Doanh nghiệp Việt Nam chinh phục thị trường Bắc Mỹ – Nhiều vấn đề khó lường

0
6
Các doanh nghiệp tham dự Hội thảo. (Ảnh: Lê Vũ)

Để khởi nghiệp thành công tại thị trường Bắc Mỹ nói riêng, thị trường nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Việt trước tiên định vị lại thương hiệu qua lăng kính kinh doanh thực chiến với cái nhìn chuyên sâu từ sự kết hợp của đội ngũ nội bộ, nghiên cứu thị trường và chuyên gia.

Ngày 19/12, tại TP. Hồ Chí Minh, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh và Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức Hội thảo “Doanh nghiệp Việt Nam tiến vào thị trường Bắc Mỹ – Nhiều vấn đề khó lường”.

Tại sự kiện, các đại biểu thống nhất cho rằng, thị trường Bắc Mỹ dự báo tiếp tục mang lại những cơ hội tăng trưởng vượt bậc cho hàng xuất khẩu Việt Nam. Tuy vậy, con đường tiếp cận thị trường này không hề bằng phẳng bởi việc xác định những rào cản khi tiến vào thị trường này đang là câu hỏi khó đối với doanh nghiệp Việt.

Thị trường cạnh tranh và yêu cầu cao

Theo thống kê, Bắc Mỹ là thị trường tiêu thụ khổng lồ, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong những năm qua. Điển hình, hàng Việt Nam xuất khẩu sang một số thị trường này trong năm 2023 như Mỹ đạt kim ngạch hơn 97 tỷ USD, Canada và Mexico cũng đạt từ 5-6 tỷ USD…

Liên quan đến giải pháp chinh phục thị trường Bắc Mỹ, bà Nguyễn Ngọc Trâm, CEO Phòng Nghiên cứu sở hữu trí tuệ IPGEEKLAB tại Mỹ; cố vấn cao cấp Ủy ban chuyên gia Sở hữu trí tuệ AIPLA (thuộc Hiệp hội Luật sở hữu trí tuệ Mỹ) chia sẻ, doanh nghiệp Việt có tâm lý muốn xuất ngoại, tiến vào những thị trường tiềm năng và trọng điểm của thương hiệu Việt, nhưng có không ít doanh nghiệp đã tìm đường trên dưới 20 năm nhưng chưa thành công.

Hiện nay, đối với thị trường Canada, quy định nhãn dán sản phẩm phải sử dụng song ngữ, tiếng Anh và tiếng Pháp, nhất là thông tin dinh dưỡng, danh sách thành phần, cảnh báo về chất dị ứng (nếu có)… Do vậy, muốn thâm nhập vào thị trường Canada, doanh nghiệp phải chú trọng tận dụng hệ thống phân phối hàng hóa truyền thống với nhiều cấp của nước này. Đồng thời, kênh thương mại điện tử cũng là một kênh chinh phục người tiêu dùng Canada, vì vị trí và dân cư phân tán nên đặt ra những thách thức trong phân phối, giao nhận hàng hóa.

Trong khi đó, thị trường Mỹ có biên lợi nhuận cao và thị trường lớn, dễ tiếp cận sản phẩm mới, nhưng cực kỳ cạnh tranh và yêu cầu chất lượng sản phẩm cao. Cùng với đó, nước này có hệ thống luật pháp, thuế và nội dung hợp đồng phức tạp; còn kênh bán hàng trực tuyến phát triển rất mạnh và được người tiêu dùng ưa chuộng.

“Thị hiếu thị trường Mỹ cũng không chia theo bang như trên bản đồ mà chia theo khu vực, nên không phải là con đường dễ dàng cho người thích đi tắt và không có công thức cho tất cả. Do đó, doanh nghiệp Việt nên có tư duy thực chiến, bắt đầu bằng vốn nhỏ, thử dò thị trường với ít sản phẩm trước nhưng phải chọn sản phẩm trọng tâm”, bà Nguyễn Ngọc Trâm cho biết thêm.

Dưới góc nhìn một số chuyên gia khác phân tích, đối với thị trường Bắc Mỹ thì tìm hiểu và nắm bắt về mạng lưới logistics là vấn đề quan trọng và là ưu tiên hàng đầu cho một con đường xuất ngoại chuyên nghiệp. Doanh nghiệp Việt muốn xuất ngoại phải có tư duy chấp nhận thực tế để có chiến lược đúng đắn, nhất là sự khác biệt giữ thị trường nội địa và nước ngoài, hay mở rộng ra toàn cầu, bởi dù đã thành công ở thị trường nội địa thì bước vào thị trường mới cũng không khác gì doanh nghiệp khởi nghiệp.

Doanh nghiệp cần làm gì?

