Mục đích đánh giá lại quy mô GDP, là để thấy đúng bức tranh, năng lực kinh tế, hiệu quả các chính sách kinh tế. Việc đánh giá lại quy mô GDP còn được sử dụng để xây dựng các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2020 – 2025 và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2030.
Đánh giá hiệu quả các chính sách kinh tế
Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng, phản ánh chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế và tính toán các chỉ tiêu đòn bẩy… Những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô này giúp Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và đề ra các chính sách, giải pháp phát triển đất nước. Đồng thời, là cơ sở cho doanh nghiệp hoạch định chính sách và chiến lược kinh doanh của mình.
Trong quá trình biên soạn chỉ tiêu GDP ở bất cứ quốc gia nào luôn có những vấn đề phát sinh cần phải rà soát, đánh giá lại cả trong ngắn hạn và trong dài hạn. Hầu hết các quốc gia có năng lực thống kê tốt đều tiến hành rà soát, đánh giá lại quy mô GDP thường xuyên và định kỳ.
Từ năm 2010 đến nay, nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Ca-na-đa, Đức, Nga, I-ta-li-a, In-đô-nê-xi-a… tiến hành đánh giá lại quy mô GDP, các chỉ tiêu vĩ mô khác có liên quan và công bố kết quả đánh giá lại.
Ví dụ như Mỹ công bố kết quả đánh giá lại quy mô GDP năm 2012 tăng thêm 560 tỷ USD, tăng 3,6% so với số liệu đã công bố; năm 2013, GDP của Nga được đánh giá lại tăng 24,3%; Đức tăng 3%; Italia tăng 7%. Ngoài ra, một số quốc gia khác cũng đánh giá lại quy mô GDP và có sự thay đổi đáng kể như: Ga-na tăng 60%; Ni-giê-ri-a tăng 59,5%; Man-đi-vơ tăng 37%; Kê-ni-a tăng 25%…
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết “việc điều chỉnh quy mô GDP cần được cập nhật thường xuyên sẽ giúp Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và đề ra các chính sách, giải pháp phát triển đất nước. Đồng thời, giúp doanh nghiệp hoạch định được hoạt động kinh doanh của mình”.
Cơ sở để hoạch định chính sách
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, quy mô GDP tăng 25,4%/năm trong giai đoạn 2010 – 2017 sau khi đánh giá lại. Tỷ lệ này tương ứng với số tiền tăng mỗi năm 935 nghìn tỷ đồng. Trong đó, năm 2011 có tỷ lệ tăng cao nhất với 27,3%. Năm 2017, quy mô GDP sau khi đánh giá lại đạt 6,294 triệu tỷ đồng, tăng gần 1,3 triệu tỷ đồng so với con số công bố trước đây.
Nguyên nhân dẫn đến GDP tăng so với công bố trước đây, ông Nguyễn Bích Lâm cho hay, kinh tế Việt Nam từ năm 2010 đến nay có nhiều chuyển biến. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch khá nhanh cùng với sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô lẫn tốc độ. Bên cạnh đó, chủ trương và chính sách của nhà nước về phát triển khu vực kinh tế tư nhân, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh lớn lên thành doanh nghiệp dẫn đến sự phát triển nhanh của khu vực doanh nghiệp. Đặc biệt, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có sự tăng trưởng mạnh mẽ mà chưa được phản ánh kịp thời và đầy đủ trong dữ liệu của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Về lợi ích của việc đánh giá lại quy mô GDP, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, giúp Chính phủ, các bộ ngành và người dân hay người sử dụng thông tin có được bức tranh xác thực nhất về nền kinh tế. “Từ đó, Chính phủ có được những chính sách đúng để vận hành nền kinh tế trong thời gian tới. Và từ những chính sách đúng, chắc chắn nền kinh tế sẽ vận hành tốt hơn, tăng trưởng tốt hơn, người dân sẽ được hưởng lợi qua chuyện tăng trưởng kinh tế chất lượng hơn, hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định.
Lý giải nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thay đổi về quy mô GDP, Tổng cục Thống kê cho biết, khi rà soát bổ sung nguồn thông tin từ tổng điều tra, trong dãy số liệu đánh giá lại GDP giai đoạn 2010 – 2017 bổ sung thêm là 76.000 doanh nghiệp. Trong số các doanh nghiệp này, phần lớn là số lượng doanh nghiệp bổ sung thêm từ kết quả của Tổng điều tra kinh tế năm 2017 và từ hồ sơ hành chính của Tổng cục Thuế.
Về nguyên nhân thống kê thiếu 76.000 doanh nghiệp, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Xây dựng và Vốn đầu tư cho biết, thời gian qua nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh nên không chỉ ngành thống kê mà cơ quan quản lý ở nhiều bộ phận cũng chưa cập nhật được đầy đủ.
Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, Tổng cục Thống kê sẽ phối hợp tích cực với các cơ quan quản lý và doanh nghiệp để khai thác triệt để hồ sơ tài chính, cơ sở dữ liệu thuế của Bộ Tài chính.
(Nguồn: TTXVN)