Đoàn 30 doanh nghiệp ngành hàng dừa của Trung Quốc khảo sát vùng nguyên liệu Trà Vinh

0
9
Đoàn công tác tham quan vườn dừa ở huyện Cầu Kè, Trà Vinh. (Nguồn: TTXVN)

Tổng lãnh sự Ngụy Hoa Tường kêu gọi doanh nghiệp Trung Quốc tham gia đầu tư ở lĩnh vực chế biến sâu các sản phẩm từ dừa; đồng thời mong muốn ngành chức năng tỉnh Trà Vinh làm tốt khâu logistics, giảm thiểu giá thành và chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp Trung Quốc.

Ngày 20/12, tại Trà Vinh, Đoàn Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh do ông Ngụy Hoa Tường làm trưởng đoàn cùng 30 doanh nghiệp hoạt động ngành hàng dừa của Trung Quốc đến khảo sát vùng nguyên liệu trồng dừa ở huyện Cầu Kè, tìm hiểu khả năng cung ứng, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc các sản phẩm dừa tươi, dừa sáp, sản phẩm chế biến từ dừa của doanh nghiệp, hợp tác xã ở Trà Vinh.

Báo cáo với đoàn công tác, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp tỉnh Trà Vinh Trần Trường Giang cho biết, tỉnh Trà Vinh có tổng diện tích trồng dừa đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau tỉnh Bến Tre với 27.520 ha, sản lượng trên 404.000 tấn (tương đương 337 triệu quả); trong đó, có gần 6.000 ha dừa hữu cơ đạt tiêu chuẩn EU, USDA, Trung Quốc.

Các giống dừa được trồng ở Trà Vinh chủ yếu là dừa ta xanh, dừa ta vàng, dừa dâu xanh, dâu vàng (chiếm 85% diện tích). Năng suất và chất lượng dừa ở Trà Vinh được đánh giá cao nhất cả nước.

Toàn tỉnh có 29 vùng dừa được cấp mã số vùng trồng; trong đó, 10 mã số vùng trồng xuất khẩu với diện tích 1.392 ha và 2 cơ sở đóng gói dừa xuất khẩu qua Trung Quốc. Đặc biệt, Trà Vinh có diện tích dừa sáp khá lớn, khoảng 1.300 ha, hàng năm cho sản lượng khoảng 3,16 triệu quả có giá trị kinh tế rất cao, được Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý và Hiệp hội Dừa Việt Nam công nhận cây dừa sáp được trồng tại Trà Vinh là “Cây dừa Việt Nam”.

Tỉnh Trà Vinh đang tập trung nhiều giải pháp để phát triển bền vững cây dừa và đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích dừa đạt trên 28.000 ha, sản lượng 520.000 tấn/năm (tương đương 440 triệu quả), sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ gắn với cấp mã số vùng trồng để đáp ứng nhu cầu chế biến và dừa tươi phục vụ xuất khẩu.

Cùng đó, tỉnh đang tăng cường ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng dừa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; phát triển ngành công nghiệp chế biến sâu từ dừa, sử dụng công nghệ tiên tiến, phát triển đa dạng các sản phẩm…

Ông Ngụy Hoa Tường, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao chất lượng vùng dừa nguyên liệu được trồng tại tỉnh Trà Vinh, nhất là đặc sản dừa sáp rất độc đáo, cùng các sản phẩm chế biến từ dừa sáp. Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tăng cường kết nối, hợp tác, giao thương với nông hộ trồng dừa, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngành hàng dừa ở Trà Vinh để dừa của địa phương sớm xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tổng lãnh sự Ngụy Hoa Tường kêu gọi doanh nghiệp Trung Quốc tham gia đầu tư ở lĩnh vực chế biến sâu các sản phẩm từ dừa; đồng thời mong muốn ngành chức năng tỉnh Trà Vinh làm tốt khâu logistics, các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà vườn nâng cao chất lượng quả dừa sáp, giảm thiểu giá thành và chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh luôn tạo điều kiện và thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp địa phương và doanh nghiệp Trung Quốc nhằm hợp tác xuất khẩu dừa tươi, sản phẩm chế biến từ dừa và dừa sáp vào thị trường Trung Quốc.

Tỉnh mong muốn ngành chức năng Trung Quốc hỗ trợ tư vấn cho địa phương về bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu, những tiêu chuẩn, điều kiện để dừa tươi, sản phẩm chế biến từ dừa và dừa sáp đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, hỗ trợ, hợp tác và cung cấp các thông tin về kiểm dịch, thương mại, vận chuyển, thuế… để nông sản Trà Vinh vào thị trường Trung Quốc nhiều hơn nữa. Địa phương cũng mời gọi doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư các nhà máy sản xuất, chế biến nông sản xuất khẩu, cam kết sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho nhà đầu tư và đối tác quốc tế khi đến làm việc tại địa phương.

Dịp này, các doanh nghiệp tại Trà Vinh và Trung Quốc hoạt động ngành hàng dừa đã trao đổi, chia sẻ nhiều thông tin về lĩnh vực hoạt động, nhu cầu giao thương, giới thiệu mặt hàng đơn vị sản xuất, kinh doanh, năng lực cung ứng, thị trường tiêu thụ, giá trị xuất khẩu… và  ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác.

Tỉnh Trà Vinh là địa phương có diện tích trồng dừa đứng thứ 2 cả nước chỉ sau Bến Tre. Nhằm nâng cao chuỗi giá trị cây dừa, Trà Vinh đang khuyến khích nông dân mở rộng diện tích theo hướng hữu cơ; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến và liên kết với doanh nghiệp để tạo ra các sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và đáp ứng điều kiện xuất khẩu.

Để khai thác thế mạnh từ cây dừa, từ năm 2021, tỉnh Trà Vinh đã khuyến khích nông dân thực hiện phương thức canh tác tiên tiến đạt tiêu chuẩn hữu cơ; đáp ứng các tiêu chuẩn châu Âu – UE, Mỹ – USDA, Nhật – JAS, Australia – ACO, GlobalGAP… Đến nay, tỉnh đã phát triển được gần 27.400 ha diện tích trồng dừa, với hơn 20.000 ha đang cho trái, sản lượng đạt 3,9 triệu tấn/năm, trong đó có khoảng 5.100ha dừa hữu cơ.

Diện tích dừa hữu cơ đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết trồng và bao tiêu sản phẩm với mức giá cao hơn giá thị trường từ 10-15%. Hiện đã có trên 1.240 ha dừa đáp ứng được yêu cầu về kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Hiện nay, dừa Việt Nam đang trở thành mặt hàng xuất khẩu với giá trị cao. Các sản phẩm chế biến từ dừa đang có tiềm năng lớn để gia tăng giá trị cây dừa, tăng thu nhập cho người dân. Năm 2024, giá trị kim ngạch xuất khẩu dừa đạt 900 triệu USD. Đây là một kỷ lục.

Mới đây, trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam chia sẻ, trong 10 năm trở lại đây, các doanh nghiệp tiếp cận thị trường thế giới đã hiểu được xu thế và đầu tư nhiều vào máy móc hiện đại. Tại Việt Nam, công nghệ chế biến dừa tương đương với quốc tế.

Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Thanh Thủy cũng cho biết, bên cạnh xuất khẩu dừa tươi, công nghiệp chế biến dừa hiện đã rất phát triển, hiện chiếm tới hơn 70% giá trị xuất khẩu. Cây dừa gần như không bỏ đi thứ gì, đây cũng là tiền đề quan trọng trong nhiệm vụ phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa giá trị.

Hải An

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here