Ngày 11/2/2019, một số mạng diễn đàn xã hội của Trung Quốc đã đăng tải nội dung bài diễn thuyết của nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc Lý Nhược Cốc. Trong phần trình bày có nguồn gốc từ tạp chí “Hướng dẫn Kinh tế”, ông Lý Nhược Cốc cho rằng, nhiều người Trung Quốc không ngờ tới sự phức tạp trong quan hệ Trung – Mỹ, đồng thời, các báo cáo chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ từ năm 2010 đến nay cho thấy, quan hệ Trung – Mỹ thực chất đã thay đổi về căn bản. Nội dung chính của bài diễn thuyết này như sau:
- Nội bộ Trung Quốc có nhận thức không nhất quán về quan hệ Trung – Mỹ
Tác giả cho rằng, trong các bài viết từ năm 2018 trên tạp chí “Hướng dẫn Kinh tế” ông đã khẳng định, giữa Trung – Mỹ có thể xảy ra các cuộc chiến kinh tế, tài chính, ngôn luận, khoa học, du học sinh, thể thao, và văn hóa. Tuy nhiên cho tới tận tháng 6,7, thậm chí cuối tháng 9 năm 2018, công chúng và thậm chí có cả lãnh đạo Trung Quốc vẫn không tin việc quan hệ Trung – Mỹ đã xảy ra những thay đổi căn bản. Nguyên nhân bởi họ vẫn cho rằng, chính sách can dự và kiềm chế của Mỹ đối với Trung Quốc đến nay vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, tỷ lệ giữa can dự và kiềm chế đã đảo ngược, kiềm chế đã chiếm tới 80%, can dự chỉ còn 20%. Trong khi có hàng chục bài viết của Mỹ khẳng định cọ xát thương mại Trung – Mỹ sẽ tiếp diễn thì nhiều người Trung Quốc lại vẫn nghi ngờ, hoặc cho rằng nó sẽ chấm dứt tại một thời điểm nào đó. Thực chất, nhận thức của người Mỹ là nhất quán. Nếu Trung Quốc không có sự thay đổi, sau các gói thuế đối với 50 tỷ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc sẽ là 200 tỷ USD và cuối cùng là với toàn bộ 500 tỷ USD.
- Tranh chấp Trung – Mỹ là tranh chấp về con đường phát triển
Ông Lý Nhược Cốc nhận định, sẽ là sai lầm khi cho rằng thay đổi tương quan sức mạnh và các quan ngại đi kèm là nguyên nhân khiến Mỹ điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc. Để so sánh một cách toàn diện, Trung Quốc còn có khoảng cách lớn so với Mỹ trên cả ba phương diện sức mạnh cứng là kinh tế, khoa học kỹ thuật, và quân sự. Mỹ đồng thời thách thức Trung Quốc về quân sự và gây sức ép về kinh tế không phải vì lo ngại Trung Quốc vượt qua. Vì chính mô hình phát triển của Trung Quốc gây nên sự bất an đối với Mỹ chứ không phải tốc độ phát triển.
Nếu Trung Quốc phát triển nhanh, nhưng theo cách thức Mỹ cho là “hợp lý”, điều này sẽ không thành vấn đề. Tuy nhiên, Mỹ lại đang cho rằng, dù là mô hình “quốc gia tư bản chủ nghĩa” hay mô hình đảng và chính phủ chỉ đạo của Trung Quốc đều đang vi phạm các “quy tắc” của Mỹ, khiến Mỹ khó bề cạnh tranh. Do đó, Mỹ đang tấn công mô hình phát triển của Trung Quốc, và bản chất cọ xát giữa hai bên thực chất là tranh chấp con đường phát triển, nên quan hệ Trung – Mỹ đã không thể quay lại nhịp như trong 4 thập kỷ qua.
Nói cách khác, Mỹ cho rằng Trung Quốc đã lợi dụng hệ thống thị trường quốc tế và phân công quốc tế do Mỹ và phương Tây chủ đạo để phát triển. Tuy nhiên, Trung Quốc lại hành động không tuân thủ các “quy tắc thị trường”, và điều này khiến Mỹ phải gây sức ép để buộc Trung Quốc thay đổi. Nếu muốn tiếp tục hưởng lợi từ thị trường Mỹ và sự phân công lao động của thị trường quốc tế, Trung Quốc sẽ buộc phải tuân theo các “quy tắc” của Mỹ, nếu không thị trường sẽ đóng của với Trung Quốc.
