Để dòng vốn FDI thực sự hiệu quả và bền vững

0
105
TS. Nguyễn Minh Phong: nhiều DN FDI hoạt động tốt, hiệu quả cao còn nhờ trốn thuế, chuyển giá và ưu đãi lớn của Việt Nam dành cho họ.
TS. Nguyễn Minh Phong: nhiều DN FDI hoạt động tốt, hiệu quả cao còn nhờ trốn thuế, chuyển giá và ưu đãi lớn của Việt Nam dành cho họ.

Với sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), từ một nước kém phát triển, sau 30 năm, Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất của thế giới một số hàng công nghiệp như điện thoại di động, máy tính bảng, smartphone, điện tử gia dụng và hiện đang được nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới lựa chọn để thực hiện chiến lược toàn cầu về đầu tư và thương mại.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, bên cạnh những đóng góp đáng ghi nhận cho nền kinh tế Việt Nam, khu vực FDI đang bộc lộ một số hạn chế, bất cập như không kết nối với khối DN trong nước, chất lượng chưa tương xứng với số lượng, chưa có nhiều dự án công nghệ cao… Bởi vậy, chính sách thu hút FDI cần những thay đổi để khắc phục những bất cập.

Chào ông, sau 30 năm, không thể phủ định những đóng góp tích cực của FDI cho sự phát triển của kinh tế đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng là những bất cập, khiến cho khu vực này vẫn “một mình một đường”. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

Trên thực tế, FDI đã có mặt ở cả 63 tỉnh thành cả nước và ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Hiện FDI chiếm khoảng 25% trong tổng đầu tư xã hội, khoảng 10% tổng thu NSNN và chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm.

Bên cạnh những thành tựu, FDI trong thời gian qua cũng bộc lộ nhiều bất cập, nổi bật là: chất lượng chưa tương xứng với số lượng; cơ cấu vẫn còn nghiêng về các dự án mà chủ đầu tư đa số là từ châu Á và chủ yếu vẫn là các dự án có công nghệ chưa cao. Nói cách khác, Việt Nam vẫn chưa đạt mục tiêu nâng cao đáng kể trình độ công nghệ và chuyển giao công nghệ thông qua các DN FDI.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù công nghệ chuyển giao vào Việt Nam hầu hết là công nghệ có trình độ bằng hoặc cao hơn công nghệ sẵn có ở Việt Nam, phần lớn các DN FDI có công nghệ trung bình so với thế giới (80%), một phần đáng kể có công nghệ lạc hậu (14%) và chỉ có 6% có công nghệ cao.

Các công nghệ được chuyển giao theo dự án FDI thường là công nghệ được đưa vào theo lợi ích của nhà đầu tư, chứ không phải theo nhu cầu đổi mới công nghệ quốc gia. Việt Nam mới chỉ thu hút khoảng 100/500 tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới, trong khi đó Trung Quốc đã thu hút 400. Và ngay cả trong trường hợp thu hút một số tập đoàn công nghệ cao nổi tiếng toàn cầu như Samsung thì công đoạn sản xuất tại Việt Nam chỉ là công đoạn cuối, tức là chỉ lắp ráp, không đòi hỏi lao động chất lượng cao và công nghệ tiên tiến.

Ngoài ra, do nhiều dự án FDI đưa vào dây chuyền công nghệ lạc hậu, chưa tự giác trong việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, nên có tác động tiêu cực đến môi trường, như: Công ty Vedan tại Đồng Nai, Công ty Tung Kuang tại Hải Dương, Công ty Long Tech tại Bắc Ninh và mới đây là Formosa tại Hà Tĩnh… Đồng thời, việc các DN FDI khai thác bừa bãi, thiếu quy hoạch các tài nguyên khoáng sản từ dầu khí đến than đá, quặng… đã và đang gây tổn thất lớn nguồn tài nguyên không tái tạo được của Việt Nam.

Thêm vào đó, mối liên kết giữa DN FDI và DN trong nước còn yếu, không hỗ trợ nhiều cho khu vực DN trong nước phát triển. Tỷ lệ sản phẩm đầu vào được mua từ các nhà chế biến, chế tạo trong nước ở tất cả loại hình DN FDI là tương đối thấp. Các DN FDI nhập khẩu phần lớn đầu vào thông qua công ty mẹ hay nhập trực tiếp, chỉ số ít sử dụng đầu vào từ các DN tư nhân trong nước.

Sự mất cân đối giữa đóng góp của vốn FDI vào vốn tổng đầu tư xã hội (khoảng 25%), và đóng góp vào ngân sách Nhà nước (chỉ khoảng 10%) cho thấy hiện tượng thất thu thuế và chuyển giá trên thực tế là nghiêm trọng.

Cũng có ý kiến cho rằng, FDI không hề được ưu đãi, họ đang được đối xử công bằng với các DN nội địa. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Theo tôi, mặc dầu đã có Luật đầu tư và Luật DN chung cho tất cả các DN trong và ngoài nước, nhưng thực tế, Việt Nam vẫn dành cho FDI lớn những ưu đãi hơn về thuế và đất, cũng như thủ tục đầu tư.

DN FDI hoạt động tốt hơn đúng là do họ có tiềm lực vốn tốt hơn, kinh nghiệm tốt hơn và thị trường tốt hơn. Nhưng có nhiều DN FDI hoạt động tốt, hiệu quả cao còn nhờ trốn thuế, chuyển giá và ưu đãi lớn của Việt Nam dành cho họ.

Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân?

