Ngày 16/03/2022, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đã công bố báo cáo đánh giá nhanh về tác động của chiến tranh tại Ucraina đối với thương mại và phát triển[1], cho thấy triển vọng xấu đi nhanh chóng đối với nền kinh tế thế giới, thể hiện qua việc tăng giá lương thực, nhiên liệu và phân bón cũng như sự biến động tài chính gia tăng, thoái vốn phát triển bền vững, cấu hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp và tăng chi phí thương mại.
Ucraina và Nga là những nhà xuất khẩu lớn trong thị trường nông phẩm, chiếm 53% thương mại toàn cầu về dầu và hạt hướng dương và 27% về lúa mì.
Tình hình xung đột sẽ có tác động đáng kể đối với các nước đang phát triển. Có tới 25 nước châu Phi, bao gồm nhiều nước kém phát triển nhất, nhập khẩu hơn 1/3 lượng lúa mì của họ từ Nga và Ucraina. 15 nước trong số này nhập khẩu hơn một nửa lượng lúa mì của họ từ hai nước này.
Theo tính toán của UNCTAD, trung bình, hơn 5% trong rổ hàng hóa nhập khẩu của các nước nghèo nhất bao gồm các sản phẩm có khả năng bị tăng giá do chiến tranh. Tỷ lệ này là dưới 1% đối với các nước giàu hơn.
Báo cáo cho biết nguy cơ bất ổn dân sự, thiếu lương thực và suy thoái do lạm phát không thể giảm bớt, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế đang phát triển còn yếu ớt do đại dịch COVID-19.
Những tác động lâu dài của việc giá lương thực tăng cao là điều khó dự đoán, nhưng một phân tích của UNCTAD về dữ liệu lịch sử đã làm sáng tỏ một số xu hướng có thể xảy ra. Ví dụ, chu kỳ hàng hóa nông sản trùng với các sự kiện chính trị lớn, chẳng hạn như khủng hoảng lương thực 2007-2008 và Mùa xuân Ả Rập 2011.
Các biện pháp hạn chế về không phận, sự không chắc chắn của các nhà thầu và lo ngại về an ninh đang làm phức tạp tất cả các tuyến thương mại đi qua Nga và Ukraine. Nga và Ucraina là một thành phần địa lý quan trọng của tuyến đường vận chuyển Á-Âu.
Năm 2021, 1,5 triệu container hàng hóa đã được vận chuyển bằng đường sắt từ phía Tây Trung Quốc đến châu Âu. Nếu khối lượng vận chuyển bằng đường sắt container hiện nay được bổ sung vào nhu cầu vận tải biển Á-Âu, điều này có nghĩa là tuyến đường thương mại vốn đã tắc nghẽn sẽ tăng từ 5% đến 8%.
Báo cáo cho biết “do chi phí nhiên liệu cao hơn, nỗ lực định tuyến lại và năng lực hậu cần hàng hải bằng không, tác động của cuộc chiến ở Ucraina có thể dẫn đến giá cước vận chuyển thậm chí còn cao hơn”. Trước đó UNCTAD đã dự báo rằng việc tăng giá cước vận tải trong thời kỳ đại dịch đã làm tăng giá tiêu dùng toàn cầu lên 1,5%, với những tác động đặc biệt đối với các nền kinh tế dễ bị tổn thương như các quốc đảo nhỏ đang phát triển, các quốc gia đang phát triển không giáp biển và các quốc gia kém phát triển nhất.
Việc tăng giá lương thực và nhiên liệu do chiến tranh đã đẩy nhanh lạm phát ở nhiều quốc gia. Đồng thời, các nước phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu và lương thực sẽ chứng kiến cán cân thanh toán xấu đi và áp lực tỷ giá hối đoái gia tăng. Sự gia tăng đáng kể của giá dầu và khí đốt có thể chuyển đầu tư trở lại các ngành công nghiệp khai thác và sản xuất năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch, điều có nguy cơ đảo ngược xu hướng chuyển đổi sang năng lượng tái tạo đã được ghi nhận trong 5-10 năm qua.
Sự kết hợp giữa giá lương thực và nhiên liệu rất cao và thắt chặt kinh tế vĩ mô sẽ gây áp lực nặng nề lên các hộ gia đình ở các nước đang phát triển: thu nhập thực tế sẽ bị giảm và tăng trưởng kinh tế sẽ bị hạn chế. Ngay cả khi không có những động thái rối loạn trên thị trường tài chính, các nền kinh tế đang phát triển sẽ phải đối mặt với những hạn chế nghiêm trọng trong tăng trưởng và phát triển.
[1] Toàn văn báo cáo có tại https://unctad.org/system/files/official-document/osginf2022d1_en.pdf
(Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)