Đại dịch Covid-19 có tác động ngày càng sâu đậm và toàn diện đối với Việt Nam, như học sinh nghỉ học, tạm dừng hoặc thu hẹp các hoạt động lễ hội, tụ tập đông người; sự tăng giá một số vật tư y tế; suy giảm hoạt động du lịch, vận tải, bán lẻ, ngoại thương, đầu tư, và cả tài chính – ngân hàng. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) cũng giảm sút, trong khi nhiệm vụ chi đột xuất cho chống dịch bệnh này ngày càng tăng lên. Đặc biệt, làm đứt gãy và gián đoạn một số chuỗi cung ứng đầu vào và tiêu thụ đầu ra của một số mặt hàng, ngành chủ lực của Việt Nam đang chịu phụ thuộc cao vào thị trường bên ngoài.
Khó khăn hơn so với cùng kỳ nhiều năm
Trong quý I/2020 so với cùng kỳ năm trước, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tăng 3,82%, thấp hơn dự kiến và thấp nhất trong nhiều năm qua; trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,12%; Sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định; khai thác dầu thô giảm mạnh; Khu vực dịch vụ tăng 3,27%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản suy giảm do gặp nhiều khó khăn từ dịch tả lợn châu Phi; hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long; dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát và dịch Covid-19.
Khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; trong quý I/2020 cả nước có 29,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,4% về số doanh nghiệp, giảm 6,4% về vốn đăng ký và giảm 23,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Có 14,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1,6% so với quý I/2019. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 903,8 nghìn tỷ đồng, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 18,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 26%; doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 12,2 nghìn doanh nghiệp, giảm 20,6%; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 4,1 nghìn doanh nghiệp, tương đương với cùng kỳ năm trước. Tổng cộng, trong 3 tháng đầu năm, cả nước đã có tới gần 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường – con số kỷ lục từ trước đến nay. Lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
Số lượng du khách quốc tế giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.
Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,51% (cùng kỳ năm 2019 tăng 1,72%); tín dụng của nền kinh tế tăng 0,68% (cùng kỳ năm trước tăng 1,9%), cho thấy các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán giảm 65% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 23/3/2020, chỉ số VNIndex đạt 657,43 điểm, giảm 25,5% so với cuối tháng trước và giảm 31,6% so với cuối năm 2019; mức vốn hóa thị trường đạt 3.302 nghìn tỷ đồng, giảm 24,7% so với cuối năm 2019; giá trị giao dịch bình quân từ đầu năm đến nay đạt 4.676 tỷ đồng/phiên, tăng 0,04% so với bình quân năm 2019. Trên thị trường trái phiếu, hiện có 483 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt 1.163 nghìn tỷ đồng, giảm 0,8% so với cuối năm 2019. Trên thị trường chứng khoán phái sinh, tính chung quý I/2020, khối lượng giao dịch bình quân đạt 122.436 hợp đồng/phiên, tăng 38% so với bình quân năm trước.
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2020 đạt mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước quý I/2020 đạt mức tăng khá 13,2% kế hoạch năm, mặc dù kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 cao hơn 18% so với năm 2019 và tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực phản ánh kết quả việc Chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2020 theo giá hiện hành ước tính đạt 367,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước và bằng 31% GDP.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/3/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 8,6 tỷ USD, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó dự án mới giảm 3,4% về số dự án và tăng 44,8% về số vốn đăng ký; số vốn tăng thêm giảm 18%; vốn góp và mua cổ phần giảm 65,6%.
