Điều chỉnh chính sách thương mại, đầu tư của Malaysia kể từ khi thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng kinh tế ASEAN 2007 – 2015 (Phần 1)

0
126

Kể từ khi ASEAN triển khai Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) 2007-2015, Malaysia đã có những điều chỉnh chính sách nhằm tận dụng những ưu thế của tự do hóa khu vực. Trong đó, điều chỉnh cơ cấu sản xuất và xuất khẩu hướng tới khu vực ASEAN là một trong những hoạt động quan trọng. Bên cạnh đó, các hoạt động thu hút đầu tư cũng như mở rộng đầu tư nội khối cũng là một sự điều chỉnh chính sách khác để có thể vừa thu hút, vừa sử dụng các nguồn lực có hiệu quả thông qua mở rộng đầu tư ra nước ngoài.

1. Phát triển các ngành có ưu thế nhằm tận dụng tự do hóa thương mại

Việc phát triển các ngành có ưu thế của Malaysia trong những năm 2009 trở lại dây được thể hiện trên hai nội dung chính sách quan trọng là Mô hình Kinh tế Mới (NEM) được ban hành năm 2009 và Kế hoạch Malaysia thứ 10 (2011-2015). Trong đó, về mặt cơ cấu ngành, NEM chú trọng phát triển các ngành dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, các khu vực có lợi thế so sánh và các ngành kinh tế mà nước này đã có lợi thế ngay từ thời kỳ đầu phát triển. Đối với các ngành dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên, Malaysia tập trung vào các hoạt động chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nhất là dầu cọ với việc chú trọng phát triển công nghệ bản địa, sản xuất sản phẩm có lợi cho sức khỏe mà thị trường cần. Khu vực điện và điện tử, ngành có lợi thế từ ban đầu, sẽ được thúc đẩy thông qua lợi thế về kỹ năng, tập trung vào phần có giá trị gỉa tăng cao. Trong đó, các ngành dịch vụ thuê ngoài sẽ thúc đẩy chuyên môn hóa và tăng năng suất lao động. Một khu vực có tiềm năng tăng trưởng khác là mở rộng các hoạt động thương mại nông nghiệp trong các công nghệ trồng mới, thu hoạch và chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Khu vực dịch vụ được khai thác tiềm năng tăng trưởng với hai ngành chính là du lịch và giáo dục bên cạnh các ngành khác là dịch vụ tài chính. Tương tự như vậy, TMP tập trung vào 12 Lĩnh vực Kinh tế chủ yếu của quốc gia (NKEAs) bao gồm 11 lĩnh vực kinh tế và 1 khu vực địa lý là Kuala Lumpur. Trong đó, 11 lĩnh vực kinh tế bao gồm: dầu lửa và khí đốt, dầu cọ và các sản phẩm có liên quan, dịch vụ tài chính, bán buôn và bán lẻ, du lịch, công nghệ thông tin và truyền thông, giáo dục, điện và điện tử, dịch vụ kinh doanh, chăm sóc sức khỏe tư nhân, nông nghiệp. (Xem Bảng 1).

Bảng 1. Tổng giá trị thương mại của Malaysia với ASEAN 2009 – 2016 (đơn vị: tỷ Ringgit)

Năm 2009 2013 2014 2015 2016
Xuất khẩu 142,3 201,8 213,6 219,3 230,9
Nhập khẩu 109,5 172,9 175,4 182,1 171,7
Tổng giá trị thương mại 251,8 374,7 389,0 401,4 402,6

Nguồn: Ministry of International Trade and Industry Report 2009, 2013, 2015, 2016

