Đồng bộ, đột phá và không ngộ nhận trong xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng

0
258
Tính đến cuối năm 2016, tổng cộng nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu mà Công ty mua bán nợ (VAMC) đã mua là trên 345.000 tỷ đồng, chiếm 5,8% tổng dư nợ.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối năm 2016, tổng cộng nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu mà Công ty mua bán nợ (VAMC) đã mua là trên 345.000 tỷ đồng, chiếm 5,8% tổng dư nợ. Ngoài ra, hiện còn khoảng 4,28% tổng dư nợ có “nguy cơ cao trở thành nợ xấu” khi đến hạn…

Gánh nặng tổng nợ xấu trên thực tế và tiềm ẩn lên tới trên dưới 10% tổng dư nợ trên toàn hệ thống ngân hàng tiếp tục đòi hỏi về sự cấp thiết phải có sự đồng bộ, đột phá về cơ chế, chính sách, đồng thời tránh ngộ nhận trong quá trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD)!

Trong bối cảnh đó, một loạt nghị quyết, chỉ thị và giải pháp đồng bộ về tăng cường xử lý nợ xấu đã liên tiếp được ban hành và triển khai chỉ trong 2 tháng giữa năm 2017.

Đột phá từ Nghị quyết của Quốc hội xử lý nợ xấu

Mở đầu là ngày 21/6/2017, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội thông qua với 86,35% đại biểu có mặt tán thành và có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2017 .

Điểm đột phá của Nghị quyết về xử lý nợ xấu là cho phép thí điểm một số cơ chế đặc thù giải quyết khoản nợ xấu phát sinh bất thường trong thời gian trước ngày 15/8/2017, nổi bật là quy định về quyền thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm; chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường; các hoạt động mua bán nợ xấu theo giá thị trường của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập; bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân có và không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ; lựa chọn tổ chức định giá độc lập và mua bằng giá trị định giá của tổ chức định giá độc lập; xử lý, bán, thu hồi nợ và phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu sau khi trừ giá mua và các chi phí xử lý….

Cùng với việc NHNN đã nâng mức bảo hiểm tiền gửi lên 75 triệu đồng so với mức cũ 50 triệu đồng, chấm dứt mua lại các ngân hàng thương mại dưới chuẩn với giá 0 đồng, Nghị quyết được thông qua với kỳ vọng tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu hiện hành và mở rộng nguyên tắc thị trường trong hoạt động và quản lý ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Từ đó giúp cải thiện tình trạng tắc nghẽn, trì trệ và kiện tụng tràn lan và kéo dài trong xử lý nợ xấu, hạ thấp chi phí vốn đang ở mức rất cao trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo xung lực mới cho thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản và các thị trường khác…

Ngộ nhận cần tránh trước sự ra đời và trong quá trình 5 năm tới đây thực hiện Nghị quyết là: Thứ nhất, không dùng NSNN đề xử lý nợ xấu; Thứ hai, không được lạm dụng các quy định của Nghị quyết để xử lý nợ xấu của các khoản nợ phát sinh sau ngày 15/8/2017; Thứ ba, không được coi Nghị quyết như cây đũa thần có thể giải quyết nhanh chóng nợ xấu theo kiểu “hòa cả làng”, bỏ qua mọi nguyên nhân và dung dưỡng các hành vi thiếu trách nhiệm và trục lợi của các bên liên quan, cả chủ nợ, con nợ và cơ quan quản lý nợ.

Đồng bộ về thể chế triển khai và giám sát đề án tái cơ cấu các TCTD

Đặc biệt, ngày 19-7-2017, Thủ tướng cũng đã ký Quyết định số 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 (Đề án 1058). Theo đó, Để triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, các TCTD tập trung xây dựng và hoàn thiện ngay Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 tập trung vào đánh giá thực trạng tài chính, hoạt động quản trị điều hành, cổ đông và sở hữu vốn điều lệ của TCTD; Xác định rõ mục tiêu, định hướng cơ cấu lại và xử lý nợ xấu theo từng năm trong thời gian từ nay đến năm 2020; Đề xuất các giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu và lộ trình thực hiện trên các mặt quản trị điều hành, cổ đông sở hữu cổ phần, thực trạng tài chính, mạng lưới hoạt động, khả năng cạnh tranh… nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Mỗi TCTD cần thành lập Ban chỉ đạo cơ cấu lại để triển khai. Trong quá trình tổ chức thực hiện cơ cấu lại nếu phát sinh những vấn đề vượt thẩm quyền, khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo NHNN để được xem xét, quyết định.

Thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19 tháng 07 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội, ngày 20/7/2017 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-NHNN về việc thực hiện Nghị quyết số 42 và Đề án 1058 nêu trên. Chỉ thị này nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tại Đề án 1058; triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng; phát huy vai trò Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong việc xử lý nợ xấu…lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế; phấn đấu đến năm 2020, các ngân hàng thương mại cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II; có ít nhất từ 01 đến 02 ngân hàng thương mại nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất trong khu vực Châu Á; đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ xấu đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém được Chính phủ phê duyệt xử lý theo phương án riêng).

Tại Chỉ thị này, Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị; theo đó:

Thứ nhất, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng xây dựng và trình Thống đốc ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020; chỉ đạo từng tổ chức tín dụng xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017 – 2020 trình NHNN phê duyệt; trong đó có kế hoạch xử lý nợ xấu của từng năm và giám sát việc thực hiện kế hoạch của từng tổ chức tín dụng; làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có việc sửa đổi bổ sung các văn bản quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của TCTD (Thông tư 19/2013/TT-NHNN ngày 06/9/2013) quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng và Thông tư quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng (Thông tư thay thế Thông tư 44/2011/TT-NHNN). Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng xây dựng và trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 26/2014/NĐ-CP ngày 07/4/2014 về tổ chức và hoạt động của thanh tra, giám sát ngân hàng và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 35/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/6/2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước trong quý III năm 2017.

Thứ hai, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) xây dựng và triển khai thực hiện phương án xử lý nợ xấu hằng năm và phương án mua, bán nợ xấu theo giá trị thị trường; tổ chức áp dụng toàn diện các biện pháp quy định tại Nghị quyết 42 để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu do VAMC đã mua, chưa xử lý; Báo cáo NHNN tình hình xử lý nợ xấu định kỳ hằng thàng. Hàng năm, VAMC đánh giá tính hiệu quả, khả thi của các chính sách thí điểm tại Nghị quyết 42 trên cơ sở tổng kết việc thực hiện tại VAMC và đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm và các quy định của pháp luật có liên quan gửi NHNN; kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc, kiến nghị với NHNN khi thực hiện việc mua, bán nợ xấu, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết 42.

Thứ ba, các tổ chức tín dụng xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu cho giai đoạn 2017-2020; trong đó bám sát việc triển khai các chính sách tại Nghị quyết 42 và giải pháp tại Đề án 1058 trình NHNN phê duyệt; tổ chức thực hiện phương án sau khi được phê duyệt, trong đó lưu ý tổ chức áp dụng toàn diện các biện pháp quy định tại Nghị quyết 42 để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, bảo đảm thực hiện mục tiêu xử lý nợ xấu theo phương án đã được NHNN phê duyệt; báo cáo tình hình xử lý nợ xấu định kỳ hằng tháng cho NHNN đồng thời thực hiện có hiệu quả các giải pháp để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật làm phát sinh nợ xấu tại từng tổ chức tín dụng. Hằng năm các TCTD phải đánh giá tính hiệu quả, khả thi của các chính sách thí điểm tại Nghị quyết 42 trên cơ sở tổng kết việc thực hiện tại TCTD và đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm và các quy định của pháp luật có liên quan gửi NHNN; kịp thời báo cáo NHNN khó khăn, vướng mắc và kiến nghị xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42 và Đề án 1058.