Thách thức cơ bản nhất trong thu hút FDI vẫn là cải thiện tác động lan tỏa, tạo ra hỗ trợ rõ nét để DN trong nước tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu (mà hiện chỉ với tỷ lệ chỉ đạt 21% số DN, thua xa con số 30% của Thái Lan và 46% của Singapore). Nguyên nhân khó khăn trong việc thúc đẩy mối liên kết chưa bền chặt giữa DN “nội” với khối DN FDI, đến từ cả hai phía.

Trước hết, rất ít DN trong nước đủ khả năng cung ứng sản phẩm đầu vào cho DN FDI do công nghệ sản xuất, hệ thống quản lý, chủng loại sản phẩm cung ứng của DN Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu cao từ phía khách hàng; thiếu các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực, thúc đẩy liên kết từ phía Chính phủ và các cơ quan hỗ trợ DN. Ngược lại, DN FDI cũng chưa chủ động, tích cực kết nối để hỗ trợ DN nội tham gia vào chuỗi sản xuất của họ. Việc thực hiện những cam kết hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật của DN FDI dường như bị bỏ ngỏ, dẫn đến nguy cơ DN FDI sẽ dễ dàng đến và đi tùy theo độ hấp dẫn của thị trường.

Vậy Nhà nước cần hỗ trợ các DN nội địa như thế nào để tăng liên kết cùng phát triển với FDI?

Để tăng tính liên kết giữa khu vực FDI và DN nội địa, nhất là trong bối cảnh CMCN 4.0, cần chú ý phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với các sản phẩm chủ lực và chuỗi cung ứng do DN FDI làm nòng cốt. Nhà nước cũng cần hỗ trợ DN nội đầu tư mở rộng và nâng cao năng lực công nghệ, tuân thủ các quy trình và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của DN ngoại và quốc tế, tập trung vào những lĩnh vực Việt Nam có sức cạnh tranh.

Ngoài ra các chính sách khuyến khích FDI cần gắn với thúc đẩy liên kết và chuyển giao công nghệ, đào tạo lao động; tăng hoạt động thông tin và kết nối các DN trong nước với các DN FDI. Chính phủ và các địa phương khi phát triển các khu, cụmg công nghiệp theo chuỗi sản phẩm và cung ứng giá trị thay vì các cụm CN hỗn hợp, không có liên kết như hiện nay.

Đặc biệt, Nhà nước cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực quản lý cao cấp và chuyên gia, công nhân lành nghề để tham gia vào hoạt động và dây chuyền công nghệ của DN FDI.

Và chính sách thu hút FDI cần thay đổi như thế nào để khắc phục tình trạng những bất cập trên?

Chiến lược thu hút FDI mới cần định hướng ưu tiên nhiều hơn cho công nghệ xanh, hiện đại và tiếp cận với công nghệ CMCN 4.0. Các chính sách ưu đãi cần phải gắn với hiệu quả của các dự án FDI; xem xét lại toàn bộ chính sách ưu đãi dành cho DN FDI từ trước đến nay để đưa ra những thay đổi cơ bản theo hướng những dự án nào mang lại hiệu quả kinh tế cao, ít ảnh hưởng môi trường, tiếp cận tốt với định hướng mới thì ưu đãi nhiều hơn, chứ không chỉ dựa vào quy mô hay số lượng việc làm tạo ra như cách làm trước đây. Đồng thời, Chính phủ và địa phương tổ chức lại toàn bộ quá trình từ xúc tiến đầu tư cho đến thẩm định, cấp phép, triển khai hay đánh giá hiệu quả của các dự án FDI.

Việc thẩm định cũng cần thay đổi theo hướng không chỉ vì lợi ích trước mắt của từng vùng, từng địa phương mà phải coi trọng lợi ích lâu dài chung của đất nước; đánh giá hiệu quả phải coi tác động lan tỏa là yếu tố chủ chốt. Chỉ như vậy, dòng vốn FDI mới thật sự mang lại những giá trị bền vững cho Việt Nam trong thời gian tới.

Ông nhận định như thế nào về khả năng thu hút FDI vào Việt Nam trong thời gian tới?

Thời gian tới, cùng với quá trình hội nhập trong các khuôn khổ FTA thế hệ mới và việc phát triển các đặc khu kinh tế sẽ tạo ra những xung lực mới và cả làn sóng mới trong thu hút FDI. Một thị trường thương mại tự do rộng lớn hơn nhờ không gian FTA được mở rộng sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam trở thành một tụ điểm đầu tư, theo đó các nhà đầu tư sẽ vào Việt Nam thiết lập các trung tâm sản xuất mang tính toàn cầu (như mô hình của Samsung hiện nay).

Ngoài ra, cùng với quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế chung và cổ phần hóa DNNN nói riêng của cả nước, FDI sẽ có mặt nhiều hơn trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao và các ngành có hàm lượng chế biến, chế tạo, giá trị gia tăng lớn, kể cả kinh tế biển. Đồng thời, lĩnh vực bất động sản sẽ vẫn đứng thứ hai trong hấp dẫn FDI sau lĩnh vực công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến và chế tạo.

Với vị thế ngày một nâng cao trong khu vực và thế giới, chính trị cũng như kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư ngày càng chuyển biến tích cực, Việt Nam đang và sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà ÐTNN, tiếp tục duy trì đà tăng ít nhất đến năm 2020. Tuy nhiên, những bất ổn từ căng thẳng trong tranh chấp địa chính trị giữa các nước lớn, chính sách bảo hộ mậu dịch ngày một rõ nét tại mọi cấp độ cùng cạnh tranh trong thu hút FDI ngày càng gay gắt giữa các quốc gia là những yếu tố có thể gây tác động xấu đến thu hút FDI của Việt Nam.

Liễu Trần (thực hiện)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here