Một số mặt hàng nhập khẩu vào Vương quốc Anh và Bắc Ireland theo UKVFTA không cần giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật là trái cây và rau quả đã được chế biến và đóng gói như: salad, bánh mỳ, nguyên liệu đông lạnh, sản phẩm tổng hợp bơ hạt…
Ngày 9/11, Văn phòng Điều phối Nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp với Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (viết tắt là Văn phòng SPS Việt Nam) tổ chức Diễn đàn tuyên truyền, thực thi cam kết về SPS trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA).
Diễn đàn nhằm phổ biến, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý ở địa phương thích ứng nhanh các quy định về SPS của thị trường nhập khẩu nông sản, thủy sản.
Đến nay, Việt Nam đã tham gia 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA); trong đó, có 16 FTA đã chính thức ký kết. Trong số 16 FTA, có nhiều hiệp định được cho là FTA thế hệ mới vì trong các hiệp định này có nhiều cam kết gồm các quy định về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh động thực vật trong thương mại nông sản, cũng như cam kết các vấn đề về hài lòng hóa các tiêu chuẩn, quy định giữa các quốc gia khi tham gia hiệp định.
Đặc biệt là những cam kết mới trong hiệp định UKVFTA như: giảm phát thải khí nhà kính, các cam kết về sử dụng lao động… Gần đây, Việt Nam tham gia Hiệp định RCEP giữa các nước thuộc khối ASEAN với 5 nước: Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, New Zealand, Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã ký các thỏa thuận, nghị định thư với thị trường Trung Quốc với nhiều điều khoản đòi hỏi bắt buộc các doanh nghiệp phải thích ứng.
Trước yêu cầu nâng cao chất lượng xuất khẩu nông sản cũng như phát triển các vùng trọng điểm về xuất khẩu, Tiến sĩ Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, trong thời gian qua và trong tương lai, Văn phòng SPS Việt Nam sẽ phối hợp với Văn phòng điều phối Nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long cung cấp các thông tin, cập nhật các yêu cầu của thị trường đến các doanh nghiệp, hợp tác xã để kịp thời nắm được các quy định này.
Để các doanh nghiệp cơ quan đơn vị có liên quan hiểu rõ thực thi cam kết vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật trong Hiệp định UKVFTA, các chuyên gia đã thông tin về cam kết của Việt Nam về SPS trong UKVFTA, cập nhật thông báo dự thảo các biện pháp SPS; quản lý dịch hại tổng hợp IPM đối với cây ăn trái sau bệnh và giải pháp phòng ngừa sâu bệnh; các quy định của thị trường Anh đối với sản phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu từ Việt Nam…
Khi Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tham gia ký kết UKVFTA, đa số các điều khoản đều kế thừa của Hiệp định Việt Nam ký với Liên minh châu Âu (EU), chỉ có một số điều khoản khác biệt. Do đó, ông Nguyễn Quang Hiếu, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cung cấp làm rõ thêm các quy định của Vương quốc Anh và Bắc Ireland về kiểm dịch đối với hàng nhập khẩu nguồn gốc thực vật thì tất cả các lô hàng phải đáp ứng các yêu cầu không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Anh và Bắc Ireland và phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật (PC) cho hầu hết tất cả các loại cây và bộ phận sống của cây bao gồm tất cả hạt giống để trồng.
Một số mặt hàng không cần giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật là trái cây và rau quả đã được chế biến và đóng gói như: salad, bánh mỳ, nguyên liệu đông lạnh, sản phẩm tổng hợp bơ hạt hoặc hạt có chứa trái cây hoặc rau quả đã chế biến.
Tại diễn đàn bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Viện Cây ăn quả miền Nam cũng hướng dẫn nông dân phát hiện và quản lý các dịch hại tổng hợp trên cây ăn quả bằng phương pháp IPM ở một số cây trồng (cam, xoài, bưởi) sẽ đi vào thị trường châu Âu, Vương quốc Anh.
Theo bà Trần Thị Mỹ Hạnh, đối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long điều kiện khí hậu nhiệt độ thuận lợi cho côn trùng, sâu bệnh, dịch hại phát triển. Trong khi đó, theo danh mục thuốc bảo vệ thực vật có khoảng 1.300 hoạt chất với trên 3.000 tên thương mại khác nhau khiến nông dân rất khó lựa chọn thuốc bảo vệ thực vật. Nếu nông dân không biết chọn thuốc sẽ làm cây suy yếu, giảm ra hoa, đậu trái, không đem lại hiệu quả.
Vì thế, tùy từng địa phương, từng đối tượng kiểm dịch thực vật sẽ lọc ra các biện pháp quản lý phù hợp. Đối với quản lý dịch hại tổng hợp sẽ bao gồm các giải pháp quản lý từ giống, canh tác, biện pháp sinh học và hóa học… Nếu được hướng dẫn, nông dân sẽ biết cách phòng trừ bệnh đúng cách và không để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản. Từ đó, không bị vi phạm các yêu cầu của nước nhập khẩu nông sản. Nếu áp dụng đúng thì nông sản sẽ bán được nhiều thị trường.
Cũng tại diễn đàn, đại diện các cơ quan chuyên môn cũng cung cấp thông tin về quy định nhập khẩu thủy sản của một số thị trường trọng điểm và những điều cần lưu ý như việc đăng ký sản phẩm thủy sản theo Quy định 248, 249 của thị trường Trung Quốc; các quy trình thủ tục đăng ký xuất khẩu hoặc các vấn đề liên quan đến thị trường EU, Hoa Kỳ…
Bên cạnh đó, cũng cung cấp thông tin đến các doanh nghiệp, hợp tác xã làm thế nào để nâng cao vùng trồng, chất lượng đáp ứng an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh đối với sản phẩm có nguồn gốc thực vật để xuất khẩu. Đồng thời, cập nhật kịp thời các thông tin mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của các thị trường trọng điểm đến các doanh nghiệp, hợp tác xã.
Trần Liễu