Thứ ba, các DNNN về bản chất chủ yếu được ưu đãi để phục vụ trong các lĩnh vực công ích hoặc lĩnh vực chiến lược. Tuy nhiên, thực tế ở Trung Quốc hiện nay các DNNN không tuân thủ yêu cầu của nhà nước về lĩnh vực kinh doanh – tập trung vào các ngành và lĩnh vực chiến lược như hàng không, năng lượng và viễn thông. Trái lại, hoạt động của khu vực kinh tế nhà nước Trung Quốc hiện nay khá dàn trải, tập trung vào cả các lĩnh vực như tài chính, công nghệ thông tin, năng lượng và các sản phẩm công nghiệp… Trong đó, tính tới ngày 31/05/2015, tỷ lệ giá trị vốn hóa trên thị trường12 của các DNNN hoạt động trong lĩnh vực tài chính ở mức cao nhất 48,98%, nhiều hơn cả hai ngành dịch vụ viễn thông và năng lượng cộng lại lần lượt là 14,05% và 13,39%.
Có thể thấy khác biệt rất lớn giữa các DNNN của Trung Quốc với nhiều quốc gia khác trên thế giới như Mỹ hay các nước Châu Âu, đó là khu vực DNNN của Trung Quốc không chỉ tham gia vào các lĩnh vực có tính chiến lược, mà còn kinh doanh ở những lĩnh vực mang tính cạnh tranh với doanh nghiệp tư nhân như tài chính, xây dựng và bán lẻ, trong khi vẫn được nhận vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng nhà nước và sự ủng hộ của chính quyền địa phương (mua/thuê đất với giá ưu đãi, các cơ chế quản lý và giám sát thả nổi).13 Theo thống kê của tạp chí The Economist (2014), có tới 80.000 DNNN Trung Quốc hiện nay đang kinh doanh trong các lĩnh vực như nhà hàng-khách sạn, bất động sản và trung tâm thương mại..
Thứ tư, tỷ suất lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) của các DNNN Trung Quốc rất thấp và đang có xu hướng sụt giảm mạnh trong vòng năm năm trở lại đây. Chênh lệch về lợi nhuận trên tài sản (ROA) giữa các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân hiện nay là lớn nhất trong hai thập kỷ qua. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các DNNN Trung Quốc cũng ở mức thấp và chỉ bằng một nửa, thậm chí một phần ba so với ROE của khu vực kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Tỷ suất ROA và ROE giảm kéo theo nợ của các doanh nghiệp ngày càng tăng cao. Trong giai đoạn 2011 – 2014, trong khi các doanh nghiệp tư nhân duy trì tỷ lệ thua lỗ chỉ ở mức xấp xỉ 10%, thì tỷ lệ DNNN bị thua lỗ lại gia tăng tới gần 30% năm 2014.
Thêm vào đó, quá trình sản xuất và kinh doanh thua lỗ kéo dài càng khiến các DNNN Trung Quốc không trả được nợ. Mặc dù vào những năm đầu thế kỷ XXI, chỉ số nợ trên tài sản của cả hai khu vực nhà nước và tư nhân đều cao và đều xấp xỉ 60%, nhưng những năm gần đây chỉ số nợ của hai khu vực đi theo hai xu hướng hoàn toàn trái ngược. Khu vực tư nhân có chỉ số giảm đều và ổn định, cho thấy khu vực tư nhân rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vay, các hỗ trợ tài chính từ Chính phủ thì gần như không có. Trong khi đó, khu vực nhà nước lúc tăng lúc giảm thất thường, với nhiều đòn bẩy kinh tế (giai đoạn 1985 – 2005, Chính phủ đã chi hơn 300 tỷ USD cho các DNNN và năm 2008 với gói kích thích kinh tế 4.000 tỷ) nhằm giảm chỉ số nợ, tuy nhiên có lẽ vì “giấy không gói được lửa” nên những năm gần đây chỉ số nợ trên tài sản của DNNN tăng phi mã. Khu vực nhà nước hoạt động dựa vào vốn vay nhưng lại hiệu quả thấp, khả năng sử dụng vốn đầu tư thấp dẫn đến gánh nặng nợ ngày càng gia tăng. Kết quả là, tỷ lệ nợ trên tổng tài sản của khu vực này luôn ở ngưỡng báo động, có giảm nhưng không đáng kể, xoay quanh mốc 55%. Bằng cách lãng phí nguồn vốn vay giá rẻ vào các DNNN kém hiệu quả, trong khi các công ty tư nhân sáng tạo hơn và có khả năng tạo ra lợi nhuận từ vốn vay cao hơn thì rất chật vật trong việc quay vòng vốn, có thể nói chủ nghĩa tư bản nhà nước Trung Quốc đang làm giảm tăng trưởng và gia tăng nợ nần cả nền kinh tế.