Hiện nay, tuyên truyền dư luận xã hội, báo chí, truyền hình Trung Quốc đều cho rằng đa phần doanh nghiệp Mỹ phản đối việc tăng thuế. Về khách quan, điều này có phần đúng khi áp thuế ảnh hưởng tới doanh nghiệp Mỹ và doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc. Bởi lượng hàng hóa của các doanh nghiệp này xuất khẩu đi Mỹ vượt xa con số của doanh nghiệp quốc hữu và tư nhân Trung Quốc. Nhưng còn điều quan trọng hơn lại chưa được đề cập, đó là việc các doanh nghiệp này yêu cầu chính phủ Mỹ phải buộc Trung Quốc đối xử công bằng với họ. Ngoài ra, mỗi chính sách do Mỹ đưa ra đều được cân nhắc một cách kỹ lưỡng về các thiệt hại mỗi bên phải gánh chịu.
Một chuyên gia kinh tế Mỹ cho biết, nội bộ Mỹ đã thảo luận và xác định, Mỹ có thể kiểm soát mức thiệt hại từ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, và mức độ thiệt hại của Trung Quốc sẽ cao hơn của Mỹ 8 lần. Hiện tại, các đánh giá của Trung Quốc về mức độ thiệt hại trong cọ xát thương mại với Mỹ lại quá thấp. Mặc dù giới kinh tế và nhiều doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc sẽ phản đối, nhưng phía Mỹ đã cân nhắc kỹ và quyết tâm theo đuổi việc chấp nhận “tự mất 800 lính để giết 1000 địch quân” nhằm buộc Trung Quốc phải thay đổi.
Mục tiêu áp thuế của Mỹ với hàng hóa Trung Quốc không phải chỉ nhằm giảm thâm hụt thương mại, mà nó nhằm tới hai mục tiêu chính sau:
Thứ nhất, kéo chuỗi sản xuất công nghiệp ra khỏi Trung Quốc để chuyển sang các nước Đông Nam Á có trình độ thấp hơn, nhưng có đủ khả năng tiếp nhận và có chi phí lao động rẻ hơn. Sự chuyển dịch chuỗi sản xuất đã bắt đầu diễn ra, và đàm phán thương mại Trung-Mỹ dù có kết quả thế nào thì quá trình này cũng khó tránh khỏi. Bởi trước quan ngại phải đối mặt với các yếu tố như mức độ an toàn, sự ổn định, hay tính khó xác định nếu đặt đầu tư tại một quốc gia là đối thủ của quốc gia có thị trường lớn nhất (Mỹ) sẽ khiến họ buộc phải cân nhắc, dịch chuyển một phần sản xuất sang thị trường khác. Trong khi phần không dịch chuyển đi là do họ còn cần tới thị trường Trung Quốc.
Thứ hai, kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc theo phương hướng hiện nay và buộc Trung Quốc phải áp dụng một hệ thống kinh tế thị trường được Mỹ công nhận. Đây là tranh chấp thể chế, tranh chấp con đường phát triển, và sẽ không dễ dàng kết thúc. Hiện tại, đánh giá của nội bộ Trung Quốc về những thiệt hại phải hứng chịu trong quá trình cọ xát thương mại với Mỹ còn quá lạc quan, và có người cho rằng sẽ chỉ ảnh hưởng từ khoảng 0,4% tới 0,5% tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nếu lấy hơn 500 tỷ USD trị giá xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, nhân với tỷ giá hối đoái là hơn 6 lần đã là hơn 3000 tỷ NDT, bằng từ 0,4% đến 0,5% GDP của Trung Quốc.
Cọ xát thương mại với Mỹ đã dẫn tới hiện tượng nhiều doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc, doanh nghiệp nước ngoài, phải thoái vốn dù họ đã đầu tư để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ. Sắp tới, hiện tượng này sẽ còn xảy ra. Do đó, Trung Quốc không thể cho rằng chỉ thiệt hại 500 tỷ USD, vì nó còn liên quan tới 530 tỷ USD giao dịch thương mại Trung Quốc-Asean, 300 tỷ USD với Hàn Quốc, 200 tỷ USD với Nhật Bản, cộng với các giao dịch thương mại với một số khu vực khác, nên con số này sẽ không phải chỉ có 1000 tỷ USD. Nhiều khoản giao dịch trong số này lại dùng cho việc nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện, và sản phẩm trung gian để Trung Quốc gia công rồi xuất khẩu.
