Mặc dù được đánh giá là liên tục tăng trưởng nhưng nếu xét riêng khu vực và đối tượng doanh nghiệp, ngành da giày đang có sự thay đổi rõ rệt. Cụ thể, về khu vực, trước đây ngành sản xuất da giày của TP. Hồ Chí Minh phát triển rất mạnh nhưng nay đã có sự chậm lại. Nguyên nhân được ông Nguyễn Bình An – Tổng thư ký Hiệp hội Bông sợi Việt Nam – chỉ ra rằng, TP. Hồ Chí Minh không còn dư địa để phát triển dệt may, da giày, bởi đây là ngành đòi hỏi sử dụng nhiều lao động. Trong khi, TP. Hồ Chí Minh lại không phải là nơi để cung cấp quá nhiều lao động, vì thế các doanh nghiệp đang chuyển nhà máy sản xuất qua các nơi khác như miền Trung, phía Bắc…
Về phương diện doanh nghiệp, trước giai đoạn 2000 – 2005, tỷ lệ xuất khẩu giữa nội địa doanh nghiệp với doanh nghiệp FDI là 60 – 40% thì nay ngược lại, doanh nghiệp FDI chiếm 70% doanh nghiệp nội là 30%; thậm chí năm 2018 còn có xu hướng tăng lên 80 – 20% bởi doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh và tận dụng tốt nguồn lao động của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước cũng đang chịu áp lực bất lợi cần khắc phục là hạn chế về năng suất do hệ thống dây chuyền thiết bị, máy móc ngành da giày đang dần trở nên lạc hậu.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu giày dép và túi xách lớn thứ 2 thế giới, doanh thu sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm liên quan cũng tăng nhanh. Dư địa thị trường còn rất lớn khi các hiệp định thương mại thế hệ mới đang tiếp tục được ký kết. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội, khắc phục điểm yếu về công nghệ, đại diện Hội Da giày TP. Hồ Chí Minh cho rằng, doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh việc tham gia chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại và hợp tác với các nước trong khu vực để tìm kiếm máy móc công nghệ mới cũng như tìm nguồn nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Bởi, chỉ khi doanh nghiệp có sự thay đổi công nghệ sản xuất, đáp ứng đầy đủ về nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu ngành da giày Việt Nam mới có thể bắt kịp được yêu cầu của người tiêu dùng trên thị trường../