Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP (Nghị định 65) về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.
THỊ TRƯỜNG CHƯA KỊP THÍCH ỨNG
VCCI cho rằng các quy định tại Nghị định 65 được đánh giá hợp lý, khắc phục nhiều vấn đề bất cập so với Nghị định 153/2020/NĐ-CP; được xây dựng bảo đảm nguyên tắc thị trường, xử lý được vấn đề chênh lệch thông tin giữa doanh nghiệp phát hành và người mua trái phiếu.
Giới phân tích nhìn nhận về trung và dài hạn, thị trường trái phiếu sẽ bước sang một giai đoạn phát triển thực chất và bền vững hơn nhưng cần thời gian thích nghi và trước mắt, gây nhiều khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp.
Báo cáo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam cho thấy tính chung trong 11 tháng qua, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng giảm mạnh 60% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ cũng giảm 56%.
Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 163.974 tỷ đồng trái phiếu, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021.
Cùng với đó, trong nhiều thời điểm, nhiều nhà đầu tư hối thúc đòi tiền mua trái phiếu tại trụ sở nhiều doanh nghiệp phát hành, ngân hàng, bởi lo ngại rủi ro.
Dù vậy, giới phân tích cho rằng ở góc độ tích cực, việc mua lại trái phiếu trước hạn và chủ động tái cơ cấu nợ cũng là dấu hiệu tích cực cho vấn đề thanh khoản hiện nay đặc biệt đối với các doanh nghiệp có đủ tiềm lực tài chính và giảm thiểu gánh nặng nợ vay trong bối cảnh lãi suất tăng cao hiện nay; đồng thời, góp phần giảm đáng kể áp lực từ số dư trái phiếu sẽ đáo hạn còn lại tại thời điểm hiện nay.
Cũng theo VCCI, đây là thời điểm thị trường tài chính Việt Nam và toàn cầu có những biến động vĩ mô lớn, ảnh hưởng bất lợi đến việc huy động vốn cho sản xuất kinh doanh.
Do đó, việc sửa đổi các quy định về thời điểm có hiệu lực và quy định chuyển tiếp của Nghị định số 65 là cần thiết.
XẾP HẠNG “MỒI” TRONG NĂM 2023
Bình luận về việc giãn thời gian thực hiện quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng 1 năm, VCCI cho rằng cơ quan soạn thảo đã phân tích kỹ các tác động tích cực và tiêu cực của quy định này. Cơ quan soạn thảo cũng đưa ra giải pháp hạn chế tác động tiêu cực là tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cảnh báo rủi ro và tăng cường giám sát để kịp thời phát hiện vi phạm.
Đây là các biện pháp hợp lý và đề nghị cơ quan soạn thảo thực hiện tốt các biện pháp này trong năm 2023.
Thêm vào đó, VCCI đề nghị: “Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để quán triệt các ngân hàng thương mại khi môi giới bán trái phiếu thì cần tư vấn đầy đủ về rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân”.
Đối với việc giãn thời hạn thực hiện quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc, VCCI cho rằng cơ quan soạn thảo đã đề ra giải pháp sẽ tăng cường tuyên truyền về ích lợi của việc xếp hạng tín nhiệm và cấp phép bổ sung các đơn vị làm dịch vụ; đồng thời, nhận thức rõ xếp hạng tín nhiệm là cơ sở rất quan trọng để làm lành mạnh hoá thị trường, tăng cường lòng tin của thị trường, đưa thị trường trái phiếu Việt Nam tiệm cận với chuẩn mực quốc tế.
Do đó, VCCI cho rằng nếu áp dụng ngay lập tức quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc kể từ ngày 1/1/2023 sẽ gây nhiều khó khăn cho việc phát hành trái phiếu do các đơn vị cung cấp dịch vụ chưa đủ sức phục vụ một lượng lớn khách hàng như hiện nay.
Tuy nhiên, nếu lùi thời hạn áp dụng đến ngày 1/1/2024 thì có thể vẫn sẽ lặp lại tình trạng này nếu như trong năm 2023 không có đơn vị phát hành nào sử dụng dịch vụ.
Do đó, “để khắc phục mâu thuẫn này, cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án khoanh định riêng một số doanh nghiệp phát hành buộc phải có xếp hạng tín nhiệm trong năm 2023, sau đó đến năm 2024 mới áp dụng đại trà. Diện doanh nghiệp buộc phải áp dụng trước thì nên lựa chọn một số ngành, lĩnh vực có thông tin tài chính tương đối lành mạnh”, VCCI đề nghị.
Biện pháp này được kỳ vọng sẽ tạo một lượng khách hàng “mồi” cho thị trường dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, bước đầu tạo thói quen và sự tin tưởng của nhà đầu tư vào các báo cáo xếp hạng tín nhiệm, trước khi áp dụng bắt buộc đại trà cho tất cả các doanh nghiệp phát hành.
Trao đổi với phóng viên VnEconomy, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng đề cao yêu cầu về công khai minh bạch khi phát hành trái phiếu.
Theo đó, thông tin cung cấp cho nhà đầu tư phải thật, đúng, nêu rõ doanh nghiệp triển khai dự án nào, thời hạn, nguồn vốn, sử dụng vốn ra sao, có nhập nhèm đảo nợ hay không, còn hiện nay mọi thứ tù mù, thật giả lẫn lộn, gây nhiều hệ luỵ.
Vị chuyên gia này cho rằng cần phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, dù chưa thể áp dụng toàn thị trường ngay ngày một, ngày hai nhưng nhà quản lý phải đặt điều kiện, phải đánh đổi, khi đó, một vài năm mới phát triển được thị trường xếp hạng tín nhiệm.
“Nếu không yêu cầu bắt buộc bởi không đủ công ty xếp hạng, không đủ năng lực thì 20 năm nữa vẫn thế?”, ông Đức đặt vấn đề.
Theo Giám đốc Công ty Luật ANVI, thị trường xếp hạng tín nhiệm giống như “con gà quả trứng”. Do đó, người dẫn dắt thị trường, cơ quan quản lý cần đặt ra yêu cầu về xếp hạng tín nhiệm, để thúc đẩy thị trường này phát triển nhanh hơn.
Tức là, “doanh nghiệp không có xếp hạng tín nhiệm thì phải đáp ứng 5,7 điều kiện. Còn doanh nghiệp có kết quả xếp hạng tín nhiệm chỉ cần 1,2 điều kiện, thậm chí không cần điều kiện nào bởi vì kết quả xếp hạng đã bao trùm hết”, ông Đức gợi ý.