Điểm sáng bức tranh lợi nhuận ngân hàng Việt

0
99
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

25 ngân hàng thương mại cổ phần đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2019, trong kỳ tài chính này, không còn ngân hàng nào phải báo lỗ như cùng kỳ năm ngoái.

Khác với quý 2/2018 vẫn còn MSB và Saigonbank ghi lỗ thì cả 25 ngân hàng đã công bố kết quả trong kỳ quý 2 vừa qua đều ghi nhận lợi nhuận tốt, thậm chí tăng trưởng mạnh ở nhiều nhà băng.

Với 26.587 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế của cả 25 ngân hàng, mức tăng trưởng lợi nhuận của ngành đã đạt hơn 27% khi so sánh với cùng kỳ 2018.

Đạt lợi nhuận lớn nhất vẫn là những tên tuổi quen thuộc như Vietcombank, Techcombank, BIDV, MBB. Trong top 5 lợi nhuận quý 2 năm nay, Vietinbank đã trượt ra khỏi top 5 và nhường vị trí cho VPBank, ngân hàng này thậm chí còn vượt qua BIDV và MBB để trở thành nhà băng có lợi nhuận lớn thứ 3 trong quý.

Tuy nhiên tính lũy kế 6 tháng đầu năm, top 5 ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất vẫn là sự hiện diện của VCB, TCB, CTG, MBB và BIDV với tổng lợi nhuận trên 31.945 tỷ đồng, chiếm hơn 60% tổng lợi nhuận của 25 ngân hàng.

Tổng giá trị lợi nhuận của 25 ngân hàng trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 53.076 tỷ đồng, tăng trưởng 18,4% so với nửa đầu năm ngoái. Tuy vậy, không đồng nghĩa với việc ngân hàng nào cũng có mặt bằng lợi nhuận tăng trưởng tốt.

Thậm chí, ở top 5 đầu ngành còn phải ghi nhận sự sụt giảm lợi nhuận của BIDV với mức giảm 4%. Tại BIDV, thu nhập lãi thuần 6 tháng đạt 17.683 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,3% so với cùng kỳ. Sự sụt giảm lợi nhuận kỳ này chủ yếu đến từ việc ngân hàng tăng chi phí dự phòng rủi ro 6,8% so với cùng kỳ lên 10.710 tỷ đồng. Mức giảm lợi nhuận lớn nhất đến từ 4 nhà băng: Eximbank (-29,4%), Saigonbank (-20,7%), VietABank (-19,4%) và VietcapitalBank (-18%). Ngoài VietABank có mức giảm chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần giảm 15% trong kỳ thì các ngân hàng khác lại có nguyên do riêng cho sự sụt giảm lợi nhuận.

Đối với Eximbank, thu nhập lãi thuần tăng 10,6% cùng với việc được hoàn nhập dự phòng rủi ro tín dụng nhưng chi phí hoạt động lại tăng 11,5%. Ngoài ra, hoạt động góp vốn mua cổ phần chỉ mang lại lợi nhuận 4,1 tỷ trong kỳ này, trong khi 6 tháng đầu năm ngoái mang đóng góp tới hơn 521 tỷ.

Ở VietcapitalBank, hoạt động kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán đầu tư đều lần lượt có kết quả giảm 41% và 44% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động cũng tăng thêm 26% là những nguyên nhân khiến lợi nhuận trước thuế suy giảm.

Ở chiều ngược lại, MSB có mức tăng lớn nhất ngành khi lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 566,8 tỷ, tăng 192% so với cùng kỳ. Dù trong kỳ các hoạt động khác của nhà băng gồm kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư hay hoạt động khác đều sụt giảm tuy nhiên nhờ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm tới 51%, ở mức 258,8 tỷ đồng đã giúp lợi nhuận trước thuế tăng trưởng cao.

Nhìn chung, tăng trưởng dương về lợi nhuận vẫn là xu hướng chủ đạo của các nhà băng trong nửa đầu năm 2019 khi sự sụt giảm chỉ đến từ 8/25 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính.

Với kết quả đạt được, đã có 11 ngân hàng đạt trên 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm đã đề ra (loại trừ Eximbank do chưa chốt được kế hoạch vì chưa tổ chức được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019). Tuy nhiên áp lực sẽ nặng hơn đối với VietcapitalBank và NCB khi mức đạt kế hoạch trong nửa năm mới chỉ dưới 30%.

(Nguồn: vneconomy/Minh Vui)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here