Nhờ những chính sách thúc đẩy hội nhập nhằm tận dụng quá trình tự do hóa thương mại trong ASEAN, tăng cường mối quan hệ giữa các công ty, các hoạt động đầu tư xuyên biên giới, hoạt động thuê ngoài, giá trị thương mại hai chiều của Malaysia vớỉ các nước ASEAN đã có mức tăng trưởng nhanh trong thời kỳ 2009-2016. Tổng giá trị thương mại của Malaysia với các nước ASEAN đã tăng từ 251,8 tỷ RM năm 2009 lên 402,6 tỷ năm 2016. Về tỷ trọng, thương mại hai chiều của Malaysia với các nước ASEAN trong tổng giá trị thương mại của nước này đã tăng từ 25,5% năm 2009 lên 27,1% năm 2016. Đáng chú ý, nhờ tận dụng các ưu thế tự do hóa, Malaysia đã có mức tăng trưởng xuất khẩu sang các nước ASEAN nhanh hơn và luôn là nước xuất siêu nhìn từ góc độ khu vực. Xuất khẩu của Malaysia sang ASEAN tăng nhanh nhất là các năm 2010 với mức tăng trưởng 14,1%, năm 2012 là 9,9%, năm 2013 tăng 7,2%, 2014 là 5,8% và 2016 là 5,3%. Trong số các nước ASEAN thì Singapore, Thái Lan, Indonesia là ba nước Malaysia tận dụng được nhiều nhất quá trình tự do hóa. Xuất khẩu của Malaysia tới Singapore đã tăng từ 77,2 tỷ RM năm 2009 lên 114,44 tỷ RM năm 2016 (riêng năm 2016 chiếm đến 49,6% xuất khẩu tới ASEAN). Xuất khẩu của Malaysia tới Thái Lan đứng thứ 2 trong số các nước ASEAN, tăng từ 29,9 tỷ năm 2009 lên 44,1 tỷ RM năm 2016. Trong khi đó, xuất khẩu của Malaysia tới Indonesia cũng có mức tăng trưởng cao trong những năm qua, từ mức 17,3 tỷ lên 27,66 tỷ RM cùng thời kỳ nêu trên. Đáng chú ý, nhờ tận dụng quá trình tự do hóa thương mại trong AEC, các nước thành viên mới của ASEAN như Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam (CLMV) cũng đã trở thành thị trường xuất khẩu có nhiều triển vọng được Malaysia khai thác. Xuất khẩu của Malaysia sang các nước CLMV tăng nhanh từ 9,475 tỷ RM năm 2009 lên 28,96 tỷ RM năm 2016. Đáng chú ý, năm 2016 là năm xuất khẩu của Malaysia sang các nước này có mức tăng nhanh nhất trong thời kỳ, đạt 7,52 tỷ RM hay tốc độ tăng trưởng đạt 35,1%. Trong đó, xuất khẩu của Malaysia sang Việt Nam đã tăng từ 8,165 tỷ năm 2009 lên 23,78 tỷ RM năm 2016, chiếm tỷ trọng lớn trong các nước CLMV, đưa Việt Nam trở thành điểm đến thứ 10 của hàng xuất khẩu Malaysia.

Phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, sản xuất hàng tiêu dừng lâu bền có thế mạnh, có vị trí trong khu vực ASEAN. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu hàng hóa của Malaysia tới ASEAN, nhất là những năm gần đây. Năm 2015, xuất khẩu các mặt hàng chế tạo, chế biến chiếm 86% giá trị xuất khẩu và năm 2016 đã tăng lên 89,1% tổng giá trị xuất khẩu của Malaysia tới ASEAN. Các mặt hàng chế tạo chủ yếu của Malaysia xuất khẩu tới ASEAN có các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm hóa dầu, hóa chất và sản phẩm hóa chất, máy móc, thiết bị, chế biến kim loại. Đặc biệt, trong số 12 lĩnh vực kinh tế then chốt (NKEA) được lựa chọn trong NEM năm 2009, Malaysia đã tập trung phát triển sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm điện, điện tử, lĩnh vực có thế mạnh của nước này từ những thập kỷ qua. Trên thực tế, Malaysia hiện tại đang là một bộ phận không thể tách rời của chuỗi cung ứng toàn cầu đối với việc chế tạo các sản phẩm điện, điện tử trong khu vực ASEAN. Trong đó, các loại sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của Malaysia là chất bán dẫn, mạch tích hợp điện tử, tấm pin năng lượng mặt trời, đèn điôt phát sáng (LED)… Xuất khẩu các sản phẩm điện, điện tử của Malaysia sang các nước ASEAN đã đạt mức tăng trưởng nhanh về giá trị, từ mức 47,1 tỷ RM năm 2009 tăng lên 67,3 tỷ RM năm 2015 và các sản phẩm điện, điện tử luôn chiếm tỷ trọng cao, trên 30% tổng giá trị xuất khẩu của Malaysia tới ASEAN trong suốt thời kỳ 2009-2016. Nếu như năm 2009, xuất khẩu các sản phẩm điện, điện tử của Malaysia tới ASEAN đạt 47,1 tỷ RM, tức là chiếm đến 33,1% thì đến năm 2015, xuất khẩu các sản phẩm loại này đã tăng lên 67,3 tỷ RM nhưng về tỷ trọng đã giảm, chỉ chiếm 30,7% tổng giá trị xuất khẩu của nước này. Năm 2016, xuất khẩu các sản phẩm điện, điện tử của Malaysia sang ASEAN có mức tăng trưởng 6,9%. Về cơ cấu năm 2015, xuất khẩu các sản phẩm điện, điện tử tới ASEAN gia tăng do xuất khẩu các sản phẩm mạch tích hợp điện tử trừ bộ vi xử lý và bộ điều khiển trị giá 24,61 tỷ RM, các bộ phận, phụ tùng của máy xử lý dữ liệu tự động trị giá 6,3 tỷ RM, các mạch tích hợp điện tử như bộ xử lý và bộ điều khiển trị giá 3,88 tỷ RM. Điển hình nhất chính là việc xuất khẩu các sản phẩm điện, điện tử của Malaysia tới các nước ASEAN những năm gần đây: năm 2014, xuất khẩu các sản phẩm điện, điện tử tới Singapore đạt giá trị 36,53 tỷ RM (chiếm 33,6% tổng giá trị xuất khẩu tới nước này); năm 2015, trong tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm điện, điện tử tới ASEAN 67,3 tỷ thì Singapore chiếm 63,1%, Thái Lan chiếm 22,8% với tốc độ tăng trưởng của mặt hàng này tới 2 nước lần lượt là 16,3% và 14,7%; cùng trong năm này, xuất khẩu các sản phẩm loại này sang các nước như Philippines, Brunei, Myanmar cũng có mức tăng trưởng cao, lần lượt là các mức 23,2%, 18,1% và 13,1%.

