Điện tái tạo vướng trở lực trong hành trình đóng góp vào an ninh năng lượng quốc gia

0
130
Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển năng lượng tái tạo.

Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển năng lượng tái tạo.

Là một nước có vị trí gần đường xích đạo với diện tích bờ biển gấp 3 lần đất liền nên Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió. Phát triển nguồn năng lượng tái tạo – điện sạch, làm giảm đáng kể tỷ lệ ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Hiện nay nhiều doanh nghiệp lớn trong nước đã đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án năng lượng tái tạo, nhằm tận dụng khai thác được nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có. Tuy nhiên, việc định hướng lộ trình phát triển hiện nay còn nhiều bất cập do chính sách vĩ mô còn nhiều hạn chế, khiến giới đầu tư vào mảng năng lượng sạch còn nhiều e dè.

Tiềm năng song hành với thử thách

Với tốc độ gió trung bình hàng năm lớn hơn 6m/s, ở độ cao trên 65m chiếm hơn 39% tổng diện tích, tương đương với tổng công suất 512 GW. Theo lộ trình phát triển, Việt Nam sẽ đưa vào vận hành 2 GW điện gió vào năm 2025 và 6 GW vào năm 2030. Giá mua điện gió hiện nay là 8,5 Uscent/kW, không quá hấp dẫn, phản ứng của thị trường thấy rõ điều này.

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hội Điện Gió Tỉnh Bình Thuận cho biết: “Sau 10 năm mới có 9 dự án đưa vào vận hành với tổng công suất 370 MW, so với mục tiêu trong Tổng sơ đồ VII là 800 MW vào năm 2020. Tổng công suất lắp đặt trên cả nước mới đạt khoảng 400 MW và chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào hoàn thành”. Đáng chú ý, việc thi công điện gió ngoài khơi thường rất phức tạp và bị kéo dài thêm thời gian so với dự kiến. Vì thế, các dự án đang thi công rất khó có thể hoàn thành để đưa vào vận hành trước mốc thời gian ngày 01/11/2021.

Do ảnh hưởng dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến sự phát triển của ngành công nghiệp điện gió thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đại dịch COVID-19 đã gây ra sự đứt đoạn chuỗi cung ứng sản xuất tạo ra bối cảnh khan hiếm hàng hóa về thiết bị tuốc-bin, máy biến tần, cánh quạt trên thị trường quốc tế.

Nhà đầu tư phát triển dự án điện gió, Ông Đặng Quốc Toản, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần dầu khí Á Châu, cho biết: “Trong thời điểm này, chúng tôi đang chịu áp lực phải mua tuốc-bin gió với giá cao, với số tiền đặt cọc lớn mà chỉ có thể được đơn hàng sau hơn 1 năm”. Ngoài ra, các nhà thầu EPC nước ngoài và nhà thầu phụ trong nước liên tục ép giá thi công lên chủ đầu tư các dự án điện gió vì thiếu nhiều thiết bị xây lắp, hầu hết phải thuê từ nước ngoài trong thời gian rất ngắn. Điều này làm cho nhiều dự án bị đội vốn, tăng chi phí hàng chục triệu USD, khiến cho việc hoàn thành mục tiêu đưa vào vận hành trước mốc thời gian 01/11/2021 theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg về ưu tiên phát triển điện gió là khó khả thi đối với doanh nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Huy – Phó trưởng văn phòng Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Ngoài những khó khăn trên thì doanh nghiệp điện gió cũng đang bị áp lực lớn về công tác giải phóng mặt bằng, không gian quy hoạch sử dụng đất, không gian biển, đấu nối, giải tỏa công suất.

Cần có cơ chế đặc thù

Đưa ra giải pháp giúp doanh nghiệp điện gió phát triển Tiến sĩ Huy cho biết: Nên duy trì giá FIT cho điện gió ở Việt Nam đến 31/12/2023, quyết định này sẽ mang lại tín hiệu tích cực cho thị trường điện gió trong nước và quốc tế, nhằm giảm suất đầu tư của nhà máy điện gió, tiết kiệm chi phí rất lớn cho toàn xã hội.

Trong dài hạn, Việt Nam nên thúc đẩy nhanh quá trình dịch chuyển chuỗi logistic, các cơ sở hậu cần, các nhà máy sản xuất tuốc-bin gió, công nghiệp phụ trợ cho phát triển điện gió dịch chuyển sang Việt Nam, tránh phụ thuộc vào thị trường nước ngoài vì như hiện nay do ảnh hưởng bởi dịch COVID -19, gây đứt chuỗi cung ứng khiến các dự án bị chậm tiến độ.

Đánh giá về thực trạng trên Tiến sĩ Dư Văn Toán – Viện nguyên cứu quản lý Biển và Hải Đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) cho biết: Để giúp ngành công nghiệp năng lượng tái tạo Việt Nam phát triển bền vững, cần có lộ trình quy hoạch và định hướng chiến lược dài hạn cụ thể. Thực hiện triển khai quy hoạch phát triển điện lực song hành giữa nguồn phát và hệ thống truyền tải là yếu tố quan trọng để đảm bảo tối ưu hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ tài chính đối với các dự án năng lượng tái tạo vì lãi suất vay các ngân hàng trong nước đang ở mức khá cao 11 – 12%, dẫn đến tỷ suất đầu tư cao khiến cho hiệu quả kinh tế thấp.

Nhiều chuyên gia cho rằng, điện gió đang phát triển dưới mức qui hoạch điện VII, cần ưu tiên, khuyến khích. Đặc biệt các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, quy định tiêu chuẩn kỹ thuật để có thể triển khai các dự án điện gió ngoài khơi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp mong muốn, Nhà nước cần ban hành sớm Luật năng lượng tái tạo để hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư có kế hoạch xây dựng và phát triển bền vững./.

Tống Thoan

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here