Đến nửa đầu tháng 7, cả nước xuất siêu 2,5 tỷ USD

0
71
Thông tin vừa được Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu (XK) cả nước trong 15 ngày đầu tháng 7 đạt 8,342 tỷ USD. Trong đó kim ngạch nhập khẩu đạt 9,221 tỷ USD. Cả nước nhập siêu 879 triệu USD trong nửa đầu tiên của tháng nhưng xuất siêu 2,5 tỷ USD tính từ đầu năm đến giữa tháng 7.
den nua dau thang 7 ca nuoc xuat sieu 25 ty usd
Ttính đến giữa tháng 7, cả nước xuất siêu 2,5 tỷ USD

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/7, tổng trị giá kim ngạch XK cả nước đạt gần 122,5 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu đạt gần 120 triệu USD. Có 3 nhóm hàng XK đạt trị giá kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên gồm điện thoại và linh kiện đạt 24 tỷ USD; dệt may đạt 14,9 tỷ USD; máy vi tính và kinh kiện đạt gần 14,4 tỷ USD.

Như vậy, sau nửa đầu tiên của tháng 7, mức xuất siêu của cả nước vẫn duy trì ở con số rất cao. Trước đó, trong kỳ 2 của tháng 6/2018, cả nước xuất siêu gần 870 triệu USD, đưa mức thặng dư trong 6 tháng đầu năm 2018 lên 3,37 tỷ USD. Đây là con số cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm gần đây. Xuất siêu ở mức cao là điều kiện để ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, đến hết 6 tháng đầu năm, kim ngạch XK sang 10 thị trường lớn nhất của Việt Nam (Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hông Kông, Ấn Độ, Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Áo) đạt 101,04 tỷ USD, chiếm 88% trong tổng giá trị XK của cả nước trong cùng thời điểm. Đặc biệt, kim ngạch XK sang 10 thị trường này đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường lớn nhất của Việt Nam với gần 21,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 19% trong tổng giá trị XK của cả nước.

Đối với lĩnh vực nhập khẩu, nửa đầu năm 2018, kim ngạch nhập khẩu từ 10 thị trường lớn nhất (EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Đài Loan, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Australia, Argentina) đạt 101 tỷ USD, chiếm gần 97% tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước.

Bộ Công Thương dự báo, kim ngạch XK cả năm 2018 có thể đạt 236,6 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017. Con số này có cơ hội đạt được bởi kim ngạch XK thường tăng cao hơn vào thời điểm cuối năm do quy luật thị trường. Tuy vậy, việc đạt mức XK bình quân 20,45 tỷ USD/tháng là một thách thức rất lớn trong bối cảnh thị trường thế giới còn nhiều biến động khó lường. Điều này đòi hỏi nỗ lực không chỉ của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành liên quan và cả cộng đồng doanh nghiệp.

Để hỗ trợ doanh nghiệp có điều kiện tăng kim ngạch, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, thời gian tới, ngành Công Thương sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ việc cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho XK. Bên cạnh đó, tuyên truyền, thông tin, nâng cao nhận thức của cộng đồng DN về các hiệp định thương mại tự do (FTA) để tận dụng những lợi thế, đồng thời duy trì và nâng cao chất lượng tham vấn DN trong quá trình đàm phán ký kết, sửa đổi, nâng cấp các FTA. Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng XK, tạo nguồn hàng XK theo hướng bám sát các quy định về xuất xứ hàng hóa để tận dụng được cơ hội ưu đãi thuế quan, mở cửa thị trường mà các FTA mang lại, đồng thời giảm áp lực nhập khẩu. Tiếp tục rà soát, đánh giá tác động của việc ký kết, thực thi các FTA đối với từng ngành để điều chỉnh chiến lược phát triển ngành cho phù hợp hơn…

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here