Cùng với ngành điện, điện tử trong công nghiệp chế tạo, dầu cọ cũng được coi là 1 trong 12 NKEA nằm trong ETP của Malaysia trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế nói chung, AEC nói riêng. Là một trong 2 nước (cùng với Indonesia) sản xuất và xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, Malaysia đã xác định cọ dầu là một cây công nghiệp chủ lực trong ngành nông nghiệp nước này. Theo nhận định của Malaysia, dầu cọ luôn giữ mức giá cả quốc tế cao và giữ mức cầu khá ổn định ở cả hai khu vực sản xuất thực phẩm và phi thực phẩm. Chính vì vậy, trong suốt thời gian qua đã có sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng đối với một số cây công nghiệp chủ lực của nước này. Trong đó, Malaysia đã hướng tới đầu tư tập trung đối với cây cọ dầu. Diện tích cây cọ dầu đã tăng nhanh, trong đó kể từ khi thực hiện Kế hoạch tổng thể AEC 2007-2015, diện tích trồng cây cọ dầu đã tăng từ mức 4,305 triệu ha 2007 lên 5,392 triệu ha năm 2014. Giá trị gia tăng mà cây cọ dầu đóng góp cho ngành nông nghiệp đã tăng từ mức 5.860 triệu RM năm 2000 lên 7.915 triệu RM năm 2005 và đạt mức rất cao 32.477 triệu RM năm 2015. Trong đó, giá trị sản lượng của cây cọ dầu đã tăng nhanh trong thời kỳ Malaysia thực hiện NEM, năm 2010, giá trị sản lượng của ngành đạt mức 34.699 triệu RM và năm 2015 đạt mức 47.162 triệu KM. Dưới góc độ hội nhập trong AEC, ngành dầu cọ cũng ưu tiên mở rộng diện tích đất trồng trong các đồn điền ở Indonesia do công ty đồn điền Malaysia sở hữu. Bên cạnh đó, nhập khẩu các sản phẩm dầu cọ và các sản phẩm từ cây cọ dầu của Malaysia từ Indonesia cũng được mở rộng trong những năm gần đây: năm 2014 trị giá nhập khẩu mặt hàng này đạt 2,19 tỷ RM, năm 2015 mức nhập khẩu đã đạt 4,34 tỷ RM. Đặc biệt, Malaysia đẩy mạnh quảng bá mặt hàng dầu cọ và các chế phẩm phục vụ cho tiêu dùng trong khu vực ASEAN. Kể từ đó đến nay, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ sang các nước ASEAN đạt mức tăng trưởng khá nhanh (Xem Bảng 2).

Bảng 2. Xuất khẩu dầu cọ của Malaysia tớỉ 4 nước ASEAN trong giai đoạn 2010-2016 (đơn vị: triệu RM)

2010 2011 2012 2014 2016
Philippines 578 1.793 931 1.283 1.665
Việt Nam 1.020 1.444 1.366 1.554 1.481
Singapore 1 306 1613 1.847 991 727
Myanmar 522 909 1.091 539 574
Tổng 3.426 5.759 5.235 4.367 4.445

Nguồn: Malaysia: Export of palm oil to major countries (www.data.gov.my)

Phát triển các ngành dịch vụ để có thể tham gia hội nhập AEC có hiệu quả: tài chính, du lịch, giáo dục, y tế. Trong thời kỳ phát triển mới, đặc biệt là thời kỳ hội nhập kinh tế sâu rộng trong các thể chế khác nhau, ETP trong NEM của Malaysia đặc biệt chú trọng đến phát triển các ngành dịch vụ. Có thể dễ dàng nhận thấy có đến 7 phân ngành của dịch vụ ở các mức độ khác nhau nằm trong 11 NKEA của ETP đó là dịch vụ tài chính, bán buôn, bán lẻ, du lịch, công nghệ thông tin, truyền thông, giáo dục, dịch vụ kinh doanh và chăm sóc sức khỏe tư nhân. Đối với dịch vụ tài chính, theo Malaysia, đó là phân ngành giữ vị trí nền tảng trong các nền kinh tế thu nhập cao và nước này mong muốn phát triển thành một trung tâm dịch vụ tài chính quốc tế và nguồn lực tăng trưởng đến từ dịch vụ kinh doanh trong nước và quốc tế. Trong đó, Malaysia tập trung vào việc hồi phục thị trường vốn, mở rộng, đa dạng hóa thị trường trái phiếu, chiếm vị trí trong ngành ngân hàng, phát triển các dịch vụ quản lý tài sản… Ngoài dịch vụ tài chính thì bán buôn, bán lẻ, du lịch, dịch vụ kinh doanh, truyền thông, giáo dục, chăm sóc sức khỏe là ngành dịch vụ được đặt trọng tâm phát triển trong NKEA. Trong đó, Malaysia đặt trọng tâm vào phát triển ngành du lịch theo hướng vừa tăng trưởng trong thu hút khách, vừa tăng năng suất của ngành, hướng tới việc nâng số tiền thu nhập từ dịch vụ đối với các khách hàng. Đối với dịch vụ kinh doanh, ETP cũng đặt mục tiêu là phân ngành dẫn dắt tăng trưởng hướng tới nước có thu nhập cao. Tương tự, giáo dục và chăm sóc sức khỏe cũng là những dịch vụ mà Malaysia kỳ vọng có thể trở thành nơi thu hút các khách hàng trong khu vực, trong đó khu vực tư nhân sẽ là lực lượng dẫn dắt tăng trưởng của các phân ngành này. Năm 2015, Malaysia tiếp tục đặt ưu tiên phát triển khu vực dịch vụ trong thời kỳ hội nhập với việc ra đời Kế hoạch Tổng thể Khu vực Dịch vụ (Service Sector Blueprint). Kế hoạch có 4 đòn bẩy chính sách đó là: quốc tế hóa các hoạt động, khuyến khích đầu tư, phát triển nguồn nhân lực và cải cách quản trị.

