Diễn đàn cấp cao tài chính “Thay đổi và ước mơ” (20/11-1/12/2019, Thượng Hải)

0
114
(ảnh minh hoạ)

Từ ngày 30/11-01/12/2019, mạng Phượng Hoàng (Hồng Công) kết hợp với Học viện Tài chính cao cấp Thượng Hải thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải tổ chức Diễn đàn cấp cao tài chính “Thay đổi và ước mơ”, ông Long Vĩnh Đồ, nhà đàm phán chính gia nhập WTO của Trung Quốc, nguyên Thứ trưởng Bộ Kinh tế đối ngoại Trung Quốc đã tham dự và phát biểu tại Diễn đàn.

Ông Long Vĩnh Đồ cho rằng trong những năm qua, ông có kinh nghiệm trong các cuộc đàm phán WTO và thấy rằng trong lĩnh vực thương mại quốc tế ngày nay, ai nhập khẩu nhiều hơn sẽ là ông chủ. Người Mỹ từ lâu đã thống trị thị trường thương mại quốc tế vì Mỹ là nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới. Giờ đây, Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu của một cường quốc thương mại. Năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu 1.870 tỷ USD, tức là ít hơn Mỹ 300 tỷ USD. Chỉ cần tích cực tăng nhập khẩu, mấy năm tới Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, trở thành nước nhập khẩu lớn nhất toàn cầu. Chỉ khi vượt Mỹ về nhập khẩu, Trung Quốc mới có thể trở thành cường quốc thương mại thế giới thực sự.

Ông Long Vĩnh Đồ cho rằng nhiều người vẫn có tư duy chính sách thương mại vài chục năm trước. Khi đó, chính sách thương mại của Trung Quốc gói gọn trong 4 từ: “xuất khẩu kiếm (ngoại) hối”. Nhiệm vụ của thương mại Trung Quốc luôn là ra sức xuất khẩu. Khái niệm này đã ăn sâu vào tâm trí của nhiều người, cho rằng xuất khẩu là tốt, nhập khẩu là thua thiệt. Theo ông, chính sách ngoại thương của Trung Quốc cần có sự điều chỉnh, đó là nên tập trung vào cả xuất khẩu và nhập khẩu, cần tích cực tăng nhập khẩu hơn nữa.

Khi Trung Quốc bước vào xã hội khá giả, hàng nhập khẩu đang trở nên quan trọng hơn đối với người Trung Quốc, vì phải đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người dân. Trung Quốc nên tham gia sâu hơn vào chuỗi ngành nghề toàn cầu. Năm 2018, 78% hàng nhập khẩu của Trung Quốc là sản phẩm trung gian, điều đó có nghĩa là một phần đáng kể các sản phẩm nhập khẩu được sử dụng để nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của ngành chế tạo Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc xuất khẩu sản phẩm trung gian chỉ chiếm 50%. Trung Quốc phải tích cực tăng nhập khẩu để ngành chế tạo có thêm nguyên liệu và linh kiện từ bên ngoài, từ đó giảm chi phí, nâng khả năng cạnh tranh và nâng cao chất lượng. Đây là mắt xích rất quan trọng đối với sự chuyển đổi ngành chế tạo của Trung Quốc.

(Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here