Ngày 31/7/2019 báo Financial Times đăng tin, kể từ khi Boris Johnson khẳng định sẵn sàng chấp thuận một kịch bản Brexit mà không có thỏa thuận đạt được với EU đã khiến cho đồng bảng Anh giảm giá. Trong tháng bảy, đồng bảng Anh đã giảm 4% so với đồng đô la Mỹ.
Ở Mỹ hay khu vực Châu Âu, khi lạm phát luôn ở dưới mục tiêu đặt ra thì đồng tiền của họ giảm giá sẽ làm hài lòng các nhà hoạch định chính sách nhưng ở Anh thì sự mất giá của đồng bảng Anh không đem lại điều tốt đẹp gì cho nền kinh tế. Nick MacPherson, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh, cảnh báo sự mất giá của đồng bảng Anh gần đây không đem lại lợi gì cho xuất khẩu hàng hóa mà đang làm giảm mức sống của người dân xuống một cách rõ rệt.
Ai thiệt hại do đồng bảng Anh yếu đi ?
Đối với những người thuộc tầng lớp trung lưu việc giá trị của đồng bảng Anh giảm đối với đồng đô la Mỹ hay đồng Ơ-rô cũng không ảnh hưởng nhiều đến họ khi họ đi hưởng những ngày nghỉ ở nước ngoài, nhưng đối với các hộ gia đình ở Anh thì lại bị tác động. Đồng bảng Anh mất giá đã đẩy giá của hàng hóa nhập khẩu lên cao, tăng giá cả hàng hóa tại các cửa hàng và như vậy làm giảm giá trị thu nhập thực của họ.
Theo nghiên cứu của Trường Kinh tế London đánh giá, lạm phát sau cuộc trưng cầu về Brexit năm 2016 đã khiến mỗi hộ gia đình Anh chi tiêu tốn thêm trung bình 7,74 bảng/tuần, tương đương với 404 bảng/năm cho đến tháng 6/2017.
Paul Johnson, giám đốc Viện Nghiên cứu tài chính đã viết: “Khi đồng bảng Anh mất giá so với các đồng tiền khác thì giá trị các khoản thu nhập, tiết kiệm hay đầu tư bằng đồng bảng Anh sẽ giảm đi”.
Ngân hàng Trung ương Anh ước tính đồng bảng Anh mất giá 5% sẽ kéo theo lạm phát giá cả tăng 0,9%. Trong đó, giá cả tăng mạnh nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm, năng lượng (điện, xăng dầu) và những mặt hàng nhập khẩu phổ biến khác như máy tính xách tay, Ti vi và đồ chơi trẻ em.
Đối với thúc đẩy xuất khẩu thì sao?
Sự mất giá của đồng bảng dường như không giúp các nhà xuất khẩu Anh được lợi như trước đây nữa. Đồng bảng mất giá trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 hầu như không có ảnh hưởng gì đến cán cân thương mại của Anh.
Đồng bảng mất giá sau cuộc trưng cầu Brexit năm 2016 thậm chí còn ít tác động đến xuất khẩu hơn. Bộ Thống kê Quốc gia Anh (the Office for National Statistics) cho biết phản ứng của các nhà xuất khẩu hàng hóa Anh khi đồng bảng mất giá là tăng giá hàng xuất khẩu hơn là tăng số lượng xuất khẩu. Trong khi đó các công ty Anh phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu lại đối mặt với các chi phí gia tăng. Lợi ích có được từ việc đồng bảng yếu đi không thể bù đắp được so với những tác động của nó đến sự suy giảm sản xuất toàn cầu và tương lai không rõ ràng trong điều khoản thương mại của Anh (terms of trade).
Liệu Ngân hàng Trung ương Anh có làm được gì?
Nếu nước Anh rời khỏi EU mà không đạt được một thỏa thuận nào thì những tác động đến lạm phát do đồng bảng suy yếu, và khả năng lới lỏng chính sách tài chính sẽ khiến cho Ngân hàng trung ương Anh khó khăn hơn trong việc làm giảm các tác động đến nền kinh tế khi phải cắt giảm lãi suất. Nhưng Ngân hàng trung ương Anh có thể chưa đưa ra một động thái về chính sách nào khi mà kết quả về Brexit chưa rõ ràng.
(ĐSQVN tại Anh)