Điểm danh những ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định VIFTA

0
11
Hiệp định VIFTA được kỳ vọng là "đòn bẩy" giúp tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Israel về đầu tư, thương mại dịch vụ, chuyển đổi số, công nghệ... (Nguồn: Công Thương)

VIFTA được kỳ vọng là “đòn bẩy” giúp tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước về đầu tư, thương mại dịch vụ, chuyển đổi số, công nghệ…

Sau 7 năm với 12 phiên đàm phán, ngày 25/7/2023, Việt Nam – Israel đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) và trở thành FTA thứ 16 giữa Việt Nam với các đối tác  toàn cầu.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Israel (VIFTA) là hiệp định toàn diện, bao trùm nhiều lĩnh vực mà Việt Nam và Israel cùng quan tâm như thương mại hàng hóa, dịch vụ – đầu tư, quy tắc xuất xứ, các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật, hải quan, mua sắm chính phủ…

Theo nội dung đàm phán trong VIFTA, một số mặt hàng nông sản như trứng gà, thịt, khoai tây, cà rốt, súp lơ, nấm, mật ong, cá ngừ… được Israel dành hạn ngạch thuế quan với thuế suất trong hạn ngạch là 0%. Các mặt hàng thời trang, giày dép gia công và thành phẩm thuộc nhóm HS từ 61-64 hầu hết đều được miễn thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực, trong khi các mặt hàng thời trang, giày dép thể thao hầu hết có lộ trình xoá bỏ thuế quan trong vòng 3-5 năm.

Đặc biệt, với việc đạt được các thỏa thuận tại tất cả các chương trong hiệp định, nhất là cam kết mạnh mẽ của hai bên về nâng cao tỉ lệ tự do hóa thương mại với tỉ lệ tự do hóa tổng thể đến cuối lộ trình cam kết của Israel là 92,7% số dòng thuế trong khi của Việt Nam là 85,8% số dòng thuế, hai bên kỳ vọng, thương mại hai chiều sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc, sớm đạt mức 3 tỷ USD và cao hơn nữa trong thời gian tới.

Ông Lê Thái Hòa, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Israel – tin tưởng, ngoài việc góp phần nâng cao kim ngạch trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều, VIFTA được kỳ vọng là “đòn bẩy” giúp tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước về đầu tư, thương mại dịch vụ, chuyển đổi số, công nghệ…

Đáng chú ý, ông Lê Thái Hòa cho biết, hiện nay, doanh nghiệp hai nước đang bày tỏ quan tâm tích cực tới việc Hiệp định VIFTA được đưa vào triển khai thực hiện, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng về mở cửa thị trường và đối với các hoạt động của doanh nghiệp cũng như điều kiện thuận lợi cho hàng hóa mỗi bên xâm nhập thị trường của nhau.

“Nhiều doanh nghiệp Israel ngày càng quan tâm tới việc hợp tác với thị trường và doanh nghiệp Việt Nam, tích cực sang Việt Nam để tìm kiếm các nguồn cung cấp hàng hóa” – ông Lê Thái Hòa thông tin và nhấn mạnh, hàng thủy sản, lương thực nông sản, giày dép, dệt may… sẽ là những ngành hàng tiềm năng để doanh nghiệp hai bên có thể tăng cường hợp tác đầu tư.

Theo số liệu thống kê mới nhất, trong 10 tháng năm 2024, thương mại hai chiều Việt Nam – Israel đạt 2,578 tỷ USD, tăng 12,92%; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Israel đạt 676 triệu USD, tăng 23,4% và nhập khẩu từ thị trường này đạt 1,902 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Việt Nam hiện có khoảng 70 mặt hàng xuất khẩu sang Israel như: Điện thoại và linh kiện; thủy sản; giày dép; hạt điều; hàng dệt may… Đáng chú ý, thủy hải sản là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang thị trường này và đã có chỗ đứng ổn định, được người tiêu dùng Israel đánh giá cao, ưa chuộng.

Thực tế, Israel là thị trường xuất khẩu thủy hải sản lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Tây Á (Trung Đông) và đứng thứ 16 trong danh sách hơn 100 thị trường xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2024.

Trong nhóm mặt hàng hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Israel, cá ngừ chiếm đa số. 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 56,7 triệu USD, tăng 55,4% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 6,91% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của cả nước. Tiếp đến là mặt hàng tôm đông lạnh, mực đông lạnh, cá tra…

Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) – nhìn nhận, lộ trình giảm thuế mà Hiệp định VIFTA đưa ra sẽ tạo thuận lợi lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Không chỉ tại thị trường Israel, dự kiến, VIFTA còn mở ra cơ hội hợp tác với khu vực Trung Đông đầy tiềm năng thông qua cửa ngõ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Ngoài thủy hải sản, điện thoại di động, giày dép các loại, hạt điều, hàng dệt may, cà phê… cũng là những lĩnh vực, ngành hàng tiềm năng mà doanh nghiệp trong nước có thể đẩy mạnh xuất khẩu, bởi, thị trường Israel đang đẩy mạnh việc tìm kiếm các nguồn cung thay thế cho nguồn bị đứt gãy từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Dự kiến, nếu tình hình thị trường không có biến động đột xuất, trao đổi thương mại song phương trong cả năm 2024 có thể đạt trên 3,10 tỷ USD và vượt mục tiêu 3,0 tỷ USD đặt ra tại Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ giữa hai nước tổ chức tại Hà Nội vào ngày 16/8/2023; trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt trên 850 triệu USD, ước tăng 34,71% so với năm 2023, và nhập khẩu từ Israel đạt khoảng 2,25 tỷ USD.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, cho biết, tuy tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam sang Israel chưa lớn như nhiều nước, nhưng hiệp định đi vào thực thi sẽ giúp cân bằng hơn cán cân thương mại song phương.

Israel là đối tác rất quan trọng của Việt Nam ở Trung Đông, là kênh giúp Việt Nam tiến vào khu vực. Vì thế, việc thực thi VIFTA không chỉ thể hiện ở những con số, mà còn là cơ hội cho những ngành mà Việt Nam hướng tới trong tương lai.

Dù vậy, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Do đó, trong tương lai, Hiệp định VIFTA sẽ tạo điều kiện tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch và nhiều hoạt động giao lưu khác.Souvenirs

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân tin tưởng, Hiệp định VIFTA sẽ là bệ phóng tăng cường trao đổi thương mại đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới. Đồng thời, VIFTA sẽ có vai trò là nền tảng quan trọng để tăng cường thương mại song phương, trao đổi hợp tác trong lĩnh vực hai nước có thế mạnh, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của hai nền kinh tế.

Hải An

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here