Năm 2024, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với quyết tâm với khí thế mới, hoạt động đầu tư và phát triển doanh nghiệp của Hải Dương đạt được nhiều kết quả khả quan, ghi dấu ấn nổi bật.
Năm 2024, tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 của Hải Dương đạt nhiều kết quả quan trọng, dự kiến vượt và đạt 13/15 chỉ tiêu đề ra. Một trong những điểm nổi bật, kinh tế đứng thứ 6 cả nước, ước tăng 10,2%; hoàn thành vượt 46,7% dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024; đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, quyết liệt thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân các nguồn vốn đầu tư.
Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2024 ước đạt 387.832 tỷ đồng, ước tăng 14,8% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 13,9% so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 101.077 tỷ đồng, ước tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 ước đạt 10,267 tỷ USD, ước tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2024 ước đạt 8,29 tỷ USD, ước tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, hoạt động đầu tư và phát triển doanh nghiệp của Hải Dương năm 2024 đạt được nhiều kết quả khả quan. Theo UBND tỉnh Hải Dương, thu hút đầu tư trong nước đạt kết quả tích cực, ước tổng vốn đăng ký khoảng 11.489 tỷ đồng, tăng gấp 1,2 lần so với năm 2023, trong đó, chấp thuận chủ trương đầu tư mới 53 dự án, với tổng vốn đăng ký 8.048 tỷ đồng.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 718,1 triệu USD, bằng 54,8% so với năm trước. Lũy kế trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện có 605 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký 11.278,5 triệu USD.
Ước cả năm 2024, Hải Dương cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập mới 2.000 doanh nghiệp, tăng 6,2% so với thực hiện năm 2023, với tổng vốn đăng ký khoảng 30.400 tỷ đồng. Lũy kế toàn tỉnh Hải Dương có khoảng 20.864 doanh nghiệp, trong đó có 9.655 doanh nghiệp đang hoạt động.
Trong năm, có khoảng 750 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, bằng 89,1% so với năm 2023 và khoảng 2.030 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, tăng 15,2%. Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục phát triển, phát huy vai trò liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi giá trị bền vững.
Để có được dấu ấn nổi bật trong thu hút đầu tư như trên, thời gian qua, cả hệ thống chính trị của tỉnh Hải Dương đã vào cuộc, quyết tâm với khí thế, tinh thần cao nhất nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Hải Dương đã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp để trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Xác định, hạ tầng giao thông là nền tảng góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng bền vững, Hải Dương đã quyết liệt triển khai các dự án giao thông, nhất là công trình giao thông trọng điểm, quan trọng nối liên vùng hoàn thành mở rộng không gian phát triển mới. Thời gian qua, bên cạnh các tuyến đường đã hoàn thiện như: Quốc lộ 5, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường trục Bắc – Nam, Quốc lộ 38, Quốc lộ 37…Hải Dương đang hoàn thiện đường trục Đông – Tây, các tuyến đường cầu kết nối ngoại tỉnh với Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên…mở ra nhiều kỳ vọng lớn về phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, năm 2024, tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thứ cấp triển khai thực hiện, sớm đưa dự án sản xuất kinh doanh đi vào hoạt động hiệu quả. Đến nay, Hải Dương đã thành lập được 17 khu công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy trung bình 59,52%.
Hải Dương cũng quyết định giao chủ đầu tư, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung thành lập CCN Văn An 1 (TP Chí Linh), CCN Ngũ Hùng – Thanh Giang (huyện Thanh Miện), CCN An Đồng (huyện Nam Sách); Quyết định thành lập, giao chủ đầu tư CCN Thái Tân (huyện Nam Sách), CCN Phía Tây Việt Hoà (TP Hải Dương); Quyết định điều chỉnh CCN Yết Kiêu (huyện Gia Lộc).
Thời gian qua, Hải Dương đã đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện một số quy định, chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp từ nguồn ngân sách tỉnh trong các lĩnh vực: Đăng ký doanh nghiệp, khởi nghiệp, tư vấn đầu tư, đào tạo lao động, xúc tiến thương mại, sở hữu công nghiệp, khuyến công, khuyến nông, trợ giúp pháp lý, tín dụng…
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Hải Dương duy trì hoạt động gặp mặt, đối thoại thường niên với doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi, ổn định cho hoạt động đầu tư kinh doanh. Tăng cường tính minh bạch, bảo đảm khả năng tiếp cận thông tin, tiếp cận các chính sách, quy định của nhà nước của cộng đồng các doanh nghiệp.
Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, chính quyền các cấp, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai công việc. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát đối với việc thực thi công vụ của cán bộ công chức, nhất là các vị trí nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp…
Năm 2024, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã dẫn đầu nhiều đoàn công tác để xúc tiến đầu tư ở nước ngoài. Mới đây nhất tháng 10/2024, ông Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương đã dẫn đầu đoàn công tác xúc tiến đầu tư ở Thâm Quyến (Trung Quốc); tháng 6/2024, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng đã dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh Hải Dương có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư tại châu Phi. Ngoài ra, trong năm 2024, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng tổ chức nhiều đoàn đi xúc tiến đầu tư tại Đức, Áo, New Zealand, Australia… Thông qua các chuyến đi trên, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư tại Hải Dương.
Thanh Hà