Đồng Nai giải quyết vướng mắc, cải thiện chất lượng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp

0
211
Một khu công nghiệp ở Đồng Nai. (Nguồn: VGP)

Một trong những điểm trọng tâm của quy hoạch Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn 2050 là phát triển công nghiệp. Theo đó, Đồng Nai phấn đấu trở thành một trong những cực tăng trưởng quan trọng của cả nước, ngang hàng với các đô thị lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng…

Về định hướng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trong thời gian tới, Đồng Nai sẽ tiếp tục cải thiện chất lượng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, ưu tiên thu hút các  dự án có ngành nghề, lĩnh vực công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường. Đồng thời tăng cường mối liên kết vùng trong thu hút đầu tư, phối hợp các tỉnh, thành phố lân cận trong việc lựa chọn dự án, mời gọi đầu tư, đặc biệt ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ.

Một khu công nghiệp ở Đồng Nai. (Nguồn: VGP)

Theo thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai, Đồng Nai là tỉnh tiên phong, đi đầu trong phát triển công nghiệp của cả nước. Để đạt được những thành công trong thu hút đầu tư những năm qua, Tỉnh đã làm tốt nhiệm vụ của mình, đó là tập trung xây dựng các khu công nghiệp có hạ tầng tốt, tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài yên tâm sản xuất, kinh doanh. Qua thời gian, các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng tin tưởng vào môi trường đầu tư của Đồng Nai.

Để phát triển công nghiệp hiện đại, Đồng Nai xác định tập trung vào 5 nhóm ngành chính là: công nghiệp chế tạo máy và cơ khí chính xác; điện, điện tử; sản xuất phương tiện vận tải; hóa chất và nhóm ngành sản xuất, chế biến thực phẩm. Đây được coi là thỏi nam châm thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia.

Tuy nhiên, những năm gần đây, việc phát triển công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai gặp nhiều vướng mắc, phát sinh những hạn chế, bất cập.

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, hiện Đồng Nai vẫn thu hút nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tuy nhiên các dự án ngoài khu công nghiệp chủ yếu thuê văn phòng để hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu với quy mô rất nhỏ, vốn ít.

Dự án trong khu công nghiệp dù không thuộc danh mục ngành nghề ô nhiễm môi trường, thâm dụng lao động; song vẫn là công nghiệp phụ trợ có quy mô tương đối nhỏ, thuê nhà xưởng để hoạt động, chưa thu hút được những dự án lớn.

Đặc biệt, giá trị gia tăng trên diện tích đất công nghiệp của Đồng Nai đạt thấp, chỉ khoảng 18 tỷ đồng/ha; trong đó, trung bình ở các tỉnh công nghiệp phát triển là 22 tỷ đồng/ha. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh đạt 43 tỷ đồng/ha; Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang 22 – 31 tỷ đồng/ha.

Hiệu quả đầu tư công nghiệp của Đồng Nai thấp do tỉnh chủ yếu phát triển công nghiệp hỗn hợp, thâm dụng lao động, chưa thu hút được những dự án vốn lớn (từ 1 tỷ USD trở lên) cũng như các doanh nghiệp công nghệ cao như Apple, Foxcom, Intel,…

Đồng Nai có 32 khu công nghiệp đang hoạt động, diện tích đất đã cho thuê hơn 6.000 ha (đạt tỷ lệ hơn 85% diện tích đất cho thuê), hiện quỹ đất công nghiệp của tỉnh sẵn sàng cho nhà đầu tư thuê không còn nhiều. Bởi hầu hết diện tích còn lại đang vướng bồi thường, giải tỏa hoặc chưa hoàn tất xây dựng hạ tầng kỹ thuật; khu công nghiệp mới chưa được xây dựng. Ngoài ra, thời gian gần đây, đơn giá thuê đất khu công nghiệp tăng cao gây khó khăn cho việc giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ thu hồi đất.

Trước đây, Đồng Nai phát triển công nghiệp với tốc độ nhanh, thu hút đông lao động nhập cư đến sinh sống, trong khi hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa được đầu tư đồng bộ, điều này dẫn đến hệ thống hạ tầng quá tải, đặc biệt là giao thông, trường học, y tế.

Những vướng mắc, hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chủ yếu do chính sách pháp luật còn chồng chéo, công tác quy hoạch chưa hoàn thiện, việc mở rộng, xây mới các khu công nghiệp gặp khó khăn, mất nhiều thời gian thẩm định hồ sơ.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng, để tăng cường thu hút FDI, thúc đẩy công nghiệp phát triển, Đồng Nai đang hoàn thiện và trình phê duyệt quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau đó công khai rộng rãi các quy hoạch, danh mục dự án để kêu gọi nhà đầu tư tham gia.

Tới đây, khi sân bay Long Thành, các tuyến cao tốc trên địa bàn tỉnh hoàn thành, dự báo có nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới sẽ tìm hiểu đầu tư (vào Đồng Nai) qua cơ quan Trung ương. Tỉnh đang nghiên cứu kế hoạch ký thỏa thuận hợp tác giữa Đồng Nai với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các lĩnh vực liên quan đến đầu tư, xác tiến đầu tư, hợp tác kinh tế, sự kiện quốc tế; phối hợp cùng cơ quan Trung ương hoàn thiện thủ tục, đẩy nhanh việc phê duyệt chủ trương đầu tư các khu công nghiệp trên địa bàn.

Phấn đấu trong năm nay thành lập 2 khu công nghiệp để bổ sung quỹ đất cho thuê. Đồng thời thành lập tổ công tác thúc đẩy phát triển công nghiệp tỉnh Đồng Nai để tháo gỡ khó khăn tại các khu công nghiệp.

Đồng Nai kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Khu công nghiệp nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định trong quản lý Nhà nước, cũng như hoạt động của các khu công nghiệp, khu kinh tế. Trường hợp chưa ban hành luật thì Chính phủ cần chỉ đạo phân cấp triệt để các thủ tục hành chính cho một cơ quan là Ban quản lý khu công nghiệp (hiện nay có một số cơ chế ủy quyền).

Doanh nghiệp đang gặp một số vướng mắc về thủ tục hành chính liên quan đến phòng cháy, chữa cháy, cơ quan Trung ương cần nhanh chóng xem xét tháo gỡ, tạo thuận lợi trong thẩm duyệt, nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.

Do quỹ đất công nghiệp cho thuê không còn nhiều, để đón các dự án, nhà đầu tư lớn, Đồng Nai kiến nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, chấp thuận chủ trương cho tỉnh thành lập khu công nghiệp Phước Bình 2, Bàu Cạn – Tân Hiệp, Xuân Quế – Sông Nhạn, Amata giai đoạn IIIB.

Công Phong

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here