Trong hội nhập AEC, những ngành dịch vụ Malaysia khai thác lợi thế bao gồm du lịch, chăm sóc sức khỏe, tài chính, giáo dục… Các số liệu thống kê về thương mại dịch vụ nước này với các nước ASEAN những năm qua phản ánh phần nào xu hướng phát triển đó: năm 2015, tổng xuất khẩu dịch vụ của Malaysia đạt 135,1 tỷ RM, nhập khẩu dịch vụ là 156 tỷ RM. Trong đó, xuất khẩu dịch vụ của Malaysia tới ASEAN chiếm tỷ trọng cao nhất với 46,1%, tiếp đó là thị trường châu Á (ngoài ASEAN) chiếm 22,9%, châu Mỹ 13,5%, châu Âu 12,5% và ở chiều ngược lại, nhập khẩu dịch vụ lớn nhất của Malaysia cũng từ ASEAN với tỷ trọng 36,3%. Năm 2016, xuất, nhập khẩu dịch vụ của Malaysia lần lượt đạt các mức 146,3 và 165,4 tỷ RM. Trong đó, Singapore là đối tác đứng đầu cả về xuất khẩu của Malaysia, ở mức 46,7 tỷ RM (chiếm tỷ trọng 31,9%) và nhập khẩu từ Singapore là 31,9 tỷ RM (19,3%). Bên cạnh đó, Indonesia là điểm đến lớn thứ 3 của xuất khẩu dịch vụ Malaysia với 10,5 tỷ RM (7,2%) và Thái Lan là nước Malaysia nhập khẩu dịch vụ từ nước này đứng thứ 5 với trị giá 8,7 tỷ RM (5,3%). Trong số các phân ngành dịch vụ thì du lịch là phân ngành Malaysia luôn đạt thặng dư xuất khẩu và đối tác chủ yếu là từ các nước ASEAN. Nếu như năm 2009, Malaysia thu hút 23,66 triệu khách du lịch thì khách du lịch từ ASEAN đạt 18,39 triệu, chiếm 77,7% thì năm 2016, số khách du lịch tới nước này đạt 26,8 triệu, trong đó có 20,3 triệu khách từ ASEAN, chiếm 75,7%. Ngoài ra, Malaysia cũng là điểm đến ưa thích của các khách hàng ASEAN trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe những năm gần đây nhờ phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân đồng thời cũng thu hút một số lượng tương đối lớn sinh viên Đông Nam Á trong các cơ sở giáo dục đại học.