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2020 ước tính đạt 311,3 nghìn tỷ đồng, bằng 20,6% dự toán năm; Tổng chi ngân sách Nhà nước ước bằng 15,9% dự toán năm.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I/2020 đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,7%; trong đó, xuất khẩu tăng 0,5%, nhập khẩu giảm 1,9%; xuất siêu đạt 2,8 tỷ USD. Có 14 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 72,9% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nhập siêu dịch vụ trong quý I/2020 là 930 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 335 triệu USD), bằng 27,8% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 và bình quân quý I/2020 so với cùng kỳ năm trước đều ở mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020; cụ thể: CPI bình quân quý I/2020 tăng 5,56% so với bình quân cùng kỳ năm 2019; CPI tháng 3/2020 tăng 0,34% so với tháng 12/2019 và tăng 4,87% so với cùng kỳ năm 2019. Lạm phát cơ bản bình quân quý I/2020 tăng 3,05% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Tỷ giá thương mại hàng hóa lần đầu tiên giảm trong 3 năm gần đây, phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài không được thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.
Chỉ số giá vàng tháng 3/2020 tăng tăng 11,37% so với tháng 12/2019 và tăng 25,31% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2020 tăng 0tăng 0,51% so với tháng 12/2019 và tăng 0,17% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong tháng Ba, cả nước có hơn 8,6 nghìn hộ thiếu đói, tương ứng với 36,3 nghìn nhân khẩu thiếu đói, gấp 9 lần số hộ thiếu đói, gấp 11 lần số nhân khẩu thiếu đói so với tháng trước và cùng gấp 5 lần số hộ và số nhân khẩu thiếu đói so với cùng kỳ năm trước. Quý I/2020, cả nước có 12,4 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 56,4% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 49,7 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 52,8%.
Nhìn chung, tình hình kinh tế-xã hội quý I-2020 là khó khăn hơn so với cùng kỳ nhiều năm qua, có nhiều chỉ số kinh tế đạt thấp hơn so cùng kỳ năm trước và phản ánh xu hướng khó khăn chung của các nước trên thế giới, gắn với đại// dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo Báo cáo Đông Á và Thái Bình Dương thời COVID-19 vừa được Ngân hàng Thế giới công bố chiều 31/3, nền kinh tế Việt Nam quý I/2020, mức tăng trưởng kinh tế 3,82% GDP, dù là mức thấp nhất trong 11 năm qua của Việt Nam, nhưng lại là con số cao nhất trong số các nước có được số liệu đến thời điểm này. Đây là kết quả hội tụ và tín hiệu tích cực phản ánh những nỗ lực chung cải thiện môi trường đầu tư từ năm 2019 và niềm tin thị trường, niềm tin đầu tư… Việt Nam đang được cộng đồng thế giới đánh giá cao cả về năng lực đối phó với đại dịch COVID-19 và nỗ lực duy trì động lực tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Đại dịch cũng là dịp người dân trải nghiệm và thêm tin tưởng vào năng lực lãnh đạo của Nhà nước, năng lực và trách nhiệm chuyên môn cao của ngành y tế nước nhà và ngày càng tin yêu hơn hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ.
Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ tài chính-tín dụng cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch, như miễn, giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ; giãn nộp thuế, tiền thuê đất và chậm nộp BHXH, cùng với các chính sách an sinh khác, với phương châm như Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Chống dịch như chống giăc”, “không để ại bị đói cơm, lạt muối vì dịch”; nhằm cả hai mục tiêu: chống dịch tốt để bảo vệ người dân, đồng thời duy trì ổn định kinh tế để sẵn sàng bứt phá khi dịch lắng xuống.
Đây cũng là thời điểm biểu đạt tình đoàn kết và trách nhiệm cộng đồng; mỗi doanh nghiệp và người dân cần chung sức, đồng lòng cùng Chính phủ nỗ lực vượt khó, đạt bằng được mục tiêu kép trên.
Triển vọng kinh tế và nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới
Hiện tại, Chính phủ chưa đặt vấn đề điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế-xã hội 2020; dù vậy, Tổng cục Thống kê cho rằng GDP cả năm 2020 tăng trưởng 5% đã là một thành công. Mới đây tổ chức Fitch Ratings (Fitch) thông báo về việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB và điều chỉnh triển vọng sang ổn định. Cơ sở Fitch điều chỉnh triển vọng tín nhiệm của Việt Nam từ tích cực sang ổn định phản ánh đánh giá của tổ chức này về tác động ngày càng lan rộng của đại dịch COVID-19 tới nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến điều kiện tín dụng trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, thông qua các kênh xuất khẩu, du lịch và sự giảm sút của tổng cầu.
