Doanh nghiệp gỗ Việt Nam – Trung Quốc hợp tác cùng có lợi

0
11
Sản phẩm gỗ của Việt Nam và Trung Quốc khi xuất khẩu sang các quốc gia khác, đặc biệt là xuất khẩu sang Hoa Kỳ đang bị “nội soi” quá nhiều. (Nguồn: Saigontimes)

Xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam tăng trưởng nhanh dựa trên hai lợi thế cạnh tranh là: Lao động giá rẻ và nguyên liệu gỗ rừng trồng sẵn có, dồi dào.

Thông tin trên được Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đưa ra tại toạ đàm “Phát triển chuỗi cung ứng gỗ và sản phẩm gỗ bền vững giữa Việt Nam và Trung Quốc” diễn ra gần đây.

Ông Ngô Sỹ Hoài thông tin, Việt Nam có 14.6 triệu ha rừng (gồm 10,2 triệu ha rừng tự nhiên và 4.4 triệu ha rừng trồng). Từ năm 2016, Chính phủ Việt Nam cấm khai thác rừng tự nhiên, từ đó đến nay, ngành công nghiệp chế biến gỗ sử dụng nguyên liệu từ rừng trồng, chủ yếu là rừng cây keo (cung cấp khoảng 35-30 triệu m3 gỗ/năm) và khoảng 1 triệu ha rừng cao su (3-4 triệu triệu m3 gỗ/năm).

Tính đến nay, Việt Nam có 6.091 doanh nghiệp chế biến gỗ, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam tăng trưởng nhanh dựa trên hai lợi thế cạnh tranh: Lao động giá rẻ (lương công nhân ngành chế biến gỗ bình quân 350 – 450 USD/tháng); và nguyên liệu gỗ rừng trồng sẵn có, dồi dào.

“Trung Quốc là quốc gia thương mại gỗ hàng đầu của Việt Nam, cũng là quốc gia hàng đầu về đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến gỗ tại Việt Nam. Kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Trung Quốc có xu hướng tăng trong giai đoạn 2015-2023, từ 258 triệu USD lên 760 triệu USD, tăng bình quân 21,6 %/ năm”, ông Hoài nhấn mạnh.

Trong 11 tháng năm 2024, nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Trung Quốc đạt 983 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2023. Trung Quốc là quốc gia cung ứng gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm xấp xỉ 40% tổng giá trị nhập khẩu của cả nước. Cơ cấu mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc: ghế ngồi chiếm 18%;  đồ gỗ chiếm 17%; veneer/ván bóc chiếm 33%; ván gỗ dán chiếm 23%; ván sợi chiếm 9%.

Ở chiều xuất khẩu, ông Hoài cho hay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc liên tục tăng trong những năm qua. Cụ thể, năm 2020 đạt 1,2 tỷ USD; năm 2021 đạt 1,489 tỷ; năm 2022 đạt 1,71 tỷ USD; năm 2023 đạt 1,72 tỷ USD và năm 2024 ước đạt 1,88 tỷ USD. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc: dăm gỗ chiếm 83%; ván bóc chiếm 9%, đồ gỗ chiếm 2%, các sản phẩm gỗ khác chiếm 6%.

Theo ông Hoài, Trung Quốc và Việt Nam cùng là những nhà cung cấp sản phẩm gỗ hàng đầu của thế giới. Sản phẩm gỗ của hai nước khi xuất khẩu sang các quốc gia khác, đặc biệt là xuất khẩu sang Hoa Kỳ đang bị “nội soi” quá nhiều do các vấn đề nhạy cảm về môi trường và nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Do đó, Việt Nam và Trung Quốc cần tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp hành động, tăng cường hợp tác tiểu vùng Mekong và có tiếng nói chung tại các diễn đàn vùng và quốc tế. Hai bên cần tăng cường hợp tác để đảm bảo quản lý rừng bền vững và chế biến/thương mại gỗ hợp pháp, sản xuất xanh và kinh tế xanh.

“Trung Quốc là thị trường chính tiêu thụ dăm gỗ từ Việt Nam và cung cấp nhiều ván gỗ cho Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp và các hiệp hội gỗ của hai nước cần tăng cường hợp tác trên cơ sở hai bên cùng có lợi”, ông Hoài gợi ý.

Trong khi đó, ông Trương Lịch Yến, đại diện Hiệp hội Công nghiệp Lâm sản Trung Quốc cho biết, hiện nay, ngành sản xuất gỗ ván nhân tạo của Trung Quốc đang lâm vào tình trạng dư thừa nguồn cung cấp sản phẩm cấp thấp và thiếu hụt nguồn cung cấp sản phẩm chất lượng cao.

Theo ông Yến, thương mại lâm sản quốc tế ở Trung Quốc phải đối mặt với những rủi ro và thách thức ngày càng gia tăng. Những năm gần đây, ngành gỗ Trung Quốc xảy ra hơn 20 vụ phản ứng lớn trong thương mại lâm sản quốc tế, ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp lâm nghiệp xuất nhập khẩu Trung Quốc.

Tính đến thời điểm hiện tại, Hiệp hội Công nghiệp Lâm sản Trung Quốc đã ban hành 52 tiêu chuẩn hiệp hội nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm gỗ. “Tiêu chuẩn xác định gỗ hợp pháp của Trung Quốc” là tiêu chuẩn đầu tiên được hiệp hội ban hành, với các nội dung chính bao gồm: tính hợp pháp của gỗ của các đơn vị quản lý rừng, tính hợp pháp của gỗ của các doanh nghiệp thương mại chế biến, tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu.

“Thời gian tới, Việt Nam và Trung Quốc nên hợp tác củng cố và cải tiến các ngành công nghiệp có lợi thế truyền thống như sàn gỗ, đồ nội thất bằng gỗ và cửa gỗ, đồng thời đẩy nhanh sự phát triển của các ngành công nghiệp mới nổi như nội thất gia đình theo yêu cầu, kết cấu bằng gỗ và vật liệu xây dựng bằng gỗ cũng như vật liệu composite bằng gỗ hiệu suất cao”, ông Yến đề xuất.

Việt An

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here