Dhaka và Bắc Kinh đang xem xét xây dựng khu vực mậu dịch tự do FTA

0
113

Trong hai ngày 20-21/6, Thứ trưởng Bộ Thương mại Bangladesh, ông Shafiqul Islam sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu gồm 6 thành viên tới Trung Quốc để bàn về tính khả thi của hiệp định song phương khu vực mậu dịch tự do (FTA). Sau hai lần trì hoãn, cuộc gặp đầu tiên về FTA lần này, hai nước sẽ bàn về các điều khoản liên quan và cấu trúc của báo cáo nghiên cứu khả thi FTA. Trung Quốc thể hiện sự quan tâm đến sự kiện này trong vai trò là nước chủ nhà. Đàm phán FTA đã có kế hoạch tổ chức vào tháng 12/2016 và cuối tháng 1/2018 song Bộ Thương mại Bangladesh không mấy mặn mà với việc này nên cuộc họp đã bị hoãn lại. Trước đó, trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Dhaka hồi tháng 10/2016, Bangladesh và Trung Quốc đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) về việc tiến hành nghiên cứu chung về tính khả thi việc ký thỏa thuận FTA. Một tháng trước khi ký MoU, Trung Quốc đã gửi thư cho Bangladesh đề nghị tiến hành nghiên cứu để xác định liệu FTA có thể được thiết lập hay không. Trung Quốc sẵn sàng cung cấp kinh phí cho việc nghiên cứu này.

Hiện khối lượng nhập khẩu từ Trung Quốc của Bangladesh là 9 tỷ USD trong khi khối lượng xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt 800 triệu USD. Do sự mất cân bằng thương mại lớn giữa hai nước nên các doanh nghiệp và các nhà kinh tế Bangladesh phản đối việc ký kết thỏa thuận FTA với Trung Quốc. Các quan chức thương mại cho biết: Bangladesh hiện thu được hơn 2,70 tỷ USD từ việc đánh thuế hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc nên họ sẽ mất đi khoản lợi nhuận lớn này một khi FTA được thiết lập. Trung Quốc hiện đang miễn thuế cho 4.886 mặt hàng từ các quốc gia kém phát triển do vậy Bangladesh cũng đang được hưởng lợi từ chính sánh này. Hầu hết các mặt hàng của Bangladesh xuất khẩu sang Trung Quốc đều được miễn thuế theo Thỏa thuận thương mại châu Á – Thái Bình Dương, ký kết năm 2010. Nền công nghiệp Bangladesh sẽ bị ảnh hưởng rất lớn nếu như FTA được ký với một quốc gia như Trung Quốc do các sản phẩm của Trung Quốc có giá cả thấp nên các mặt hàng nội địa khó mà cạnh tranh được./.

Tin từ ĐSQVN tại Bangladesh (theo The Financial Express 31/5)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here