Định hướng thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc

0
63
Vĩnh Phúc có đầy đủ tiềm năng để phát triển du lịch. (Nguồn: Bộ VHTTDL)

Hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế và cơ hội nổi trội, khác biệt để phát triển hài hòa và bền vững, Vĩnh Phúc đang nỗ lực đóng vai trò tích cực tiên phong về phát triển kinh tế – xã hội, đóng góp vào việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Là cửa ngõ, cầu nối giữa các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc với Thủ đô Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng, nằm trên trục hành lang kinh tế quan trọng Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai – Côn Minh (Trung Quốc), Vĩnh Phúc được biết đến là nơi có nhiều danh lam, thắng cảnh, lưu giữ nhiều nét văn hóa cổ xưa của người Việt. Đây cũng là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, nơi khởi nguồn của nhiều tư duy đổi mới, sáng tạo và tiên phong. Vị trí địa lý và điều kiện lịch sử đặc biệt của Vĩnh Phúc đã tạo cho tỉnh nhiều điều kiện thuận lợi để giao lưu, phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội với cả trong và ngoài nước.

Tầm nhìn tương lai

Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP bình quân đầu người; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I, làm tiền đề để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, phát triển bền vững; là hạt nhân thúc đẩy phát triển công nghiệp và dịch vụ hiện đại trong vùng Đồng bằng sông Hồng; người dân có cuộc sống chất lượng cao, ấm no, hạnh phúc; có nền văn hóa tiên tiến, giàu bản sắc, xã hội phát triển hài hòa, môi trường sinh thái trong lành, đáng sống…

Tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc là thành phố trực thuộc Trung ương, có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, xanh, sạch đẹp, mang bản sắc riêng, xã hội phồn vinh, thịnh vượng; là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường; người dân có chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc; có nền văn hóa tiên tiến, môi trường sinh thái trong lành, đáng sống; quốc phòng, an ninh được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm…

Phát triển kinh tế – xã hội bền vững

Với mục tiêu rõ ràng như vậy, trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã dành nhiều nguồn lực tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông tại các khu, cụm công nghiệp, bảo đảm kết nối nhanh chóng, thuận tiện, làm tiền đề để thu hút đầu tư, khơi thông nguồn lực đất đai, phát triển kinh tế các địa phương trong vùng. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi; cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Với định hướng thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp là ưu tiên thu hút các dự án vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, cơ khí chế tạo, thiết bị điện, điện tử, chất bán dẫn, ô tô, xe máy…, thời gian qua, Vĩnh Phúc đã tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển công nghiệp để tạo ra tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế với tốc độ nhanh, tăng nguồn thu ngân sách, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn, phát triển các ngành dịch vụ.

Nhờ môi trường đầu tư thông thoáng, Vĩnh Phúc được xem là một trong những “thỏi nam châm” thu hút đầu tư ở khu vực phía Bắc. Theo Báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Phúc, 10 tháng đầu năm 2024, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút được 28 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) mới và 37 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 485,4 triệu USD, bằng 91% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 139% kế hoạch năm 2024. Đáng chú ý, trong 10 tháng đầu năm 2024, nhiều nhà đầu tư chiến lược đứng đầu các chuỗi cung ứng như ô tô, xe máy, linh kiện điện tử trong và ngoài nước đã tìm hiểu môi trường đầu tư, bất động sản công nghiệp và có các đề xuất hỗ trợ, hợp tác về năng lượng, cam kết Net Zero, đầu tư xanh với tỉnh Vĩnh Phúc như Công ty Honda Việt Nam, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam.

Trong chiến lược phát triển kinh tế, tỉnh luôn quan tâm đến yếu tố môi trường và phát triển bền vững. Tại Hội nghị “Phát triển bền vững khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc”, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông đã khẳng định quan điểm phát triển khu công nghiệp của tỉnh là: Xu hướng tất yếu phải chuyển đổi phát triển khu công nghiệp theo hướng bền vững; phát triển bền vững các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần thực hóa các cam kết hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (NetZero) vào năm 2050; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Song song với phát triển kinh tế, công tác an sinh xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ, sáng tạo của người dân được tỉnh đặc biệt quan tâm, chú trọng. Nhiều cơ chế, chính sách đầu tư cho phát triển văn hóa được ban hành, triển khai kịp thời; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức thường xuyên, đa dạng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân trong tỉnh. Đồng thời, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cũng được đẩy mạnh và mang lại hiệu quả tích cực.

Bên cạnh đó, yếu tố con người cũng là thế mạnh của tỉnh. Trước những khó khăn, thách thức của tình hình quốc tế, trong nước và trong tình, với tinh thần đoàn kết, truyền thống vượt khó vươn lên, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết liệt chỉ đạo, điều hành để đưa nền kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, giúp cho đời sống người dân trên địa bàn tỉnh được ổn định, công tác an sinh xã hội được bảo đảm, tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tăng cường hợp tác quốc tế

Nhằm cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước và chủ trương của tỉnh về công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, tỉnh chú trọng và tiếp tục triển khai thực hiện tốt các hoạt động đối ngoại, cụ thể: thực hiện tốt công tác quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh; duy trì các hoạt động hợp tác hữu nghị với địa phương nước ngoài; tăng cường các hoạt động ngoại giao kinh tế, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại du lịch; chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; tăng cường công tác quảng bá hình ảnh của tỉnh Vĩnh Phúc đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, công tác đối với người Vĩnh Phúc ở nước ngoài có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều kiều bào Vĩnh Phúc đã đóng góp lớn vào kết quả phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Một trong những kết quả nổi bật, tạo dấu ấn trong công tác đối ngoại của tỉnh trong thời gian qua là, tỉnh đã ký kết thêm 4 thỏa thuận hợp tác với các địa phương nước ngoài, gồm tỉnh Tochigi, Nhật Bản trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ (11/2021), vùng Toscana, Italy trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước (7/2023), tỉnh Pernik, Bulgaria trước sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội (9/2023) và tỉnh Mayabeque, Cộng hòa Cuba trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước (9/2024). Nâng tổng số địa phương của nước ngoài có quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh Vĩnh Phúc lên 16 địa phương.

Qua đó có thể thấy, Vĩnh Phúc đã không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại với các địa phương của các nước đặc biệt là các nước có quan hệ hữu nghị, truyền thống đặc biệt với Việt Nam. Từ đó góp phần củng cố mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước nói chung giữa tỉnh Vĩnh Phúc và các địa phương nước ngoài nói riêng, qua đó đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Nguyễn Việt Hưng

Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Vĩnh Phúc

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here