Do nguyên tắc giao dịch chéo, nếu Trung Quốc không còn xuất khẩu cũng sẽ không có nhập khẩu, từ đó ảnh hưởng sẽ không chỉ với 500 tỷ USD giao dịch với Mỹ. Chưa kể, vấn đề còn gây ra nhiều các thiệt hại to lớn khác đối với Trung Quốc trên phương diện như việc làm, ổn định xã hội. Vì vậy trong đánh giá để ra quyết sách, Trung Quốc phải lượng hóa một cách toàn diện các tổn thất trực tiếp và gián tiếp, cũng như các tổn thất đã qua và sắp tới.
- Các cuộc trao đổi song phương Trung – Mỹ không chung một hướng
Ông Lý Nhược Cốc cũng cho rằng, dù Trung Quốc đã công bố sách trắng với các số liệu chi tiết cùng lập trường quan điểm về vấn đề, tuy nhiên Trung – Mỹ vẫn đang đối thoại không trên cùng một hướng. Trung Quốc hy vọng dùng số liệu và căn cứ để chứng minh Mỹ đang hưởng lợi hơn trong giao dịch thương mại với Trung Quốc. Tuy hiểu quá rõ điều này, nhưng Mỹ không đấu với Trung Quốc theo hướng này. Mặt khác, Trung Quốc cho rằng việc chuyển giao kỹ thuật là do hai bên tự nguyện và đã ký hiệp định, cũng như việc chuyển giao kỹ thuật thị trường không phải là ép buộc. Tuy nhiên theo quan điểm của Mỹ, trong cạnh tranh tự do, sản phẩm ưu việt và tốt hơn phải được trực tiếp thâm nhập thị trường Trung Quốc mà không qua một cửa giám sát và chuyển đổi kỹ thuật nào.
Hiện nay, Trung Quốc đang dùng lý luận kinh tế học so sánh lợi ích để giải thích thương mại quốc tế, cho rằng sản phẩm của Trung Quốc vào được thị trường Mỹ do giá thành rẻ, chất lượng tốt. Nhưng phía Mỹ cũng dùng kinh tế học so sánh lợi ích để khẳng định, kỹ thuật của Mỹ đem lại lợi ích cao hơn của Trung Quốc. Do đó, hàng hóa của Mỹ phải được vào thị trường Trung Quốc mà không cần chuyển giao công nghệ. Vì vậy, Trung Quốc cần có các phản ứng mang tính đối xứng, như đưa ra việc Mỹ không mở thị trường kỹ thuật cũng là một trong các nguyên nhân phát sinh vấn đề cọ xát giữa hai bên.
Ông Lý Nhược Cốc khẳng định, người Trung Quốc nên đọc tác phẩm “Vấn đề chiến lược của chiến tranh cách mạng Trung Quốc” do Chủ tịch Mao Trạch Đông viết. Khi bàn về vấn đề rút lui chiến lược, Mao cho rằng, người không biết rút lui chiến lược cũng sẽ không biết tấn công chiến lược. Kẻ yếu không thể đánh trực tiếp với kẻ mạnh, và nhượng bộ không phải là đầu hàng, mà là nhằm giành được quyền chủ động. Trong tranh chấp thương mại Trung – Mỹ, Trung Quốc cần có tư duy và bố trí chiến lược, tập trung sức lực bảo vệ thị trường để phát triển, âm thầm nỗ lực phấn đấu, không khoe khoang thành tích đạt được.
Trung Quốc cũng cần nhất thiết tuân thủ đường lối tư duy và nhận thức về việc kiểm nghiệm vấn đề từ thực tế, làm tốt công tác bố trí chiến lược, hướng tới khả năng vượt lên trong tương lai. Việc đánh mất thị trường sẽ là vấn đề rất lớn. Ngoài ra, cũng không nên hy vọng cuộc đấu tranh này sẽ sớm kết thúc, hoặc chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế.
Tóm lại, Trung Quốc phải nhận thức rõ quan hệ Trung – Mỹ đã có những thay đổi căn bản, và buộc phải từ nhận thức này để tư duy việc làm sao phát triển quan hệ Trung – Mỹ trong tương lai./.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)