Để nông sản Việt thích ứng với đạo luật EUDR

0
77
Năm 2022, xuất khẩu cà phê vào EU đạt hơn 700 ngàn tấn, với kim ngạch 1,53 tỷ USD.

Cà phê, gỗ và cao su là 3 mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam nằm trong phạm vi điều chỉnh của Quy định chống mất rừng của EU (EUDR). Giá trị kim ngạch xuất khẩu 3 mặt hàng này vào EU mỗi năm trên 2,5 tỷ USD…

Năm 2022, xuất khẩu cà phê vào EU đạt hơn 700 ngàn tấn, với kim ngạch 1,53 tỷ USD.

Ngày 23/6/2023, EU đã ban hành Quy định chống mất rừng (EUDR). Quy định này cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng (cà phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt bò, ca cao, và đậu) vào EU nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này gây mất rừng.

Theo EUDR, nông sản gây mất rừng được tính với mốc thời gian mất rừng từ ngày 31/12/2020 trở đi. Đồng thời, sản phẩm được coi là hợp pháp nếu quá trình sản xuất ra sản phẩm đó tuân thủ các quy định về đất đai, bảo vệ môi trường, sử dụng lao động, nhân quyền, các quy định về thuế, phí…

EU là thị trường quan trọng đối với các mặt hàng cà phê, gỗ và cao su xuất khẩu từ Việt Nam, với kim ngạch nhập khẩu mỗi năm đạt trên 2,5 tỷ USD. Hiện EU là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Năm 2022, khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam chiếm trên 90% tổng sản lượng thu hoạch (1,9 triệu tấn quy đổi), kim ngạch xuất khẩu đạt 4,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu cà phê vào EU đạt hơn 700 ngàn tấn, với kim ngạch 1,53 tỷ USD. Đối với mặt hàng gỗ, kim ngạch xuất khẩu vào EU năm 2022 đạt gần 672 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu cao su nguyên liệu của Việt Nam đạt 3,3 tỷ USD, xuất khẩu sản phẩm cao su đạt 3,4 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu cao su nguyên liệu đạt khoảng 120 triệu USD; sản phẩm cao su chế biến sâu đạt hơn 462 triệu USD.

Mặc dù rủi ro gây mất rừng có liên quan tới khâu sản xuất của 3 mặt hàng cà phê, gỗ, cao su tại Việt Nam đều không lớn, do diện tích canh tác nhìn chung đã ổn định, nhưng hiện vẫn còn tồn tại một số vấn đề về chuỗi cung làm cản trở tới khả năng truy xuất nguồn gốc, ảnh hưởng đến kết quả đánh giá và phân loại rủi ro của EU theo quốc gia, vùng sản xuất.

Hiện đất trồng cà phê đa phần là đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ sử dụng lâu dài. Mặc dù có tới 40% diện tích đất trồng cà phê tại Việt Nam đã được cấp chứng chỉ sản xuất bền vững, nhưng có những diện tích mở rộng trên nền đất rừng kể từ sau năm 2003 đến nay vẫn chưa có giấy chứng nhận sử dụng đất.

Với gỗ rừng trồng, hiện tại cả nước có 3,5 triệu ha rừng sản xuất, với 1,1 triệu hộ tham gia trồng rừng sản xuất, cung cấp 60% trong tổng lượng cung gỗ rừng trồng mỗi năm (trên 24 triệu m3 tổng số), còn lại là do các doanh nghiệp trồng rừng. Hiện đã có trên 60% số hộ trồng rừng đã được nhận giấy chứng nhận sử dụng đất. Hầu hết các công ty lâm nghiệp nhà nước đã có giấy chứng nhận sử dụng đất. Tuy vậy, diện tích rừng sản xuất có chứng chỉ bền vững hiện đạt khoảng dưới 10% tổng diện tích rừng sản xuất.

Với ngành cao su, tổng diện tích cây cao su tại Việt Nam hiện khoảng 918 ngàn ha, với khoảng 300 nghìn hộ tiểu điền tham gia trồng trên diện tích và lượng cung chiếm trên 50% trong tổng diện tích và tổng lượng cung của toàn ngành. Còn lại là do gần 100 công ty nhà nước chủ yếu thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam và Ủy ban Nhân dân các tỉnh. Đất giao cho các công ty cao su nhà nước hầu hết đã có “sổ đỏ”, nhưng hiện chưa có thông tin về tình trạng giấy chứng nhận sử dụng đất của hộ trồng cao su.

Khâu tiêu thụ cà phê, gỗ, cao su đều phụ thuộc vào đội ngũ thu mua, thương lái đông đảo, hoạt động ở nhiều cấp khác nhau, như thôn, xã huyện, tỉnh…

Trước khi EUDR chính thức đi vào thực thi, Việt Nam cần chủ động thiết lập kênh kết nối trực tiếp với EU nhằm cung cấp thông tin, thảo luận về các tiêu chí phân loại nhằm thống nhất về các tiêu chí phân loại quốc gia. Điều này góp phần giảm thiểu các thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam trong tương lai.

Ngay sau khi EUDR được ban hành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc họp với EU và ban hành Khung kế hoạch hành động thích ứng với EUDR. Kế hoạch này nhấn mạnh vào các khía cạnh như tăng cường giám sát các vùng rủi ro cao, chủ động trao đổi với EU, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, rà soát bản đồ thực địa, nâng cao nhận thức….

Mặc dù vậy, những hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là chưa đủ, cần có thêm sự tham gia của tất cả các bên liên quan, như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp và hiệp hội 3 ngành hàng. Do vậy, Chính phủ nên thành lập Nhóm công tác chuyên trách việc chuẩn bị thông tin và tiến hành đối thoại với EU với sự tham gia đầy đủ của đại diện các bên liên quan.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý và các hiệp hội ngành hàng cần rà soát, đánh giá chuỗi cung của ba ngành hàng hiện tại, thiết kế và thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường chuỗi cung, đặc biệt là về các khía cạnh nguồn gốc và vị trí đất đai, truy xuất nguồn gốc, từ đó chủ động chia sẻ thông tin về thực trạng của chuỗi cung của 3 mặt hàng với EU nhằm giúp EU hiểu rõ hơn về thực trạng của các ngành hàng này.

Việt Nam cần chủ động, tăng cường đối thoại với EU với tinh thần cầu thị sẽ góp phần thúc đẩy EU có những đánh giá khách quan về Việt Nam về các khía cạnh rủi ro khi phân loại quốc gia, vùng sản xuất. Điều này không chỉ quan trọng đối với việc đáp ứng các yêu cầu của EUDR, mà còn để chuẩn bị cho việc đáp ứng các yêu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn khác của Việt Nam như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Canada, Australia…

Tô Phúc

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here