Điều kiện để nông sản Việt gia nhập gian hàng trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc

0
8
Sàn thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ giúp các nhà cung ứng Việt có thể bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng tại Trung Quốc. (Nguồn: Công Thương)

Nông sản Việt Nam bán sang Trung Quốc thông qua hình thức thương mại điện tử đã được người tiêu dùng nước này đánh giá cao về chất lượng, song cần cải thiện thêm về bao bì, khẩu vị đa dạng hơn.

Chiều 20/11, tại Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp phối hợp với Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường, Tập đoàn Sunwah tổ chức Hội nghị giao thương doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc và Lễ ra mắt gian hàng nông sản Việt Nam trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc.

Tại đây, thông tin về gian hàng nông sản Việt Nam trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc, bà Qi Ping, Tổng giám đốc Công ty Quản lý chuỗi cung ứng Sunwah Gelafood (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) – cho hay, gian hàng sẽ được vận hành theo mô hình “hàng tìm người” thông qua hình thức phát video ngắn và livestream, được kỳ vọng sẽ giúp các nhà cung ứng Việt có thể bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng tại Trung Quốc và đưa các sản phẩm thương hiệu vào thị trường Trung Quốc.

Về tiêu chuẩn gia nhập gian hàng nông sản Việt Nam, theo bà Qi Ping, các sản phẩm tham gia gian hàng phải phù hợp với danh sách nhập khẩu xuyên biên giới của Trung Quốc và các quy định, tiêu chuẩn chất lượng có liên quan tại Việt Nam, có quyền sở hữu trí tuệ và thương hiệu độc lập, mong muốn đăng ký thương hiệu tại Trung Quốc để mở rộng thương hiệu của mình.

Cùng với đó, doanh nghiệp hoạt động bình thường trong hơn 3 năm hoặc được Sunwah Gelafood chấp thuận tham gia, có năng lực cung ứng và năng lực chăm sóc khách hàng tương đối tốt; đồng ý xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc theo mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới, tuân thủ các quy tắc của nền tảng thương mại điện tử có liên quan, chia sẻ tiền đặt cọc và tuân thủ các quy định của Trung Quốc về thương mại chung; được phê duyệt bởi Sunwah Gelafood.

Về thủ tục gia nhập gian hàng, đối với doanh nghiệp đã có mã số đăng ký tại Trung Quốc sẽ qua các bước: Doanh nghiệp cần cung cấp các chứng nhận liên quan cho Sunwah Gelafood xét duyệt, gian hàng chỉ chấp nhận các sản phẩm đã có các loại giấy chứng nhận xuất khẩu Trung Quốc có liên quan; chạy thử đơn hàng đầu; doanh nghiệp căn cứ theo kết quả tiêu thụ của đơn hàng chạy thử để xây dựng kế hoạch sản xuất và xuất khẩu từng đợt hàng đến kho ngoại quan Lạc Dương của Sunwah Gelafood để livestream.

Đối với doanh nghiệp chưa có mã số đăng ký tại Trung Quốc, để đăng ký tham gia gian hàng, cần gửi danh mục sản phẩm đến Sunwah Gelafood để tra soát trên hệ thống của hải quan Trung Quốc; làm thủ tục đăng ký hoạt động doanh nghiệp theo tiêu chuẩn nhập khẩu tại Trung Quốc. Sunwah Gelafood sẽ thay mặt đăng ký và thu phí theo mục lớn về các chi phí liên quan. Bước tiếp theo, doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng chạy thử với Sunwah Gelafood. Sau khi chạy thử đơn hàng đầu, doanh nghiệp có thể căn cứ tình hình xuất nhập khẩu và tiêu thụ để quyết định gia nhập gian hàng.

Các nhà cung ứng có thể lựa chọn gian hàng của Sunwah Gelafood là Mr ASEAN Mall hoặc các gian hàng nổi tiếng khác tại Trung Quốc như TikTok, Kuaishou…

Cũng theo bà Qi Ping, đối với mỗi loại sản phẩm, khoản đặt cọc sẽ khác nhau. Nếu nhà cung ứng đăng ký nhiều loại mặt hàng, khoản đặt cọc sẽ được tính theo loại sản phẩm có mức đặt cọc cao nhất. Nếu đăng ký các gian hàng lớn này thông qua Sunwah Gelafood, tiền đặt cọc không quá 20% đối với các sản phẩm thông thường, còn đối với sản phẩm từ yến và các thực phẩm chức năng khác, tiền đặt cọc sẽ không quá 35%.

Giải thích về vấn đề thu phí, bà Qi Ping cho hay, gian hàng nông sản Việt Nam là một nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, giống như Amazon và các nền tảng thương mại điện tử khác, Sunwah Gelafood cung cấp cho nhà cung ứng dịch vụ từ lưu kho sản phẩm đến bán hàng cho khách hàng cuối cùng, đồng thời thu các loại phí liên quan.

Liên quan đến việc thanh toán tiền hàng, bà Qi Ping cho biết, doanh nghiệp cần có tài khoản thanh toán ngoại hối đúng quy định. Doanh nghiệp cần chấp nhận các quy tắc thanh toán của nền tảng thương mại điện tử có liên quan và các quy tắc tài chính của Tập đoàn Sunwah; ưu tiên các doanh nghiệp chấp nhận thanh toán bằng Nhân dân tệ.

Doanh nghiệp không thanh toán bằng Nhân dân tệ phải chịu chi phí chuyển đổi ngoại tệ và thời gian thanh toán dài hơn 2-3 ngày làm việc so với thanh toán bằng Nhân dân tệ; ngoại trừ đợt đầu tiên (đợt đầu tiên dự kiến mất 40-60 ngày làm việc). Nền tảng có thể thanh toán cho doanh nghiệp hàng tuần; kịp thời đối chiếu sổ sách với bộ phận kế toán của Tập đoàn Sunwah.

Theo bà Qi Ping, sản phẩm nông sản Việt Nam bán sang Trung Quốc thông qua hình thức thương mại điện tử đã được người tiêu dùng nước này đánh giá cao về chất lượng, song cần cải thiện thêm về bao bì, khẩu vị đa dạng hơn. Bởi người tiêu dùng mua sắm online là người trẻ tuổi nên những yếu tố này rất quan trọng để hàng nông sản Việt Nam tạo lợi thế cạnh tranh.

Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nhiều năm liên tục. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến hết quý III/2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 44,4 tỷ USD, tăng nhẹ 2,94% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 1,27 tỷ USD).

Theo ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, “Gian hàng nông sản Việt Nam” trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc được chính thức hoạt động đã đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong thương mại điện tử xuyên biên giới đối với mặt hàng nông sản Việt Nam. Đây chính là cơ hội tốt nhất để nông sản Việt Nam tiếp cận gần hơn với thị trường Trung Quốc.

An Hải

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here