- Hiệu quả xã hội
Việc đánh giá các DNNN không chỉ dựa trên cơ sở các kết quả tài chính mà cần đánh giá rộng hơn về cách họ góp phần tạo ra giá trị xã hội, cần dùng cái nhìn toàn diện để đánh giá các DNNN.
DNNN có thể đóng một vai trò chiến lược trong thúc đẩy tăng trưởng đồng thời tạo được sự cân bằng bền vững về mặt xã hội, tài chính và môi trường – tăng trưởng tốt. Ví dụ, DNNN có thể thúc đẩy cải thiện chất lượng sản phẩm bằng cách tăng yêu cầu trong các tiêu chuẩn của hàng hóa và dịch vụ, sản phẩm phải đáng tin cậy hơn và phù hợp môi trường hơn. Vì vậy, bằng cách nhìn vượt lên trên những cân nhắc lợi nhuận và mất mát, DNNN hoàn toàn có tiềm năng tạo ra giá trị và cung cấp kết quả có lợi cho mục tiêu xã hội như tạo ra sự giàu có, sự phát triển, tạo việc làm và gia tăng an sinh xã hội. Vấn đề là Chính phủ và Nhà nước có biết cách khai thác hay không.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đã bắt đầu công bố hoạt động Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate social responsibility – CSR) của mình thông qua báo cáo về CSR trong những năm gần đây. CRS là báo cáo về trách nhiệm xã hội công ty, bao gồm những đóng góp ủng hộ, bảo vệ môi trường, ứng phó khẩn cấp và các trách nhiệm đặc biệt. Do quy mô và vai trò của nó trong nền kinh tế Trung Quốc, nên việc thực hiện CSR của doanh nghiệp nhà nước nhận được rất nhiều sự chú ý. Báo cáo CRS của doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc được đánh giả là khá tốt và kỹ lưỡng. Mặc dù DNNN đã thực hiện nhiều công việc để thực hiện trách nhiệm xã hội của mình, nhưng điều này không chứng minh rằng doanh nghiệp tư nhân không thể làm tốt như thế.
Thứ nhất, vai trò của DNNN trong vấn đề tạo việc làm đã bị lu mờ và dần dần bị thay thế bởi khu vực tư nhân. Hơn nữa, so với doanh nghiệp ngoài nhà nước, hệ thống việc làm của doanh nghiệp nhà nước mà tuyển dụng không bao giờ, hoặc rất hiếm khi sa thải nhân công, điều này gây ra những tác động tiêu cực khác. Thêm vào đó, cơ chế tuyển dụng của DNNN cũng có nhiều vấn đề bất cập. Ngoại trừ một số cá nhân tài năng gia nhập DNNN thông qua việc tuyển dụng công khai, phần lớn những người gia nhập DNNN thông qua sử dụng các mối quan hệ xã hội của họ hoặc phải trả một lệ phí gia nhập. Mỗi suất xin việc sẽ có giá hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm nghìn nhân dân tệ. Năng lực của người được nhận vào doanh nghiệp nhà nước theo kiểu này khó có thể được đảm bảo.