Trước đó, tháng 6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định Thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của hệ thống tín dụng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là Phó Trưởng Ban thường trực, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng là Phó Trưởng Ban, ngoài ra còn có lãnh đạo của các Bộ, Ban, ngành khác.  Trên cơ sở các Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, Thống đốc NHNN quyết định thành lập Ban chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu của NHNN. Ban chỉ đạo gồm 16 thành viên, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng làm trưởng ban. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu cho Thống đốc thực hiện nhiệm vụ của Phó Trưởng ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các TCTD với vai trò là cơ quan thường trực của Ban do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Theo đó, tham mưu cho Thống đốc các vấn đề về: chỉ đạo triển khai các giải pháp cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quyết định phương hướng, giải pháp xử lý những vấn đề quan trọng, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đề án; thông qua các đề án, phương án cơ cấu lại các TCTD yếu kém. Đồng thời, Ban chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu của NHNN còn có nhiệm vụ tham mưu cho Thống đốc chỉ đạo các Vụ, Cục, cơ quan liên quan thuộc NHNN xử lý các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của các Vụ, Cục và các cơ quan liên quan. Cùng với việc thành lập Ban chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu của NHNN, Thống đốc NHNN cũng quyết định thành lập Tiểu ban chỉ đạo xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng.  Tiểu ban có nhiệm vụ tham mưu Thống đốc NHNN chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng, trình Chính phủ các nội dung để tổ chức thực hiện Nghị quyết 42, báo cáo Quốc hội kết quả xử lý nợ xấu hàng năm, báo cáo tổng kết kết quả thực hiện Nghị quyết 42 tại cuộc họp đầu năm 2022 và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo; tham mưu Thống đốc chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ của NHNN trong việc chỉ đạo, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 42; chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai giải pháp để hạn chế nợ xấu; chỉ đạo các đơn vị thuộc NHNN xử lý các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu…

Kỳ vọng  cũng đậm dần…

Hàng loạt những động thái chính sách và thể chế trên đây cho thấy sự quyết tâm và nỗ lực cao trong giải quyết nợ xấu và đẩy nhanh cơ cấu lại các TCTD ngày càng lành mạnh và hiệu quả hơn của hệ thống ngân hàng Việt Nam trước yêu cầu mới của phát triển và hội nhập chung của cả nước.

Nợ xấu là kết quả hội tụ nhiều nguyên nhân, từ các rủi ro thị trường trong kinh doanh và quản lý yếu kém của doanh nghiệp, đến rủi ro đạo đức và lỗ hổng quản trị của bản thân hệ thống ngân hàng. Nợ xấu là căn bệnh mãn tính, bạn đồng hành cùng các hoạt động kinh doanh tiền tệ trong kinh tế thị trường, không hình thành chỉ sau một đêm và càng không thể giải quyết chỉ một lần là xong. Những hạn chế về cơ sở pháp lý, cũng như những ngộ nhận và lạm dụng chúng không chỉ làm gia tăng áp lực nợ xấu mới, mà còn tích tụ và làm chậm quá trình xử lý các khoản nợ xấu cũ.

Để giảm thiểu phát sinh nợ xấu mới, xử lý và kiểm soát vững chắc nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng năm 2020 xuống dưới 3% tổng dư nợ, trong quá trình xử lý nợ xấu cần vừa nắm vững các nguyên tắc không sử dụng ngân sách Nhà nước, tôn trọng thị trường, vừa thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; chủ động sửa đổi hệ thống pháp luật có liên quan; ban hành và áp dụng các chuẩn mực quản trị ngân hàng, quản lý rủi ro cao hơn, hợp lý theo thông lệ quốc tế; khắc phục sai sót về trình tự, thủ tục thẩm định cho vay thiếu chặt chẽ, thiếu tài sản đảm bảo, giải ngân không đúng mục đích, không được kiểm soát; giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay, trích lập thiếu dự phòng rủi ro tín dụng; chủ động nhận diện và đấu tranh với các hành vi trục lợi, che dấu tội phạm và vì lợi ích nhóm; đẩy mạnh tái cơ cấu và kiên quyết xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, ngăn chặn từ xa mọi nguy cơ đổ vỡ, gây mất an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng…

Kết quả tái cơ cấu hệ thống các TCTD và xử lý hiệu quả nợ xấu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt cần sự phối hợp đồng bộ, đột phá và không ngộ nhận cả trong nhận thức, xây dựng và triển khai cac cơ chế chính sách của các cấp bộ, ngành, cơ quan, chính quyền địa phương và sự nỗ lực tự thân của ngành Ngân hàng .

Đặc biệt, trong suốt quá trình đó, việc tăng cường kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hiệu quả hoạt động của các đơn vị có liên quan là hết sức cần thiết nhằm tạo động lực và góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả không chỉ việc thực hiện Nghị quyết xử lý nợ xấu, Đề án tái cơ cấu, mà còn cả hoạt động của bản thân các tổ chức tín dụng…

TS kinh tế. Nguyễn Minh Phong

Nguyên trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here