Để công tác Ngoại giao phục vụ phát triển bền vững tại địa phương

0
176

Thành phố Cần Thơ có vị trí địa lý ở trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); vùng có nhiều tiềm năng phát triển về công nghiệp, chế biến lương thực, thực phẩm, thủy hải sản, thương mại, dịch vụ, và đóng góp một phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế – xã hội chung của cả nước. Với diện tích tự nhiên 1.401 km2 nằm ở vùng hạ lưu Châu thổ sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ giáp tỉnh An Giang ở phía Bắc, tỉnh Hậu Giang ở phía Nam và Tây Nam, tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long ở phía Đông, và tỉnh Kiên Giang ở phía Tây. Sau khi được chia tách, tái lập vào tháng 1/2004, Thành phố Cần Thơ được công nhận là đô thị loại I trực thuộc Trung ương vào tháng 6 năm 2009; ngày càng thể hiện rõ vai trò, vị thế là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, khoa học kỹ thuật và văn hóa của ĐBSCL.

Trong khoảng thời gian hơn 10 năm qua, thành phố đã nỗ lực phấn đấu không ngừng để tạo nên dáng vóc của Cần Thơ hôm nay, một đô thị tươi mới, năng động nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng sông nước hiền hòa. Để tạo nên sự đổi thay ấy, có sự đóng góp không nhỏ của việc thực hiện công tác ngoại giao đúng định hướng, phát huy sức mạnh của ngoại giao thông qua các hoạt động ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa và ngoại giao kinh tế. Đặc biệt, trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Trung ương về “phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế – xã hội với sử dụng tiết kiệm tài nguyên, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm quốc phòng – an ninh” để khu vực ĐBSCL phát triển, các chính sách và hoạt động đối ngoại của Thành phố Cần Thơ thời gian qua cũng đều kết nối với nội dung phát triển bền vững.

Trong lĩnh vực ngoại giao chính trị, cùng với việc tiếp tục duy trì tốt các quan hệ hữu nghị truyền thống, thành phố đã phát triển thêm nhiều mối quan hệ hợp tác hữu nghị mới; tổ chức tiếp đón và làm việc với hàng ngàn đoàn khách quốc tế đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Về ngoại giao kinh tế, Cần Thơ đã có bước chuyển dần từ việc thụ động tiếp cận các dự án, cơ hội hợp tác sang việc chủ động hội nhập và tự tìm kiếm các cơ hội hợp tác phù hợp với hoàn cảnh phát triển của thành phố, đặc biệt là từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Thành phố đã tổ chức nhiều đoàn sang thăm và làm việc tại các quốc gia bạn, nhằm giới thiệu, quảng bá Thành phố Cần Thơ và tìm kiếm cơ hội, thu hút đầu tư.

Song song với việc khai thông, mở rộng, thắt chặt quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực với nhiều thị trường quốc tế, lãnh đạo thành phố chỉ đạo tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, quyết tâm từng bước đưa vùng đất “Tây Đô” trở thành một trong những điểm sáng về thu hút đầu tư. Tính đến cuối tháng 7/2016, thành phố có 404 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư 4.362 triệu USD, gồm 71 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với vốn đầu tư 1.132 triệu USD, và 333 dự án đầu tư trong nước (DDI) với vốn đầu tư 3.230 triệu USD; thành phố hiện có 15.700 doanh nghiệp thuộc các loại hình với tổng số vốn đăng ký kinh doanh 96.633,5 tỷ đồng đang hoạt động trên các lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu… Thành phố cũng đã tăng cường huy động nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho đầu tư hạ tầng giao thông, đô thị, ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA không hoàn lại để hỗ trợ giảm nghèo, phát triển các lĩnh vực xã hội… Cơ cấu kinh tế của thành phố hiện chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực kinh tế phi nông nghiệp, với các lĩnh vực chủ lực như: công nghiệp chế biến, thương nghiệp, tài chính tín dụng, bất động sản, nhà hàng khách sạn. Các ngành này chiếm tỷ trọng hơn 2/3 giá trị sản xuất của nền kinh tế thành phố.

Thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Thành phố Cần Thơ luôn quan tâm việc hội nhập quốc tế trên lĩnh vực kinh tế. Từ Hội nghị ngoại giao lần 28 và Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 17 đến nay, Thành phố Cần Thơ đã chủ động tổ chức và tham dự một số hội thảo liên quan đến hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.

Việc chú trọng xây dựng nền kinh tế đa dạng, quan tâm cả việc xây dựng cơ sở hạ tầng với bảo vệ môi trường tự nhiên và có một hệ thống quy hoạch mang tính tích hợp là một trong những yếu tố giúp Thành phố Cần Thơ được chọn vào một trong 100 thành phố có khả năng chống chịu của Quỹ Rockefeller (Hoa Kỳ). Đây là Quỹ hỗ trợ các thành phố trên thế giới tăng cường khả năng chống chịu với các áp lực và cú sốc làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Với việc được chọn là thành viên của Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu (100 RC), trong 2-3 năm tới, Thành phố Cần Thơ sẽ có cơ hội tiếp cận các đối tác của 100RC để thực hiện cũng như kêu gọi tài trợ các dự án phát triển cho thành phố. Ngoài ra, Cần Thơ cũng sẽ có dịp học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển bền vững, tăng cường khả năng chống chịu với 99 thành phố thành viên còn lại.

Về công tác ngoại giao văn hóa, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh thông qua nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội, các sự kiện văn hóa, du lịch, thương mại… có sự tham gia của các đối tác quốc tế. Đặc biệt, Cần Thơ đã tổ chức thành công nhiều hoạt động văn hóa đối ngoại có tầm ảnh hưởng lớn trên địa bàn và khu vực, như: Chương trình Giao lưu Văn hóa Thương mại Việt Nam – Nhật Bản 2015, Ngày quốc tế Yoga, Triển lãm ảnh Ấn Độ, Tết người nước ngoài định kỳ hàng năm, Lễ hội Bánh Dân gian Nam Bộ… Trong những ngày này, Thành phố Cần Thơ đang tất bật chuẩn bị cho một sự kiện lớn: Hội nghị hợp tác các địa phương Việt Nam – Pháp lần 10 năm 2016 với chủ đề: “Hướng tới đối tác kinh tế hiệu quả và bền vững”. Dự kiến, sẽ có hơn 700 đại biểu của Việt Nam và Pháp tham dự Hội nghị. Với chương trình hoạt động phong phú, Hội nghị hợp tác các địa phương Việt Nam – Pháp lần 10 tại Thành phố Cần Thơ hứa hẹn sẽ là một sự kiện có ý nghĩa trong việc góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam Pháp; tiếp tục mở ra cơ hội để các địa phương, tổ chức, cá nhân… hai nước gặp gỡ, trao đổi nhằm tìm kiếm cơ hội và mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Công tác đối ngoại tại thành phố thông qua các hoạt động đối ngoại đã tăng cường, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ truyền thống hữu nghị, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Cần Thơ với các địa phương và quốc gia khác trên nhiều mặt. Đến nay, thành phố đã có mối quan hệ xuất khẩu với hơn 95 quốc gia và vùng lãnh thổ; quan hệ nhập khẩu với hơn 44 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong giai đoạn 2011-2015, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ tăng bình quân khoảng gần 6% năm; trong đó xuất khẩu hàng hóa tăng bình quân khoảng 3,4% năm. Trong năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt 1.502,6 triệu USD, đạt 103,63% kế hoạch và tăng 5,45% so cùng kỳ. Riêng trong sáu tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thực hiện đạt 723,3 triệu USD, đạt 43,8% kế hoạch và tăng 6,1% so cùng kỳ. Thành phố và các Sở, ban, ngành cũng đã ký kết nhiều thỏa thuận với các đối tác quốc tế về tăng cường trao đổi, hợp tác giáo dục đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe, dạy nghề; tiếp nhận thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển cộng đồng, nâng cao năng lực của chính quyền địa phương…