Việc Fitch xác nhận giữ nguyên bậc tín nhiệm quốc gia ở mức BB phản ánh nhận định các điểm sáng về tín dụng của Việt Nam vẫn không bị ảnh hưởng, trong đó bao gồm tiềm năng phát triển vững chắc trong trung hạn, môi trường kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định. Gánh nặng nợ Chính phủ được kiểm soát ở mức thấp và khả năng tiếp cận nguồn tài chính đối ngoại thuận lợi hơn so với các quốc gia cùng nhóm xếp hạng. Fitch cũng dự báo đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ quay trở lại vào năm 2021, với mức tăng trưởng dự kiến là 7,3% do nhu cầu trong nước và nước ngoài dần hồi phục theo xu hướng toàn cầu và khu vực…
Trước mắt, tình hình kinh tế-xã hội sẽ còn nhiều khó khăn, gắn với kết quả ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 cả ở phạm vi quốc gia và quốc tế. Theo Tổng cục Thống kê, khoảng 42% số doanh nghiệp được khảo sát gặp khó khăn trong kinh doanh quý I/2020; và 25,9% số doanh nghiệp dự báo kinh doanh trong quý II/2020 sẽ khó khăn hơn quý I/2020.
Đặc biệt, một kết quả khảo sát nhanh của VCCI mới đây, tác động của đại dịch đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là rất nghiêm trọng. Gần 85% doanh nghiệp cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, gần 60% bị thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh. Có 40% cho biết thiếu nguyên liệu và 43% phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm. 82% cho rằng doanh thu năm 2020 của họ sẽ bị sụt giảm so với năm 2019, trong đó 30% doanh nghiệp dự báo có thể tụt giảm tới 30-50% và 22% sẽ tụt giảm trên 50%.
VCCI dự báo, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thì có tới gần 30% số doanh nghiệp được khảo sát chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm. Trên 75% số doanh nghiệp thì báo sẽ phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% số doanh nghiệp phải giảm quy mô lao động tới 50% so với hiện nay. Chỉ có chưa đầy 1% số doanh nghiệp gia tăng lao động. Hàng triệu lao động sẽ có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây, nhất là lao động kỹ năng còn thấp trong các ngành công nghiệp dệt may, da dày, điện tử … VCCI cho rằng cùng với các giải pháp ngắn hạn như tập trung phòng, chống dịch bệnh, cần hỗ trợ duy trì sản xuất kinh doanh bằng chính sách tài khoá, chính sách tín dụng, chính sách lao động, tiền lương và công đoàn, mà điển hình là đề nghị không điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2021….
Ngày 21/3, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn số 11809-CV/VPTW Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong đó Bộ Chính trị khẳng định: Dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, tác động toàn diện tới kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đời sống của nhân dân, có thể kéo dài, khó dự đoán chính xác thời gian kết thúc, tác động sâu, rộng tới sự phát triển kinh tế – xã hội trên toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và đời sống của người dân ở nhiều quốc gia. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cần tiếp tục tập trung phòng, chống dịch bệnh với tinh thần trách nhiệm cao nhất, kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát; đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, duy trì sản xuất, kinh doanh, chăm lo cho người dân, chủ động chuẩn bị các phương án phục hồi nền kinh tế. Động viên nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, trách nhiệm xã hội, cùng tham gia phòng, chống dịch, ủng hộ các lực lượng chức năng hoàn thành tốt nhiệm vụ, chia sẻ, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, những người lao động phải tạm ngừng việc, những người trong vùng dịch; phối hợp với các nước hỗ trợ kịp thời người Việt Nam ở nước ngoài. bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống của nhân dân… Thực hiện tốt các hoạt động đối ngoại, ngoại giao, đặc biệt là các hoạt động ngoại giao của ASEAN. Thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác phòng, chống dịch bệnh; thông tin kịp thời, thường xuyên để các nước hiểu được chủ trương, chính sách của ta trong quá trình phòng, chống dịch bệnh….
