Để doanh nghiệp không còn loay hoay trước rào cản thương mại khi tham gia ‘sân chơi’ toàn cầu

0
53
Trước xu thế điều tra phòng vệ thương mại gia tăng như hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước đang tăng cường hỗ trợ, tạo thuận lợi rất lớn đối với doanh nghiệp. (Nguồn: Shutterstock)

Nhận thức và sự chủ động chuẩn bị các kiến thức sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua những thách thức và rào cản thương mại khi tham gia vào “sân chơi” chung toàn cầu.

Trước xu thế điều tra phòng vệ thương mại gia tăng như hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước đang tăng cường hỗ trợ, tạo thuận lợi rất lớn đối với doanh nghiệp. (Nguồn: Shutterstock)

Doanh nghiệp thích ứng với rào cản thương mại hay chủ động phòng vệ thương mại đều được hiểu là việc các quốc gia sử dụng những biện pháp và công cụ để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Những năm gần đây, với tiến trình thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang bị “mắc kẹt”, thậm chí trở thành đối tượng “bị” điều tra trong không ít vụ việc kiện tụng liên quan tới phòng vệ thương mại. Đương nhiên, đây là điều không ai mong muốn và tăng cường hiểu biết là cách duy nhất giúp doanh nghiệp vượt thách thức này.

Theo Luật sư Đinh Ánh Tuyết, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC): “Phải làm gì, Chủ động như thế nào trước nguy cơ của các cuộc điều tra, khởi kiện về chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh thuế mà các nguyên đơn khởi xướng là vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm đặt câu hỏi rất thường xuyên”.

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, hết quý III năm nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 234 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài từ 24 thị trường. Các mặt hàng bị điều tra tương đối đa dạng, từ mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như thép, lốp xe, nhôm định hình, tủ gỗ, gỗ dán, pin năng lượng mặt trời, tôm, cá tra, cá basa, máy xịt rửa áp lực cao… đến các mặt hàng có kim ngạch nhỏ hơn như đệm mút, máy cắt cỏ, giấy bọc thuốc lá, hạt nhựa EPS, mật ong… Với sự can thiệp của Nhà nước, nhiều vụ việc đã được khắc phục và xử lý sớm; 1 số vụ việc đã có phán quyết với kết quả tích cực cho phía doanh nghiệp Việt Nam…

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho hay, qua xem xét, đánh giá nhiều vụ việc, mấu chốt vẫn nằm ở chỗ nhận thức và sự thiếu hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp về phòng vệ thương mại. Nhiều doanh nghiệp mới ra thị trường, ít kinh nghiệm, va vấp và cọ xát với các vụ phòng vệ thương mại nên dễ xảy ra những tình huống đáng tiếc.

Theo ông Phùng Gia Đức, Phó Trưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài (Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương), trước xu thế điều tra phòng vệ thương mại gia tăng như hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước đang tăng cường hỗ trợ, tạo thuận lợi rất lớn đối với doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp đã có sự va vấp từ sớm nên cũng đã phản ứng rất nhanh và kịp thời khi có việc diễn ra.

Hiện nay, pháp luật của mỗi nước đều dựa trên quy định chung của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nhưng các quốc gia cũng tự nội luật hóa pháp luật của mình với những điều kiện nhỏ, những điều kiện còn khác nhau nên khi đối mặt với việc cụ thể, doanh nghiệp cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về pháp luật phòng vệ thương mại của nước đó. Ngoài ra, các nước đều sẽ sử dụng ngôn ngữ của mình khi điều tra phòng vệ thương mại gây nên một rào cản rất lớn đối với doanh nghiệp Việt vì phải dịch thuật rất phức tạp.

Do đó, nếu chỉ muốn xuất khẩu và thu lợi nhuận nhanh chóng mà doanh nghiệp không quan tâm đến những vấn đề trên sẽ rất nguy hiểm. Nhận thức và sự chủ động chuẩn bị các kiến thức hiểu biết sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua những thách thức và rào cản thương mại khi tham gia vào “sân chơi” chung toàn cầu, ông Phùng Gia Đức nhìn nhận.

Đề cao vai trò quan trọng của công tác cảnh báo rủi ro, đại diện cho các doanh nghiệp ngành gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ, do tăng trưởng xuất khẩu, gỗ và sản phẩm gỗ đang là mặt hàng thường xuyên đối diện các nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại từ các quốc gia. Vì vậy, ngoài sự chủ động của ngành, Bộ Công Thương cần có những cảnh báo, khuyến cáo kịp thời cho doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp không ít doanh nghiệp gỗ tránh được các vụ kiện cũng như những bất lợi nếu bị điều tra. Cùng với đó, việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về phòng vệ thương mại trên cơ sở phối hợp với các hiệp hội, địa phương nhằm nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các doanh nghiệp.

Chỉ khi huy động được sức mạnh tổng hợp, sự phối hợp hiệu quả giữa các bên liên quan sẽ là tiền đề giúp các doanh nghiệp Việt Nam – chuyên ngành xuất khẩu tránh tối đa những bất lợi khi vướng phải rào cản thương mại.

Hải An

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here