Để khởi nghiệp thành công tại thị trường Bắc Mỹ nói riêng, thị trường nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Việt trước tiên định vị lại thương hiệu qua lăng kính kinh doanh thực chiến với cái nhìn chuyên sâu từ sự kết hợp của đội ngũ nội bộ, nghiên cứu thị trường và chuyên gia. Theo đó, xây dựng thương hiệu đảm bảo nhắm tới nhóm đối tượng khách hàng cụ thể, không nên định vị khách hàng ở thị trường quốc tế là tất cả mọi người hay chung chung.

Đặc biệt, thị trường ngách là một cánh cửa giúp doanh nghiệp Việt muốn phát triển thương hiệu bước vào thị trường mới, nhất là ở một quốc gia có nền thương mại điện tử, nền tảng B2C (giao dịch giữa doanh nghiệp với khách hàng cá nhân quan internet), D2C (hình thức bán hàng trực tiếp từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng thông qua website, hoặc cửa hàng chính hàng) lớn như ở Mỹ và Canada. Đồng thời, doanh nghiệp Việt khi chinh phục những thị trường này không nên chạy quảng cáo theo diện rộng mà không có mục tiêu ưu tiên vì đó không khác gì là một cách “đốt tiền”.

Thời gian qua, phần lớn doanh nghiệp Việt phổ biến sẽ tìm các công ty tiếp thị và chi tiền để chạy truyền thông, quảng cáo thông tin sản phẩm trên nền tảng mạng xã hội nhưng hiệu quả thu về không như kỳ vọng. Điều này minh chứng cho việc doanh nghiệp Việt cần định vị thương hiệu ở thị trường mới và trên thị trường quốc tế nếu muốn xuất ngoại thành công.

Bà Trâm cho rằng, thương hiệu Việt cần nhắm đến đối tượng khách hàng cụ thể. Tìm đúng thị trường ngách giúp mở cánh cửa cho doanh nghiệp muốn phát triển thương hiệu ở thị trường ở Mỹ và Canada.

Tuy nhiên, với biển hàng hóa khổng lồ ở Mỹ, các sản phẩm Việt Nam thuộc loại “không tên”, ít được nhận biết. Nếu chạy theo dòng phổ thông hay bình dân, doanh nghiệp khó có thể tạo ấn tượng với người tiêu dùng Mỹ bởi có quá nhiều mặt hàng tương tự rất nhiều nước.

Để tiếp cận và xâm nhập thị trường, doanh nghiệp cần phải thiết kế, tạo ra sản phẩm cao cấp và khác biệt, có thể bằng chất lượng nguyên liệu đặc thù – thân thiện hoặc sản phẩm mang tính địa phương, đặc sắc riêng (private label)… Sản phẩm cần có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý rõ ràng.

Chuyên gia thương mại hóa bản quyền Nguyễn Ngô Thành Danh cũng chỉ ra rằng, nhãn hiệu là logo hoặc dấu hiệu gắn lên sản phẩm, nhằm ngăn chặn sự nhần lẫn và giúp khách hàng nhận diện sản phẩm. Còn thương hiệu, khi nhìn vào logo sẽ mang đến cảm nhận của người tiêu dùng cũng như những thông điệp và trải nghiệm để xây dựng lòng tin, mối quan hệ lâu dài với khách hàng.

Riêng tên thương mại là tên của doanh nghiệp (chính thức hoặc viết tắt), dùng để phân biệt doanh nghiệp (không gắn liền với sản phẩm). Hoạt động marketing (tất cả hoạt động để đưa sản phẩm hoặc dịch vụ từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng bằng chiến lược quảng bá, quảng cáo và tiếp thị) chưa có nhãn hiệu, đơn vị khác có thể đăng ký trước và cấm doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu đó để kinh doanh.

Thương hiệu được xem là tài sản của doanh nghiệp và doanh nghiệp phải có tầm nhìn kinh doanh dài hạn, đồng thời chuẩn bị nhiều kế hoạch ngắn hạn cùng lúc để ứng phó với những biến động ở thị trường.

Bán hàng ra nước ngoài đã khó nhưng khi bán được hàng, tiền chảy về Việt Nam cũng gặp không ít trở ngại. Về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Trân, chuyên gia tài chính, ngân hàng và thuế, Giảng viên khoa Luật, Đại học Kinh tế TPHCM, khuyên doanh nghiệp thuê dịch vụ nước sở tại thực hiện.

“Chi phí tuân thủ pháp luật ở nước ngoài có thể cao nhưng các chuyên gia trong từng lĩnh vực có thể cung cấp các giải pháp hiệu quả để phù hợp với nguồn tiền của các công ty và đảm bảo tuân thủ”, ông Trân nói.

Hải An

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here