Về những giải pháp tiếp tục quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19, theo tinh thần Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 và Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020, Chính phủ đề nghị huy động mạnh mẽ hơn nữa sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của nhân dân cả nước để thực hiện thành công nhiệm vụ kép: “Vừa chống dịch, kiên quyết không để lây lan, vừa đảm bảo các mục tiêu kinh tế – xã hội đã đề ra”; tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách cho 4 nội dung: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch COVID-19, chuẩn bị tốt các điều kiện để phát triển trong thời gian tới, với những trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các giải pháp hạn chế tụ tập đông người, cách ly nghiêm ngặt đối với người từ vùng dịch hoặc qua vùng dịch về Việt Nam; tạm dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ như bán lẻ, du lịch, nhà hàng, vận tải hành khách… Phải sẵn sàng mọi điều kiện, bảo đảm ứng phó ngay lập tức với tình huống xấu nhất như lương thực, thực phẩm, bệnh viện dã chiến, lực lượng dự phòng, kể cả khả năng tình trạng khẩn cấp và cao hơn.
Thứ hai, các bộ, ngành liên quan tiếp tục chuẩn bị kịch bản đối phó với diễn biến kinh tế thế giới, không để bị động, bất ngờ; nâng cao năng lực phân tích, dự báo; theo dõi chặt chẽ biến động giá cả thị trường. Cải cách đổi mới, tạo nguồn lực đầu tư cho sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng đảm bảo ổn định lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng; cung ứng tín dụng đáp ứng yêu cầu sản xuất; cắt giảm lãi suất ngân hàng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đảm bảo an toàn hệ thống.
Từng bộ, ngành, địa phương phải tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi hơn nữa để thu hút và thực hiện giải ngân các dự án đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài; nếu có vướng mắc về thẩm quyền thì báo cáo với Thủ tướng Chính phủ không được để chậm trễ trong xử lý.
Tập trung giải quyết nguồn nguyên liệu thiếu hụt cho doanh nghiệp theo 4 hướng: Tiếp tục duy trì chuỗi cung ứng hiện có; tự cân đối trong nội bộ; tăng đa dạng hóa nguồn cung và tìm thị trường trong nước…
Các bộ, ngành khẩn trương đề xuất miễn, giảm giá, hoãn chậm nộp thuế, phí, lệ phí, trong đó có việc giảm thời gian nộp thuế doanh nghiệp, tiền thuê đất… ; thực hiện chống thất thu, nợ đọng thuế, bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch; giảm chi tiêu công và trang thiết bị đắt tiền, tiết kiệm tối đa, bảo đảm cân đối nguồn để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương theo Nghị quyết của Trung ương đi liền với sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh giản biên chế các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ ba, tiếp tục cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; xóa bỏ cơ chế “quyền anh, quyền tôi”, cơ chế xin cho.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sớm trình phương án tổng thể thúc đẩy xuất khẩu nông sản, giảm chi phí sản xuất nông nghiệp. Có phương án tăng cường chuỗi liên kết nhằm đẩy mạnh chế biến nông sản; trong đó tiếp tục đề xuất, nhất là giảm chi phí đầu vào cho nông nghiệp; đồng thời triển khai phòng, chống hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn; tích cực chuẩn bị đón mùa mưa. Tiếp tục chỉ đạo để gỡ bỏ thẻ vàng của EC với Việt Nam, “quyết liệt hơn nữa để xử lý dứt điểm vấn đề này”…
Đẩy nhanh tiến độ một số dự án trọng điểm như Dự án sân bay Long Thành và một số công trình dở dang do cơ chế mà chưa được thông qua. Các ngành giao thông, văn hóa, thể thao du lịch có biện pháp cụ thể hỗ trợ, giảm kinh phí và lệ phí vận chuyển để thúc đẩy tăng trưởng dịch vụ hàng không. Đẩy mạnh quảng bá xúc tiến nhất là một số thị trường mới như EU, Canada.