2. Thu hẹp một số ngành không có lợi thế khi hội nhập khu vực

Trong số các ngành mà Malaysia thu hẹp hoạt động sản xuất trong điều kiện hội nhập những năm gần đây chính là trồng và khai thác cây cao su trong lĩnh vực nông nghiệp. Các thống kê về hoạt động trồng và khai thác cao su tự nhiên cho thấy, Malaysia đã điều chỉnh mạnh theo hướng thu hẹp về diện tích đất trồng và do đó sản lượng cao su tự nhiên khai thác cũng giảm dần qua các năm. Nếu như năm 2005, diện tích đất trồng cây cao su của Malaysia là 1,3 triệu ha thì năm 2010, con số này giảm còn 1,015 triệu ha và năm 2015 chỉ còn 995,773 nghìn ha. Do đó, sản lượng sản xuất cao su đã giảm từ 939.241 tấn năm 2010 xuống còn 722.122 tấn năm 2015, tức là giảm 5,1% mỗi năm trong thời kỳ này. Sự chuyển đổi theo hướng giảm diện tích đất trồng cây cao su của Malaysia có thể là do tại khu vực Đông Nam Á, một số nước thành viên mới như Việt Nam và Campuchia đẩy mạnh trồng và phát triển cây cao su trong khi giá cả thị trường các sản phẩm này lại luôn biến động thất thường. Điều này lý giải giá cả các sản phẩm cao su lên xuống thất thường và là lý do để Malaysia giảm loại cây công nghiệp này. Thay vào đó, Malaysia lại gia tăng hoạt động nhập khẩu cao su từ các nước thành viên mới này để xuất khẩu lại sang nước thứ 3. Các số liệu sau cho thấy điều đó, nếu như năm 2010, Malaysia nhập khẩu 706.250 tấn đồng thời xuất khẩu 900.770 tấn và năm 2015, nhập khẩu là 957.300 tấn và xuất khẩu 706.501 tấn.

3. Những điều chỉnh trong chính sách nhằm mở rộng đầu tư nội khối

Đẩy mạnh đầu tư sang các nước ASEAN. Kể từ khi thực hiện kế hoạch tổng thể AEC 2007-2015, Malaysia đã có những chính sách và chiến lược nhằm tăng cường đầu tư sang các nước thành viên ASEAN nhằm tận dụng các ưu thế của tự do hóa thương mại, dịch vụ, đầu tư. Các doanh nghiệp Malaysia đang có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm tận dụng lợi thế từ Cộng dồng Kinh tế ASEAN. Đối với Malaysia, ngoài việc thúc đẩy cạnh tranh, tăng trưởng kinh tế, Cộng đồng Kinh tế ASEAN còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm, đặc biệt là cho các kỹ sư, kỹ thuật viên, các nhà phân tích tài chính, và các kỹ năng chuyên ngành khác, do các công ty ASEAN sẽ mở rộng hoạt động sang Malaysia và ngược lại. Do đó, hơn 1.000 công ty Malaysia có chỗ đứng trong ASEAN có thể mở rộng hoạt động hơn nữa trong một nền kinh tế khu vực hội nhập. Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Malaysia cho biết ít nhất 8.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này là các nguồn cung ứng và có hoạt động xuất khẩu sang các nước ASEAN khác.

Các số liệu thống kê đều cho thấy dòng FDI của Malaysia sang các nước thành viên ASEAN tăng lên nhanh trong thời kỳ 2008-2011 sau đó giảm trong các năm 2013-2014 và tăng lên trở lại 2 năm sau đó. Nếu như năm 2007, FDI của Malaysia sang ASEAN đạt 456 triệu USD thì năm 2008 đã tăng lên 3.527 triệu USD và đạt mức 3.999 triệu USD năm 2011. Sau khi FDI từ nước này sang ASEAN giảm trong hai năm 2013-2014 xuống còn 1,17 tỷ và 1,38 tỷ USD thì năm 2015 đã tăng 3,5 tỷ USD và theo tính toán sơ bộ đạt mức cao nhất cả thời kỳ vào năm 2016 với 5,25 tỷ USD. Về điểm đến của FDI của Malaysia trong ASEAN trong giai đoạn 2012-2016 thì Singapore vẫn là nước thu hút nhiều nhất và cũng khá đều đặn, tiếp đó phải kể đến Việt nam ở mức cao và vào Campuchia không cao nhưng khá đều. Trong khi đó, FDI của nước này vào hai nước Indonesia và Thái Lan lại trái ngược nhau trong thời kỳ 2012-2016 theo từng giai đoạn: trong 2 năm 2012-2013, FDI của Malaysia vào Indonesia giảm thì vào Thái Lan lại tăng và ngược lại cho 3 năm 2014- 2016. (Xem Bảng 3).

