Để tạo ra hiệu quả hoạt động sản suất kinh doanh và thúc đẩy sự đổi mới, ngành hóa dầu và nhựa đòi hỏi sự tích hợp của nhiều bên tham gia trong chuỗi cung ứng, việc xây dựng các trung tâm hóa dầu trong nước là một chiến lược quan trọng.
Ngày 15/12, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức hội thảo Kết nối chuỗi cung ứng sản phẩm hóa dầu giữa doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp trung và hạ nguồn.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thông tin, trong vùng kinh tế phía Nam quy tụ được các ngành trong chuỗi hóa dầu như: sản xuất linh phụ kiện ô tô, thiết bị điện tử, sản phẩm từ hạt nhựa và sản phẩm hoá chất… Tỷ lệ nội địa hoá của các doanh nghiệp tại Vùng kinh tế phía Nam còn thấp, chưa hình thành được chuỗi cung ứng xuyên suốt từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn. Với vật liệu hoá dầu đã và đang sản xuất tại các dự án của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có khả năng được cung ứng cho các khu vực nơi tập trung các ngành công nghiệp nhẹ trong Vùng kinh tế phía Nam.
Thông qua hội thảo, ông Nguyễn Văn Đồng hy vọng, các đại biểu sẽ thông tin kết nối chuỗi cung ứng sản phẩm hóa dầu giữa doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp trung và hạ nguồn đến lãnh đạo các địa phương vùng kinh tế phía Nam, các nhà đầu tư trong và nước ngoài. Từ đó, đề xuất các giải pháp tối ưu kết nối các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng và các doanh nghiệp trong vùng kinh tế phía Nam nói chung.
Mặt khác, có giải pháp liên kết giữa chính quyền và doanh nghiệp; giải pháp để phát triển nguồn nhân lực cho ngành hóa dầu… nhằm sử dụng nguồn nguyên liệu địa phương, thực hiện nội địa hóa giảm giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm công nghiệp sản xuất; đồng thời, hình thành ngành cung ứng nguyên vật liệu sản xuất cơ bản tạo nên chuỗi cung ứng của ngành hóa dầu tại địa phương và các tỉnh thành phía Nam.
Bà Đinh Thị Mỹ Huyền, đại diện Công ty TNHH Hóa chất Hyosung Vina thông tin, nhu cầu về hạt nhựa PP được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Hiện nay, do khoảng cách lớn giữa cung và cầu nhựa PP ở Việt Nam, trong những năm gần đây, hầu hết các dự án lọc dầu, đồng sản xuất ethylene và các dự án olefin đều có thể sản xuất polypropylene. Do đó, năng lực sản xuất hạt nhựa PP của Việt Nam sẽ tăng đáng kể trong tương lai gần.
Đại diện Công ty TNHH Hyosung Vina phân tích, hiện nay, các nhà sản xuất PP tại Việt Nam đang phải nhập khẩu tới 80% nguyên vật liệu là sản phẩm có nguồn gốc từ dầu khí và chịu tác động mạnh bởi giá dầu để phục vụ sản xuất. Đây cũng nguyên nhân khiến nguyên vật liệu chiếm 2/3 trong tổng chi phí sản xuất PP.
Hiện nay, các nhà sản xuất PP lớn trên thế giới là Trung Quốc, Mỹ, Arab Saudi… đang đẩy mạnh việc xuất khẩu vào thị trường Việt Nam. Với hàng hóa đa dạng về chủng loại và chất lượng, đặc biệt là khả năng tự chủ về nguyên vật liệu và mức thuế ưu đãi dành cho PP nhập khẩu đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các nhà sản xuất PP trong nước. Cụ thể, mức thuế nhập khẩu cho các mặt hàng PP hiện nay như sau: khu vực Trung Đông 3%; Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và Singapore đều 0%.
Với mức thuế suất thấp như vậy, các nhà nhập khẩu PP có lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các nhà sản xuất PP trong nước, đặc biệt là các nhà đầu tư FDI như Hyosung. Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay, mức thuế thấp càng làm tăng ưu thế của hàng nhập khẩu so với hàng trong nước. Về lâu dài sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành nhựa Việt Nam và lệ thuộc vào nước ngoài, chưa kể đến việc thất thoát ngoại tệ.
Đại diện Hyosung kiến nghị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề xuất với Chính phủ Việt Nam về việc tăng thuế nhập khẩu với các mặt hàng PP để giảm bớt lợi thế của hàng nhập khẩu với hàng sản xuất nội địa. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có các chính sách đột phá để thúc đẩy việc xuất khẩu hạt nhựa cũng như khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất tại địa bàn tỉnh sử dụng hạt nhựa PP sản xuất trong nước.
Còn ông Thanwa Udom – Piriyasak, Giám đốc thương mại của Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn chia sẻ, để tạo ra hiệu quả hoạt động sản suất kinh doanh và thúc đẩy sự đổi mới, ngành hóa dầu và nhựa đòi hỏi sự tích hợp của nhiều bên tham gia trong chuỗi cung ứng. Vì vậy, việc xây dựng các trung tâm hóa dầu trong nước là một chiến lược quan trọng để mở rộng kinh tế Việt Nam và đưa Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Bà Rịa – Vũng Tàu là nơi để phát triển thành trung tâm hóa dầu của Việt Nam với nhiều lợi thế sẵn có như: vị trí địa lý lý tưởng, đáp ứng nhu cầu ngành hóa dầu như: vận chuyển thuận tiện các thiết bị siêu trường, siêu trọng và tiếp cận vùng nước biển sâu để xây dựng cảng, cầu cảng nhập khẩu nguyên liệu. Bên cạnh đó, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sở hữu cơ sở hạ tầng hoàn thiện như: cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải phục vụ vận chuyển cả trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, tỉnh còn có nguồn cung tiện ích đáng tin cậy như điện và nước rất quan trọng cho ngành công nghiệp hóa dầu…”, ông Thanwa Udom – Piriyasak nhận định.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu có ý kiến cho rằng, tỉnh cần hợp tác, thu hút nhà đầu tư có năng lực về tài chính và công nghệ, kỹ thuật để hình thành, phát triển các dự án sản xuất đa dạng sản phẩm hóa dầu hơn, quy mô tương xứng với nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hóa dầu trong nước và xuất khẩu, nhất là các sản phẩm đóng vai trò là nguyên liệu cơ bản phục vụ sản xuất các ngành công nghiệp khác.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng nghiên cứu, phát triển sản phẩm hóa dầu chất lượng cao, thân thiện môi trường phục vụ cho các ngành công nghiệp, công nghệ cao để hướng đến xuất khẩu sang các thị trường uy tín nước ngoài…
Cũng tại hội thảo, một số doanh nghiệp sản xuất sản cung ứng sản phẩm hóa dầu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã giới thiệu về sản phẩm doanh nghiệp đang sản xuất. Đại diện đại biểu tham dự hội thảo cũng đã đặt các câu hỏi cho nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hóa dầu về các sản phẩm sản xuất của doanh nghiệp, thị trường tiêu thụ, chính sách bán hàng.
Hoàng Nam