Thứ hai, vấn đề an toàn trong thực phẩm đã trở nên nhức nhối những năm gần đây, ví dụ như chất phụ gia độc hại có trong thực phẩm, thực phẩm biến đổi gen, ô nhiễm thực phẩm và thực phẩm giả. Một số người tin rằng, vì các nhà quản lý DNNN không có xu hướng theo đuổi lợi ích riêng cá nhân, nên rất thích hợp để ủy thác cho doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, sự cố melamine tại Công ty Sữa bột Sanlu – một trong những doanh nghiệp nhà nước nổi tiếng ở Trung Quốc – đã hoàn toàn phá vỡ hình ảnh của DNNN trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong khi các nhà sản xuất sữa khác chỉ thêm một lượng nhỏ melamine vào sữa bột họ sản xuất, thì Công ty Sữa bột Sanlu đã thêm một lượng lớn melamine vào sữa bột. Vì vậy, mọi người mỉa mai nhận xét rằng công ty “thêm sữa bột vào melamine” chứ không phải là thêm melamine vào sữa bột. Ngay cả sau khi hàng nghìn trẻ sơ sinh bị ngộ độc, công ty vẫn liên tục trốn tránh trách nhiệm của mình.
Thứ ba, các DNNN hủy hoại môi trường và gây ra các tai nạn liên quan đến an toàn sản xuất và cho thấy sự thiếu tôn trọng của họ đối với người dân và môi trường. Cụ thể như: tình trạng ô nhiễm sông Tùng Hoa; vụ nổ tại một nhà máy nhựa ở Nam Kinh; sự rò rỉ dầu và nổ đường ống tại Đại Liên; ô nhiễm bởi Tập đoàn Khai khoáng Zijin, và vụ nổ mỏ than ở Hegang thuộc tình Hắc Long Giang.
Thứ tư, DNNN gây ra nhiều vụ bê bối về an toàn thực phẩm, an toàn lao động một phần là do các biện pháp và mức độ xử phạt đối với các DNNN không đủ tính răn đe. DNNN cấp trung ương thì dựa vào mối quan hệ với Chính phủ và sức mạnh kinh tế của mình, còn DNNN cấp địa phương thì dựa vào bảo hộ của chính quyền địa phương, do đó, khi một sự cố xảy ra, DNNN vẫn có khả năng trốn tránh trách nhiệm của mình.
Do sự nhập nhằng giữa các chức năng của Chính phủ và các doanh nghiệp, nên DNNN và các cơ quan chính phủ hầu như cùng chia sẻ lợi ích và cùng chia sẻ những thành công và thất bại. Trong trường hợp tai nạn về an toàn xảy ra, hình phạt thường sẽ được giảm thiểu hoặc giảm xuống không còn gì cả. Các vụ bê bối về an toàn thực phẩm sẽ bị che giấu hoặc trách nhiệm sẽ được chuyển cho một bên thứ ba. Vì thế nên DNNN ngày càng thờ ơ và thiếu trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn lao động và bảo vệ môi trường.
- Đánh giá kết quả cải cách DNNN Trung Quốc từ 2003 đến 2015 và những vấn đề đặt ra
Trong gần 30 năm qua, khu vực kinh tế Nhà nước Trung Quốc đã chứng kiến nhiều thay đổi, tuy nhiên, tư tưởng xuyên suốt trong tiến trình cải cách DNNN của Trung Quốc hướng tới vì “bảo vệ” chứ không “loại bỏ” các DNNN. Trước hết phải kể đến những thành công sau:
Thứ nhất, DNNN Trung Quốc đã thu hẹp khá nhiều về quy mô, từ 113.000 DNNN (chiếm 40%) năm 1992 thì đến năm 2014 chỉ còn 18.808 DNNN, chiếm 2% tổng số lượng doanh nghiệp đang hoạt động ở Trung Quốc. Thay vào đó là sự lớn mạnh nhanh chóng của khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, cùng với giảm về quy mô, thì số lượng lao động tại khu vực nhà nước cũng giảm đáng kể, điều đó đồng nghĩa với việc giảm áp lực lên ngân sách nhà nước trong việc trả lương nhân viên, đồng thời giảm sự cồng kềnh và thừa công suất ở khu vực nhà nước, số lượng lao động bị cắt giảm từ khu vực nhà nước một phần sẽ chạy ra khu vực tư nhân cũng như khu vực có vốn nước ngoài, điều này sẽ làm tăng sự cạnh tranh cho thị trường lao động.
