doanh là yếu tố quan trọng cần cân nhắc. Việc cho phép các công ty sử dụng tín chỉ carbon quốc tế để giảm thiểu tiền thuế đối với lượng khí thải của họ không phải là điều bất thường. Cũng có lý do chính đáng để xây dựng mạng lưới an toàn cho các bộ phận dân cư thu nhập thấp đang phải đối mặt với việc giá tiện ích tăng. Tiền thu thuế carbon có thể được sử dụng để giảm bớt tác động đối với các hộ gia đình.
Một số người đặt câu hỏi: Liệu có nên miễn thuế carbon cho các doanh nghiệp chịu tác động từ hoạt động thương mại phát thải lớn dựa trên mối lo ngại về khả năng cạnh tranh và tác động của rò rỉ carbon hay không? Vì lý do này mà việc điều chỉnh biên giới carbon sẽ hiệu quả hơn việc miễn thuế carbon cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Việc điều chỉnh biên giới carbon sẽ dẫn đến việc áp thuế carbon đối với các sản phẩm nhập khẩu thâm dụng năng lượng và chịu tác động từ thương mại. Hoặc có lẽ tốt hơn và chắc chắn đơn giản hơn là việc giảm thuế dựa trên sản lượng để bù đắp thiệt hại cho các nhà xuất khẩu trong nước dễ bị tổn thương.
Các công ty công nghiệp đang tranh luận về việc để lợi thế cạnh tranh rơi vào tay các nhà xuất khẩu từ các quốc gia có giá carbon thấp hơn. Mối quan ngại này có thể được giảm thiểu nếu toàn thể ASEAN thông qua việc định giá carbon. Canada, EU, Nhật Bản, Singapore và các nước khác cũng cho phép miễn trừ phần nào để ngăn chặn tình trạng rò rỉ carbon, điều khiến các doanh nghiệp cân nhắc chuyển địa điểm hoạt động sang nơi khác. Sức ép chính trị từ các sự kiện toàn cầu cũng khiến tình hình phức tạp hơn. Chẳng hạn, giá năng lượng năm 2022 khiến EU phải bán hàng triệu tín chỉ carbon, và điều này khiến giá carbon giảm 10%.
Tác động của giá cả tăng cao đối với các nhóm thu nhập thấp là vấn đề cần phải giải quyết. EU loại trừ ngành vận tải, mà ở đó người tiêu dùng sẽ phải trực tiếp gánh chịu chi phí cao hơn. Singapore áp dụng chính sách bồi hoàn đối với người tiêu dùng bị ảnh hưởng khi giá tiện ích tăng cao. Hệ thống California của Mỹ, được áp dụng đối với các nguồn phát thải lớn tuy ít về số lượng nhưng chiếm tới 80% lượng khí thải của bang, sử dụng một phần số tiền thu được từ việc bán tín chỉ carbon để trợ cấp cho ngành ô tô điện.
Australia là minh chứng cho những khó khăn vẫn tồn tại ngay cả khi nguồn thu mới được dùng để bù đắp cho người tiêu dùng. Việc tăng thuế diễn ra từng bước, nhưng thuế carbon vẫn dễ bị ảnh hưởng do các nguyên nhân chính trị. Khi chính phủ bảo thủ mới nhậm chức, họ đã bãi bỏ thuế năm 2012 chỉ sau 2 năm áp dụng. Thụy Điển đã xử lý tốt một số hạn chế chính trị này. Nước này áp thuế carbon trước tiên đối với nhiên liệu vận tải và sưởi ấm vào năm 1991, và mức thuế này đã tăng từ dưới 30 USD đến hơn 120 USD/tấn CO2. Lĩnh vực công nghiệp ban đầu được áp mức thuế có thể đáp ứng được, nhưng mức thuế này đang dần tăng lên. Thuế, kết hợp với các mạng lưới an toàn xã hội, cũng được đề cập đến như là một trong những biện pháp giúp giảm thiểu tổng số thuế.
Câu hỏi được đặt ra là: Liệu việc áp dụng đầy đủ các biện pháp can thiệp thị trường có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng khí hậu hay không? Bài viết này ủng hộ tất cả các quốc gia tiến hành định giá carbon thông qua việc áp dụng mức thuế carbon cao đối với các nguồn gây ô nhiễm. Ngoài ra, cần phải hạn chế số lượng nhiên liệu hóa thạch được khai thác, bên cạnh việc loại bỏ mọi khoản trợ cấp cho những nguồn gây ô nhiễm này. Đông Nam Á cần cắt giảm lượng khí thải carbon và đưa ra giải pháp khí hậu quan trọng đối với sự sống còn của khu vực. Động thái nhanh chóng và đầy tham vọng hướng tới việc áp dụng thuế carbon trên toàn khu vực, ngay cả khi có sự khác biệt giữa các quốc gia, sẽ là một giải pháp cho tương lai.
Mặc dù thuế carbon không khác gì hình phạt đối với các tác động tiêu cực bên ngoài, từ việc làm ô nhiễm nguồn nước đến việc mua thuốc lá, nhưng vẫn có người lo sợ về những điều chưa biết. Nỗi sợ lớn nhất là nỗi sợ mất khả năng cạnh tranh trong ngắn hạn. Ý tưởng về một động thái thống nhất, ngay cả khi có sự khác biệt về mức thu nhập, sẽ giải quyết được mối lo ngại này, đặc biệt nếu ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand quyết định về chính sách giá carbon.
Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực có thể mất mọi thứ do biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng, nhưng lại đang đối mặt với nhiều hạn chế trong việc nhanh chóng thực hiện quá trình chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu phát thải carbon thấp. Họ càng có lý do để làm bất kỳ việc gì có thể bằng cách định giá carbon nhằm mở ra con đường hướng tới sử dụng năng lượng sạch, trong khi vẫn tìm cách gia tăng nguồn thu cần thiết từ thuế. Bộ trưởng tài chính các nước ASEAN+6 phải là những người trực tiếp dẫn dắt việc thực hiện động thái trên.
Trần Quyên