Bảng 3. FDI của Malaysia vào các nước ASEAN giai đoạn 2012-2016 (Đơn vị: triệu USD)

2012 2013 2014 2015 2016
Brunei 5,18 -46,13 92,25 37,52 6,70
Campuchia 189,88 97,88 85,21 121,55 124,80
Indonesia -508,20 -656,32 754,91 329,62 839,86
Lào 0,00 0,00 3,74 12,36 11,66
Myanmar 0,1 4,00 0,00 3,88 46,17
Philippines -38,24 99,78 -60,86 -1,36 44,26
Singapore 3.635,30 1.150,00 593,10 1736,10 3.711,70
Thái Lan 500,52 467,67 -246,28 -21,46 -9,15
Việt Nam 122,07 59,39 163,75 1285,01 472,53
Tổng 3.906,62 1.176,27 1.385,83 3.503,23 5.248,49

Nguồn: ASEAN Secretariat, ASEAN FDI Database as of 31 october 2017

Cơ cấu đầu tư của Malaysia sang các nước ASEAN luôn biến động trong thời kỳ 2012-2016. Trong đó, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản là ổn định hơn cả với khối lượng trung bình hơn 1 tỷ USD cho hai năm 2014 và 2015 đạt cao nhất lần lượt là 1,688 tỷ và 1,432 tỷ USD. Đầu tư vào lĩnh vực tài chính và bảo hiểm đạt mức cao trong hai năm 2012 và 2016 với số vốn lần lượt là 1,98 tỷ và 4,166 tỷ USD trong khi 3 năm 2013-2015 lại giảm. Trong khi đó, đầu tư vào công nghiệp chế tạo trong khu vực ASEAN tăng trong 4 năm 2012- 2015 với mức cao là 977 triệu năm 2012 và 955,8 triệu năm 2015, 2 năm 20013- 2014 chỉ ở mức hơn 300 triệu còn năm 2016 lại giảm 977,78 triệu USD. Ngoài ra, FDI của Malaysia cũng phát triển trong các ngành thông tin, truyền thông, nông nghiệp, xây dựng.

Những điều chỉnh chính sách nhằm thu hút FDI từ các nước thành viên và từ các nước phát triển. Cùng với việc mở rộng các hoạt động hợp tác đầu tư sang các nước ASEAN kể từ năm 2009, Malaysia cũng chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện tự do hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Việc thành lập Permudah cùng các ETP và NEM như trình bày ở trên đã phản ánh những nỗ lực của chính phủ cho thời kỳ phát triển này. Đáng chú ý, Malaysia đã chuẩn bị cho khu vực tư nhân một môi trường hỗ trợ để điều chỉnh và tăng trưởng, ứng phó với các thách thức và hưởng lợi ích từ liên kết và hội nhập kinh tế sâu sắc hơn trong khu vực. Thông qua khuyến khích khu vực tư nhân, theo quan điểm của chính phủ nước này, AEC góp phần tạo ra một thị trường khu vực hội nhập mang lại nhiều tiềm năng về cơ hội việc làm, hấp dẫn về kinh tế lớn hơn đối với FDI và vì vậy có nhiều không gian để phát triển. Triển khai các chương trình nêu trên cũng xuất phát từ ý tưởng, đó là việc hưởng lợi ích của hội nhập kinh tế có cơ hội lớn hơn nếu các chính sách quốc gia và các sáng kiến hội nhập ASEAN đồng thuận. Từ những thực tế trên, FDI vào Malaysia đã tăng lên trong những năm 2011-2016, kể cả FDI từ bên ngoài và FDI từ các nước thành viên ASEAN. Nếu như năm 2010, tổng FDI vào Malaysia đạt 9.156 triệu USD thì năm 2011 và 2013 đều vượt 12.000 triệu USD. Trong đó, FDI từ các nước ASEAN đã tăng từ 525 triệu USD năm 2010 lên 2.814 triệu USD năm 2013 và 2.931 triệu USD năm 2015. Sự gia tăng FDI trong nội bộ ASEAN phản ánh làn sóng đầu tư nội bộ khu vực mới cũng như sự gia tăng lợi ích của các hãng của ASEAN trong việc đầu tư và mở rộng ở khu vực, nhất là tham gia vào chuỗi giá trị. (Xem Bảng 4).