Hoạt động đối ngoại đã góp phần quảng bá, giúp bạn bè thế giới biết và hiểu đúng, đầy đủ hơn về đất nước, con người Việt Nam, về đường lối đối nội và đối ngoại của đất nước ta nói chung và của Thành phố Cần Thơ nói riêng; góp phần phục vụ hiệu quả cho Lãnh đạo thành phố trong việc hoạch định chính sách kinh tế, đặc biệt là thu hút đầu tư, mở rộng thị trường, lao động, du lịch, vận động viện trợ, giữ gìn sự ổn định về quốc phòng, an ninh… trên địa bàn.

Những thành tựu đạt được cũng như những bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện chính sách đối ngoại những năm qua là cơ sở để thành phố đề ra một số phương hướng hoạt động đối ngoại thời gian tới, nhằm tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã xác định, là “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhanh, bền vững” đồng thời “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước”.

Cụ thể, thành phố sẽ tiếp tục củng cố, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, đối tác lớn, bạn bè truyền thống và các đối tác tiềm năng; triển khai ký kết và thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận quốc tế đã ký; tiếp tục tăng cường quan hệ với Tổng Lãnh sự quán, Đại sứ quán các nước nhằm mở rộng hợp tác, đặc biệt là với các nước: Hoa Kỳ, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Lào, Thái Lan… mở rộng ngoại giao kinh tế, xúc tiến kêu gọi đầu tư, vận động viện trợ; tập trung nỗ lực tạo chuyển biến cơ bản trong hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế – xã hội, tạo điều kiện cho các hoạt động quảng bá, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thông tin và dự báo vĩ mô, góp phần tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy hoạt động kinh tế và hỗ trợ có hiệu quả các yêu cầu của doanh nghiệp trong kinh tế đối ngoại. Thành phố cũng sẽ tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của đối ngoại nhân dân và các hình thức ngoại giao khác tạo thành sức mạnh tổng hợp của hoạt động đối ngoại; tiếp tục coi trọng và đẩy mạnh vận động người Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng đất nước, quê hương Cần Thơ ngày càng giàu đẹp, hội nhập sâu rộng và bền vững với thế giới trên những chặng đường tương lai.

Trải qua quá trình hoạt động đối ngoại thời gian qua, thành phố Cần Thơ xin phép có một số đề xuất đối với các Bộ, ngành Trung ương như sau:

1. Cập nhật và thống nhất các nguyên tắc lễ tân ngoại giao trong giai đoạn mới.

2. Đối với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tại một số địa bàn lớn và có nhiều khả năng hợp tác như Nhật Bản, Hàn Quốc… cần sâu sát, gắn bó với địa phương nhiều hơn nữa trong việc kết nối địa phương với các địa bàn được xem là “khó tính” này.

3. Tạo kênh đối thoại và khuyến khích doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tham gia đóng góp ý kiến, tham vấn những Hiệp định thương mại, thỏa thuận ưu đãi thuế quan… mà Việt Nam chuẩn bị tham gia, hoặc đang đàm phán ký kết với các nước.

4. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật cho địa phương/doanh nghiệp tham gia nghiên cứu những vấn đề liên quan đến hội nhập quốc tế, các hiệp định thương mại, nghiệp vụ giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu về những thay đổi chính sách thương mại của các nước, những rào cản kỹ thuật mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam để giúp địa phương điều hành phát triển kinh tế – xã hội phù hợp, giúp doanh nghiệp chủ động ứng phó và điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh.

5. Có kế hoạch đào tạo dài hạn để nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới; đồng thời phải chú trọng xây dựng đội ngũ, cán bộ quản lý (Nhà nước và doanh nghiệp) có trình độ ngang tầm với các nước trong khu vực, có kỹ năng ngoại giao, am tường luật pháp quốc tế…

UBND TP. Cần Thơ

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here