Ngày 01/2/2021, các quan chức cho biết Bangladesh sẽ tham gia Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) sau khi Bộ trưởng Tài chính AHM Mustafa Kamal làm việc với Chủ tịch NDB Omarcos Troyjo hôm nay (02/2). Bangladesh đồng ý trở thành cổ đông của NDB, với ít nhất 1,0% cổ phần. Dhaka sẽ phải trả 382 triệu USD trong 7 năm tới để trở thành cổ đông của ngân hàng.
Một quan chức cho biết: “Chúng tôi đã quyết định tham gia vào ngân hàng này. Đây sẽ mở ra một cơ hội mới cho Bangladesh để nhận được nhiều khoản vay hơn cho công cuộc phát triển đất nước”.
NDB, hiện với 5 thành viên, đã chào bán cổ phiếu cho các nước thành viên Liên hợp quốc, bao gồm cả Bangladesh. Ngân hàng được thành lập vào tháng 7 năm 2015 với năm thành viên cốt lõi – Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi theo một thỏa thuận đạt được ở Brazil.
Vốn điều lệ ban đầu của ngân hàng là 100 tỷ USD được chia thành 1 triệu cổ phiếu, mỗi cổ phiếu có mệnh giá 100.000 USD. Vốn đăng ký ban đầu của NDB là 50 tỷ đô la được chia thành cổ phiếu góp (10 tỷ đô la) và cổ phiếu có thể thu hồi (40 tỷ đô la). Vốn đăng ký ban đầu của ngân hàng được chia đều cho các thành viên sáng lập. Thỏa thuận về NDB quy định rằng mọi thành viên sẽ có một phiếu biểu quyết và không ai có quyền phủ quyết.
Một quan chức khác của Bộ Tài chính cho biết việc tham gia NDB cũng sẽ thúc đẩy nỗ lực của Bangladesh trong tăng cường hợp tác Nam-Nam.
Năm 2016, Bangladesh gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc đứng đầu. AIIB đã và đang tài trợ cho nhiều dự án ở Bangladesh trong một số lĩnh vực như điện, giao thông, cấp nước và vệ sinh.
Sau khi độc lập năm 1971, nhiều nhà tài trợ đa phương và song phương, bao gồm Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Nhật Bản, Ngân hàng Phát triển Hồi giáo, UKAID và USAID đã và đang cung cấp các khoản vay và viện trợ không hoàn lại để phát triển cơ sở hạ tầng và giảm nạn đói tại Bangladesh.
Vào tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã mời Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina tham gia vào ngân hàng này. Việc mở rộng thành viên cũng đã được đưa ra trong Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của BRICS được tổ chức vào ngày 17/11/2020.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)