Thứ tư, hỗ trợ các biện pháp cung ứng lao động, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động do dịch bệnh; tạm dừng cấp phép lao động mới cho lao động nước ngoài đến từ các vùng có dịch trong thời gian Việt Nam công bố dịch.
Ngành Giáo dục và Đào tạo cần có chủ trương hướng dẫn, kiểm soát các giải pháp để học sinh đi học trở lại; thực hiện tốt việc khử trùng lớp học, trường học.
Thứ năm, tăng cường áp dụng công nghệ, nhất là thanh toán điện tử, dịch vụ công để góp phần chống dịch bệnh. Truyền thông phải làm tốt việc tạo niềm tin cho nhân dân, tôn vinh những tấm gương trong phòng, chống dịch COVID-19. Bộ Công an xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về thông tin, truyền thông.
Ngân hàng Nhà nước và nhiều ngân hàng thương mại, cùng các bộ ngành chức năng Việt Nam đã và đang có nhiều động thái khá kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân về tín dụng và tài chính, nhất là về giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ và giảm chi phí tài chính, tiền thuê đất…
Các bộ, ngành hữu quan đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Về nội dung hỗ trợ, gồm: Hỗ trợ cho các đối tượng là người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, với dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là 6.470 tỷ đồng, tổng số người được hỗ trợ 4,315 triệu người. Hỗ trợ các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là 6.730 tỷ, tổng số hộ được hỗ trợ 2.244.000 hộ. Hỗ trợ người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp, với dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là 5.400 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ 1 triệu lao động. Người sử dụng lao động được vay Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng và có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động, với dự kiến số tiền cho vay là 16.200 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ 3 triệu lao động. Hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, với dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là 2.280 tỷ đồng, tổng số hộ kinh doanh cá thể được hỗ trợ 760 ngàn hộ) Hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm, với dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là 15.000 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ là 5 triệu lao động.
Ngoài ra, người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian tối đa không quá 12 tháng khi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 50% số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội trở lên (kể cả lao động ngừng việc). Dự kiến số tiền được tạm dừng khoảng 6.500 tỷ đồng. Cho phép người sử dụng lao động được hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động theo quy định của Luật Việc làm. Thời gian hỗ trợ tối đa là 03 tháng, mức hỗ trợ tối đa là 1.000.000 đồng/người/tháng. Dự kiến số tiền được hỗ trợ là 3.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 27/3, Thủ tướng nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Phải nâng gói hỗ trợ của các đơn vị được báo cáo nhiều hơn, “số hiện nay còn quá ít”. Phải làm sao nhân dịp này tái cơ cấu lại doanh nghiệp và nền kinh tế, tái cơ cấu thị trường, tổ chức lại sản xuất, đào tạo… Chúng ta lo phát triển sản xuất và phải lo cả đời sống nhân dân, làm sao bảo đảm cung cấp đầy đủ hàng hóa cho người dân trong lúc diễn ra dịch và sau dịch…
Đây là một chủ trương tỉnh táo, đúng đắn quyết đoán, mang tầm chiến lược, bắt kịp xu hướng chung thế giới, đáp ứng trúng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của cộng đống doanh nghiệp, người dân Việt Nam; do đó, cần sớm được hiện thực hóa một cách nghiêm túc, khoa học và hiệu quả nhất, không được trục lợi và tham nhũng, như nghiêm lệnh của Thủ tướng Chính phủ…
TS. Nguyễn Minh Phong