Trong số các nước ASEAN đầu tư vào Malaysia thì Singapore đứng đầu và chiếm tỷ trọng lớn trong các hoạt động FDI của ASEAN tại nước này, tiếp đó là Thái Lan và Indonesia với giá trị đầu tư nhỏ hơn nhiều so với Singapore và lại khá thất thường.

Bảng 4. Tổng FDI của thế giới và các nước ASEAN vào Malaysia 2010-2016 (Đơn vị: triệu USD)

2010 2011 2013 2015 2016
Tổng FDI 9.156 12.001 12.107 10.180 11329
FDI từ ASEAN Trong đó: 525 2.664 2.150 2.931 2.065
Từ Singapore 457 2.057 1.752 2.055 1.696
Từ Thái Lan -141 371 240 122 386
Từ Indonesia 110 41 54 -12 38

Nguồn: ASEAN Sectretariat – ASEAN FDI Database as of 31 October 2017

Một vài nhận xét thay cho kết luận

Xem xét những điều chỉnh chính sách thương mại và đầu tư của Malaysia với các nước thành viên ASEAN kể từ khi thực hiện kế hoạch tổng thể AEC 2007-2015 cho thấy, nước này đã có được sự chuẩn bị khá kỹ nhằm tận dụng các ưu thế của quá trình tự do hóa kinh tế khu vực. Trong lĩnh vực thương mại, dễ dàng nhận thấy, Malaysia đã đẩy mạnh thâm nhập thị trường ASEAN đối với các sản phẩm hàng hóa mà nước này có thế mạnh khi quá trình tự do hóa thương mại được mở rộng sang các nước thành viên chậm phát triển hơn. Các số liệu thống kê về xuất khẩu các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm khác thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Malaysia sang ASEAN kể từ năm 2007 tới nay đã phản ánh thực tế đó. Điểm đáng lưu ý là, trong số các sản phẩm cây công nghiệp thì dầu cọ đã được Malaysia tận dụng mở rộng thị trường sản xuất và xuất khẩu tốt hơn so với Indonesia nhờ lợi thế giá cả thế giới khi thực hiện ETP. Bên cạnh đó, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm cao su, một thế mạnh khác của các nước Đông Nam Á đã được nước này tính toán thu hẹp cho thấy Malaysia là nước đã có những kinh nghiệm khi thực hiện điều chỉnh chính sách trong sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm từ cây công nghiệp. Trong lĩnh vực dịch vụ, Malaysia cũng đã tận dụng khá tốt các lĩnh vực như dịch vụ tài chính, du lịch, chăm sóc sức khỏe, giáo dục… khi hội nhập khu vực gia tăng. Trong lĩnh vực đầu tư cũng vậy, Malaysia đã tập trung đầu tư nhằm nâng cao chuỗi giá trị và đưa nước này trở thành nơi thu hút FDI trong khu vực, đồng thời mở rộng các hoạt động đầu tư sang các nước thành viên mới.

Từ những phân tích ở trên cho thấy, Malaysia đã có những thành công nhất định trong điều chỉnh chính sách nhằm tận dụng những ưu thế của tự do hóa, góp phần giúp nước này duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế khu vực./.

(Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á số 3/2018).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here