Doanh nghiệp hạt điều cũng mong muốn có chính sách hỗ trợ vay vốn thông thoáng hơn

0
63
Ngành điều Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. (Nguồn: VGP)

Xét về triển vọng các thị trường trong năm 2024, giới phân tích đánh giá, khu vực châu Á sẽ là thị trường trọng điểm của ngành điều.

Ngành điều Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. (Nguồn: VGP)

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 2,66 triệu tấn, trị giá 3,07 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu hạt điều ghi nhận tăng trưởng 46,5% về lượng nhưng về giá trị chỉ tăng 19,2%.

Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, hiện ngành điều Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất vẫn là nguồn nguyên liệu. Hiện nay nhiều doanh nghiệp chế biến điều chưa chủ động được nguồn nguyên liệu; ước tính nguồn cung hạt điều thô trên cả nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% công suất chế biến, trong khi khoảng 70% nguyên liệu hạt điều thô phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu từ các quốc gia khác. Điều này cũng gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng hạt điều nguyên liệu phục vụ chế biến.

Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi sản xuất – chế biến – kinh doanh đảm bảo các điều kiện khắt khe về chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế chưa phát triển; nhiều cơ sở chế biến điều quy mô siêu nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế…

Về triển vọng các thị trường trong năm 2024, giới phân tích đánh giá, khu vực châu Á sẽ là thị trường trọng điểm của ngành điều. Thị trường Mỹ cũng được dự báo sẽ tốt.

Một số khách hàng của ngành điều Việt Nam tại Mỹ cho biết sức mua đã bắt đầu khởi sắc, tồn kho đang giảm, cho thấy kinh tế Mỹ đã có dấu hiệu phục hồi. Riêng thị trường châu Âu được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn do lạm phát cao, sức mua của người dân vẫn yếu.

Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 thị trường mới mà ngành điều Việt Nam mới thâm nhập được kể từ sau đại dịch Covid-19. Trước đây, các nhà mua hàng tại 2 thị trường này đều mua hạt điều của Ấn Độ, nhưng việc các nhà máy Ấn Độ ngưng sản xuất trong thời gian đại dịch đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Hiện các khách hàng tại đây đều đánh giá rất cao hạt điều Việt Nam cả về giá cả và chất lượng, nên tiềm năng trong thời gian tới là rất lớn.

Để khắc phục những hạn chế, tận dụng cơ hội thị trường, các doanh nghiệp ngành điều đang nỗ lực đầu tư máy móc, thiết bị, tự động hóa để giảm chi phí sản xuất, đồng thời nỗ lực chuyển đổi để đáp ứng những yêu cầu mới của thị trường.

Như tại Tập đoàn Long Sơn, việc in thông tin bằng mực in trên hộp điều đã phải thay bằng cách khắc laser để không ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, Long Sơn cũng đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái để chứng minh cho khách hàng về việc tiết giảm sử dụng điện từ năng lượng hóa thạch…

Bên cạnh sự tự chủ động như trên, các doanh nghiệp cũng mong muốn có chính sách hỗ trợ vay vốn thông thoáng hơn và có cơ chế linh hoạt trong việc thu ngoại tệ khi xuất khẩu, cụ thể là bán thị trường nào thì thu ngoại tệ thị trường đó.

Xa hơn, để thúc đẩy ngành điều phát triển bền vững, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; hỗ trợ, ký kết hợp đồng thu mua với người trồng điều, để có nguồn nguyên liệu ổn định, giảm sự lệ thuộc vào nguồn hạt điều nguyên liệu nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh cho hạt điều xuất khẩu của Việt Nam.

Tăng cường liên kết, kết nối nguồn lực để đầu tư chuyển mạnh sang chế biến sâu với những sản phẩm đa dạng, đáp ứng các nhu cầu, thị hiếu khác nhau của người tiêu dùng tại các thị trường…

Khánh Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here