Doanh nghiệp gỗ nắm bắt cơ hội, bứt phá tại các thị trường trọng điểm

0
14
Doanh nghiệp gỗ cần tập trung vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên năm trụ cột chính. (Nguồn: Bộ Công Thương)

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu gỗ Việt Nam 11 tháng năm 2024 ước đạt hơn 14,6 tỷ USD, dần tiến gần mục tiêu được điều chỉnh từ hồi giữa năm 2024 là 15,2 tỷ USD.

Ngay từ đầu năm 2024, các hiệp hội chế biến, xuất khẩu gỗ, các doanh nghiệp đã chủ động trong sản xuất, tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Hàng loạt chuỗi hội chợ tìm kiếm thị trường, thu hút khách hàng quan tâm đến sản phẩm gỗ Việt Nam được tổ chức ở các địa phương trọng điểm.

Nhận định về ngành gỗ ở bối cảnh hiện tại, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (Hawa) cho hay, ngành đã tương đối ổn định. Trong các thị trường nhập khẩu đồ gỗ, mỹ nghệ của Việt Nam, thì thị trường Mỹ chiếm hơn 54% kim ngạch xuất khẩu.

Dù vậy, thị trường này vẫn luôn ẩn chứa những yếu tố khó lường, luôn gây hồi hộp cho các doanh nghiệp nhập khẩu vào thị trường này bởi những chính sách thuế dành cho hàng hoá nhập khẩu.

Về phía doanh nghiệp, để khai thác triệt để thị trường tiềm năng, các doanh nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định đã tích cực tìm cơ hội bứt phá.

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương cho biết, một số doanh nghiệp tại tỉnh cũng có nhiều thiết kế sản phẩm độc đáo và giới thiệu đến khách hàng quốc tế.

“Để mở rộng đầu ra linh động hơn nữa, nhiều doanh nghiệp cũng đã thay đổi chiến lược bán hàng qua các kênh thương mại điện tử thay vì chỉ xuất sỉ. Thương mại có nhiều thay đổi, bên nào thích ứng được thì tăng trưởng”, ông Liêm nhấn mạnh.

Đối với sản phẩm gỗ Đồng Nai, các doanh nghiệp tỉnh này đã đưa sản phẩm đi 50 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhưng thị trường chính là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Theo thống kê của Cục thống kê Đồng Nai, tính đến thời điểm này, kim ngạch xuất khẩu gỗ Đồng Nai ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2023. Kết quả tăng trưởng này đều nhờ vào sự bứt phá của doanh nghiệp nắm bắt thị trường tốt.

Tuy nhiên, dù xuất khẩu mang lại nhiều kết quả cho ngành gỗ, nhưng các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ cũng không bỏ quên các cơ hội tiêu thụ đồ gỗ, hay để trống thị trường cho hàng hoá nước ngoài chiếm lĩnh.

Cụ thể, các chuyên gia trong ngành gỗ cũng đã vận động doanh nghiệp trong nước quay về đáp ứng nhu cầu nội địa. Đến nay, thị trường này hầu như còn bỏ ngỏ, manh mún và chiếm lĩnh bởi hàng nhập khẩu hoặc chỉ được các đơn vị sản xuất nhỏ phục vụ.

Thời gian tới, để giữ đà tăng trưởng, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay, doanh nghiệp cần tập trung vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên năm trụ cột chính.

Đó là: Kỹ thuật và công nghệ sản xuất, sản xuất giảm phát thải, quản trị, xúc tiến thương mại và xây dựng tiêu chuẩn giám sát nội bộ.

“Khi doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam làm tốt các tiêu chí này mới có thể tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm gỗ trong nước với doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”, ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here