Chiều 12/12/2021, tại Nhà làm việc Bộ Ngoại giao đã diễn ra Tọa đàm “Đẩy mạnh hợp tác giữa một số địa phương Việt Nam và Liên minh Châu Âu” nhằm tiếp tục khai thác hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và thúc đẩy hợp tác giữa địa phương Việt Nam với khu vực Châu Âu.
Sự kiện được tổ chức nhân dịp Trưởng các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về nước tham dự Hội nghị Ngoại giao 31 và Hội nghị ngoại vụ 20.
Tham dự Tọa đàm có lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre, Gia Lai, và đại diện lãnh đạo các Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Kon Tum, Cao Bằng, Thanh Hóa, Hưng Yên, Gia Lai, Điện Biên; 15 Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại EU, lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Ngoại giao…
Tọa đàm tập trung trao đổi về các giải pháp tăng cường phối hợp, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực địa phương Việt Nam có thế mạnh và tiềm năng hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực: Thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư nông sản; Tăng cường hợp tác sơ chế, bảo quản, vận chuyển sản phẩm hoa quả xuất khẩu; Trao đổi kinh nghiệm đẩy mạnh hợp tác về biến đổi khí hậu, hợp tác công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế xanh; Hợp tác về đào tạo, xuất khẩu lao động; Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường…
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhận định, Việt Nam có vị trí quan trọng trong các chính sách toàn cầu và khu vực của Liên minh Châu Âu (EU). Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực vào tháng 8/2020 đã mang lại Việt Nam nhiều lợi thế lớn trong thúc đẩy hợp tác với EU vì tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN cùng với Singapore có hiệp định thương mại tự do với EU. Đây là thuận lợi và cơ hội chưa từng có để quan hệ giữa hai bên đi vào thực chất.
Tuy nhiên, mức độ xuất khẩu của Việt Nam sang EU còn khiêm tốn, mới chiếm 2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của EU, thu hút đầu tư còn chưa tương xứng với tiềm năng. Thứ trưởng nhận định điều này cho thấy dư địa để Việt Nam đẩy mạnh hợp tác với Châu Âu còn rất lớn. Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ đề nghị các địa phương có những đề nghị rất cụ thể để Bộ Ngoại giao và các Đại sứ cùng trao đổi, hỗ trợ các địa phương triển khai.
“Trên cơ sở các đề xuất, Cơ quan đại diện và địa phương cần cụ thể hoá thành các thoả thuận, kế hoạch, chương trình hợp tác trung và dài hạn, thiết lập các cơ chế trao đổi thông suốt, đúng với tinh thần mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra là xây dựng nền ngoại giao phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.
Trao đổi tại Toạ đàm, các đại biểu đều nhận định Việt Nam có tiềm năng và dư địa hợp tác với EU trong nhiều lĩnh vực, trong đó có xuất khẩu và thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông sản, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng tái tạo. Các nước EU là các nước có thế mạnh về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, đi đầu về thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng tái tạo. Nhu cầu của EU về thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực này là rất lớn. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến hợp tác giữa ta và EU vẫn chưa xứng với tiềm năng chủ yếu là do ta chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn lao động, môi trường, chi phí hậu cần, vận chuyển lớn, nhận thức về tiềm năng thị trường còn hạn chế, chất lượng sản phẩm và tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu của một thị trường khắt khe như EU…
Để nâng cao hợp tác giữa các địa phương và Liên minh Châu Âu, các đại biểu nhận định trước mắt cần phải thay đổi tư duy về cách tiếp cận, tăng cường đầu tư vào nghiên cứu thị trường để xây dựng được định hướng chiến lược xuất khẩu và thu hút đầu tư từ EU một cách bài bản. Các địa phương cần chủ động tìm hiểu tiềm năng về thị trường Châu Âu, xác định được các lĩnh vực thế mạnh phù hợp với nhu cầu của thị trường, trao đổi cụ thể với Cơ quan đại diện Việt Nam tại EU về hướng đi và cách làm cụ thể.
Các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì, đảm bảo đúng số lượng và tiến độ, phát triển hệ thống kho lạnh, kỹ thuật bảo quản nông sản tiên tiến, thúc đẩy xây dựng hệ thống logistics một cách đồng bộ. Các Đại sứ khẳng định, các Cơ quan đại diện Việt Nam tại EU sẽ đóng vai trò là cầu nối, cung cấp cho địa phương các thông tin hữu ích về thị trường, các dự án tiềm năng và phối hợp chặt chẽ với các địa phương thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương và khu vực Châu Âu.
Các đại biểu nhận định, Tọa đàm là bước đi đầu tiên nhằm tìm hiểu nhu cầu và khả năng hợp tác. Thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư từ Châu Âu; khẳng định quyết tâm cao đồng hành cùng địa phương, doanh nghiệp trong thúc đẩy triển khai công tác ngoại giao phục vụ phát triển, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính thực chất của công tác ngoại giao kinh tế, đặc biệt là công tác phối hợp trong cung cấp thông tin.
Trong khuôn khổ Tọa đàm đã diễn ra Lễ ký Bản ghi nhớ về hợp tác giữa UBND tỉnh Bến Tre và Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ và Luxembourg, Phái đoàn Việt Nam tại Liên minh Châu Âu nhằm hỗ trợ thúc đẩy thương mại và thu hút đầu tư của EU và Bến Tre trong một số lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, công nghệ xử lý nước mặn phục vụ nông nghiệp, du lịch…
(Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao)