Doanh nghiệp Việt có cơ hội tốt để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ

0
41
Ấn Độ dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng việc nhập khẩu các nguyên phụ liệu, nguyên liệu cho hoạt động sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. (Nguồn: Báo Công Thương)

Ấn Độ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại Việt Nam – Ấn Độ chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch của Việt Nam với các nước Nam Á khác.

Ấn Độ dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng việc nhập khẩu các nguyên phụ liệu, nguyên liệu cho hoạt động sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. (Nguồn: Báo Công Thương)

Vừa qua, Ấn Độ đã ban hành Chính sách Ngoại thương 2023, trong đó đặt trọng tâm cho việc tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất trong nước để thúc đẩy xuất khẩu.

Chính sách này sẽ gắn liền với thực hiện đơn giản hoá hoạt động kinh doanh thông qua quản lý, cấp phép và phê duyệt các giấy tờ trực tuyến, cắt giảm thủ tục hành chính và cắt giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Ấn Độ mong muốn có thể thúc đẩy và tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, thương mại, giúp tiết kiệm thời gian và tài chính cho doanh nghiệp; đẩy mạnh và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất trong nước để hiện thực hoá chiến lược “Make in India”.

Trong bối cảnh Ấn Độ đưa ra Chính sách Ngoại thương 2023 với nhiều điểm đáng chú ý như trên, đồng thời thúc đẩy tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, Ấn Độ dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng việc nhập khẩu các nguyên phụ liệu, nguyên liệu cho hoạt động sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Các mặt hàng và nhóm mặt hàng dự báo Ấn Độ sẽ tiếp tục gia tăng nhập khẩu gồm nhóm hàng nông thuỷ sản, gia vị, nhóm hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp, máy móc thiết bị nông nghiệp.

Các chuyên gia nhận định, đây sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm và mong muốn thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, đặc biệt là đối với các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thuỷ sản nguyên liệu, phân bón, hoá chất, máy móc nông nghiệp, các sản phẩm hàng tiêu dùng…

Nhận định thêm về cơ hội đẩy mạnh giao thương Việt Nam – Ấn Độ,  Thứ trưởng Công Thương Phan Thị Thắng cho rằng, có nhiều điểm thuận lợi để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước như cả hai nền kinh tế tăng trưởng tốt và môi trường kinh tế vĩ mô ổn định. Thêm vào đó, việc di chuyển giữa hai nước trở nên thuận lợi hơn với các đường bay thẳng giữa các thành phố lớn, và cơ cấu xuất nhập khẩu hai nước có sự bổ sung lẫn nhau.

Dù vậy, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng nhận thấy, thương mại song phương vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: ảnh hưởng tiêu cực từ biến động kinh tế thế giới, hạn chế thông tin thị trường và kết nối doanh nghiệp, chi phí và thời gian vận tải hàng hóa cao, cũng như thiếu nhận thức đúng về thương mại điện tử xuyên biên giới.

Để vượt qua những khó khăn này và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Ấn Độ, bà Phan Thị Thắng đề xuất 4 điểm cần tập trung giải quyết.

Thứ nhất, tăng cường hợp tác, kết nối chuỗi cung ứng dựa trên các thế mạnh và sự bổ sung lẫn nhau.

Thứ hai, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, thúc đẩy kết nối đối tác thông qua hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.

Thứ ba, tăng cường vận chuyển trực tiếp, thiết lập các tuyến vận chuyển giữa hai nước để tiết kiệm thời gian, chi phí, và tận dụng nguồn lực sẵn có.

Thứ tư, tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh của mỗi bên, đồng thời khuyến khích đầu tư của Ấn Độ vào các lĩnh vực công nghiệp nền tảng, phát triển hạ tầng, và ứng dụng công nghệ thông tin.

Khánh Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here