Thứ ba, với chiến lược tạo ra nhiều nhà “vô địch quốc gia – national champions”, Trung Quốc đã vươn lên xếp thứ hai chỉ sau Mỹ với 98 công ty trong danh sách Fortune Global 500. Nếu so sánh với số liệu của những năm trước, thì chúng ta thấy sự gia tăng của Trung Quốc còn ấn tượng hơn.
Thứ tư, cải cách một phần nào đó đã tạo môi trường cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển. Mặc dù không nằm trong danh sách Fortune 500, nhưng một số thương hiệu Trung Quốc thực sự gây được tiếng vang và được biết đến toàn cầu và tất cả đều là doanh nghiệp tư nhân. Nếu như trước đây, các DNNN lớn của Trung Quốc chiếm ưu thế trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài, thì hiện nay các doanh nghiêp tư nhân Trung Quốc đang ngày càng thực hiện nhiều giao dịch lớn. Năm 2014, doanh nghiệp tư nhân chiếm tới 41% các hoạt động M&A tại nước ngoài của Trung Quốc (theo giá trị), tăng từ 10% năm 2010.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, có thể khẳng định rằng công cuộc cải cách này của Trung Quốc có rất nhiều vấn đề tồn tại, trong đó có một số vấn đề lớn, cụ thể là:
Thứ nhất, mặc dù sụt giảm về số lượng, nhưng tổng tài sản của khu vực kinh tế nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn hơn cả và liên tục gia tăng qua các năm, gấp đôi hai khu vực kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các DNNN. Điều này thể hiện ở số lượng DNNN sụt giảm nhưng tổng tài sản nắm giữ lại có chiều hướng tăng lên. Đó là bởi vì sự sụt giảm về số lượng các DNNN này chủ yếu là do sáp nhập hoặc các doanh nghiệp nhỏ bị thâu tóm bởi các doanh nghiệp lớn.
Thứ hai, hiệu quả của các DNNN không được cải thiện. Lợi nhuận kinh doanh của khu vực nhà nước hầu như đều tăng qua từng năm, nhưng lượng tăng không đáng kể và đang có xu hướng chững lại khi kinh tế Trung Quốc bắt đầu suy giảm kể từ năm 2013. Đặc biệt, nếu xét trong điều kiện quy mô vốn và tài sản lớn hơn rất nhiều so với các khu vực kinh tế khác, lợi nhuận của khu vực nhà nước chỉ bằng phân nửa lợi nhuận của khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây cho thấy hoạt động của các DNNN rất kém hiệu quả.
Thứ ba, tình trạng độc quyền của các doanh nghiệp lớn không những không giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng trong những năm gần đây. Điều này sẽ giết chết môi trường cạnh tranh và đưa nền kinh tế vào tay một nhóm lợi ích nào đó hoặc một số trùm sò chính trị. Ngoài ra, các DNNN còn được hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi và giá đất và tài nguyên thiên nhiên thấp mà.
Thứ tư, về hiệu quả xã hội, mặc dù DNNN đã thực hiện nhiều công việc để thực hiện trách nhiệm xã hội của mình hơn doanh nghiệp ngoài nhà nước, nhưng điều này không thể chứng minh rằng DNNN làm tốt hơn so với các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Những tai nạn về an toàn thực phẩm, an toàn lao động và hủy hoại môi trường do sai lầm và sơ suất của các DNNN vẫn liên tục xảy ra, mà thường là những vụ rất lớn và chấn động. Còn những vụ nhỏ có lẽ không thể thống kê, hoặc là DNNN có thể dễ dàng trốn tội hoặc tìm cách đổ trách nhiệm cho bên thứ ba./.
Chu Phương Quỳnh
(Nguồn: Những vấn đề Kinh tế và Chính trị thế giới – số 2/2017)