Cà phê Đắk Lắk đang tìm được chỗ đứng ở phân khúc cao trên thị trường thế giới, với những sản phẩm cà phê khác biệt, cà phê đặc sản Robusta…
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 30,32% so với năm 2021; trong đó, kim ngạch xuất khẩu cà phê là 798 triệu USD; chiếm 53,2% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Sản lượng cà phê xuất khẩu đạt 380.000 tấn (trong tổng số 550.000 tấn cà phê sản xuất ra của toàn tỉnh). Đây là năm tỉnh Đắk Lắk ghi nhận sản lượng cà phê xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay.
Cà phê xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chủ yếu là cà phê nhân và cà phê hòa tan. Giá xuất khẩu cà phê nhân bình quân của các doanh nghiệp trên địa bàn trong niên vụ 2021-2022 đạt 2.037 USD/tấn, tăng 363 USD/tấn so với niên vụ 2020-2021. Các sản phẩm cà phê chế biến khác như cà phê rang, cà phê bột… vẫn chưa xuất khẩu được nhiều.
Niên vụ cà phê 2021-2022, Đắk Lắk có trên 213.000 ha, tăng 3.381 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm 199.904 ha, tăng 4.906 ha; tổng sản lượng đạt 526.793 tấn, tăng 17.894 tấn so với niên vụ trước.
Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn nhưng ngành cà phê Đắk Lắk đã có sự chuyển dịch lớn cả về diện tích, năng suất và cách tổ chức sản xuất, đã từng bước gia tăng giá trị sản phẩm, phù hợp thị hiếu thị trường. Cà phê Đắk Lắk đang tìm được chỗ đứng ở phân khúc cao trên thị trường thế giới, với những sản phẩm cà phê khác biệt, cà phê đặc sản Robusta…
Điều này cũng được chứng minh khi các chương trình cà phê bền vững, cà phê chất lượng có chứng nhận quốc tế như 4C, Rain Forest, Fairtrade… được áp dụng rộng rãi ở các vùng trọng điểm cà phê của tỉnh.
Tỉnh hiện có 39 tổ hợp tác và 53 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cà phê được thành lập. Trong đó, có khoảng 31 HTX cà phê có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp và 5 HTX có sản phẩm được chứng nhận OCOP.
Các HTX sản xuất cà phê hiện nay hoạt động mang lại hiệu quả khá cao, phù hợp với điều kiện sản xuất cà phê của tỉnh Đắk Lắk và là xu hướng phát triển tất yếu trong quá trình hội nhập quốc tế nhằm liên kết các hộ nông dân trồng cà phê và tổ chức lại sản xuất theo hướng bền vững có chứng nhận, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp… góp phần tạo ra sản phẩm cà phê có chất lượng và giá trị kinh tế cao trên thị trường.
Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 8 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cà phê, trong đó có 4 doanh nghiệp địa phương, 3 doanh nghiệp FDI và 1 chi nhánh của doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đặt tại tỉnh.
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động và còn những diễn biến phức tạp trên thế giới, cà phê vẫn là mặt hàng thiết yếu ở các nước phương Tây. Vì vậy, việc xuất khẩu cà phê của tỉnh được duy trì ổn định, có sự tăng trưởng khá về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu.
Ngoài ra, việc Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới đã tạo ra nhiều cơ hội hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu cà phê của tỉnh.
Đặc biệt, sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết, Liên minh châu Âu (EU) đã nới lỏng việc kiểm soát cà phê chế biến. Do đó, nhiều doanh nghiệp của tỉnh đi sâu vào chế biến và sản xuất cà phê hòa tan, nâng cao sản lượng xuất khẩu cà phê chế biến.
Theo Sở trên, năm 2023, để gia tăng kim ngạch và sản lượng xuất khẩu cà phê, ngành Công thương tỉnh Đắk Lắk cập nhật thông tin thường xuyên từ hệ thống thương vụ Việt Nam tại các nước để nắm bắt những thay đổi trong quy định kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu cũng như nhu cầu của các quốc gia để chuyển tải đến doanh nghiệp. Tỉnh tích cực chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu hàng hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống và phát triển thêm các thị trường mới.
Tỉnh đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại ưu tiên giải ngân cũng như có chính sách hỗ trợ lãi suất dành cho doanh nghiệp kinh doanh cà phê của tỉnh.
Đắk Lắk cũng khuyến nghị các doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng cà phê để thâm nhập vào chuỗi cung ứng thế giới; xây dựng kế hoạch phát triển thương hiệu phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động xây dựng các biện pháp ứng phó với các tình huống gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng cũng như ách tắc trong vận tải hàng hóa.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, để nâng cao năng lực cạnh tranh mặt hàng cà phê của tỉnh, hiện nay cả người sản xuất và doanh nghiệp cà phê đã quan tâm đầu tư vốn để chăm sóc, trẻ hóa vườn cà phê già cỗi; đầu tư máy móc, thiết bị chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Quan điểm của tỉnh là không tăng diện tích cà phê ngoài quy hoạch, tập trung chuyển đổi diện tích cà phê kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác; tiếp tục thực hiện Kế hoạch tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025 nhằm cải tạo dần những diện tích cà phê già cỗi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2022 là một năm khá thành công đối với ngành cà phê Việt Nam và xuất khẩu cà phê trở thành điểm sáng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Cụ thể, tháng 11/2022, xuất khẩu cà phê Robusta đạt xấp xỉ 111,26 nghìn tấn, trị giá trên 222 triệu USD, tăng 21,2% về lượng và tăng 26,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 11 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê Robusta đạt xấp xỉ 1,4 triệu tấn, trị giá 2,78 tỷ USD, tăng 14,8% về lượng và tăng 37,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang nhiều thị trường chủ lực tăng, gồm: Italy, Bỉ, Nga, Tây Ban Nha, Anh, Philippines, Ấn Độ… Ngược lại, xuất khẩu cà phê Robusta sang Đức, Mỹ giảm.
Trần Liễu