Trao đổi với TG&VN, Đại sứ Việt Nam tại Qatar Trần Đức Hùng nhận định, người dân Qatar đánh giá cao hàng nông sản và may mặc của Việt Nam. Để chinh phục thị trường tiềm năng này, doanh nghiệp Việt cần giữ uy tín, kiên nhẫn và không nên nóng vội.
Thưa Đại sứ, trong gần 30 năm qua, Việt Nam và Qatar đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực như tài chính – ngân hàng, lao động, giáo dục… Theo ông, những thỏa thuận này đã mở ra các cơ hội hợp tác và đem lại thành công như thế nào cho các ngành và doanh nghiệp hai bên?
– Trả lời: Việt Nam và Qatar đã thống nhất về Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và hộ chiếu đặc biệt khác. Hai bên cũng đã ký nhiều hiệp định hợp tác quan trọng, tạo khuôn khổ cho hợp tác song phương như: Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế song trùng, Hiệp định vận tải hàng không cùng nhiều văn bản, thỏa thuận trong các lĩnh vực chuyên ngành khác,…
Những Hiệp định này đã góp phần mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp hai nước, nhất là trong lĩnh vực thương mại và lao động.
Những năm gần đây, hoạt động hợp tác giữa hai nước trở nên sôi động hơn với việc các doanh nghiệp hai bên ký kết nhiều thỏa thuận.
Điển hình như Tập đoàn dầu khí Qatar (QP) ký hợp đồng cung cấp 2 triệu tấn khí hóa lỏng (LPG)/năm cho Tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn trong thời hạn 15 năm (4/2018); Công ty điện lực Qatar (Nebras Power) đã kết nối với Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhằm thúc đẩy hợp tác năng lượng giữa hai nước trong đó có hợp tác đầu tư tại dự án Nhà máy Nhiệt điện khí Long Sơn, Bà Rịa – Vũng Tàu và việc cổ phần hóa EVN GENCO-3 (5/2018); hay Hãng hàng không Qatar (Qatar Airways) mở thêm đường bay mới tới Đà Nẵng (12/2018)…
Mới đây, ngày 30/7/2021, mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên dịch vụ cơ khí hàng hải PTSC (PTSC M&C) đã trúng thầu và ký hợp đồng dự án chế tạo giàn khoan cho mỏ dầu Al-Shaheen, mỏ dầu lớn nhất của Qatar và là một trong những mỏ dầu ngoài khơi lớn nhất thế giới, mở ra cơ hội đưa nhiều công nhân, kỹ sư dầu khí Việt Nam sang Qatar làm việc trong 3 năm tới.
Ông có thể chia sẻ sâu hơn về tình hình thu hút các quỹ đầu tư của Qatar tới thị trường Việt Nam?
– Trả lời: Vừa qua, Đại Sứ quán đã tích cực kết nối doanh nghiệp hai nước, cụ thể như: Kết nối tập đoàn Al Qamra Holding Group của Qatar với Công ty thủy sản Việt-Úc, kết nối Quỹ đầu tư Nhà nước Qatar với Tập đoàn Vingroup và Tổng công ty Đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), kết nối Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Qatar (Qatar Petroleum) với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).Tuy nhiên, để việc hợp tác đạt hiệu quả thì các doanh nghiệp Việt Nam cần kiên trì bám sát, chú ý xem xét đáp ứng các yêu cầu nêu ra từ phía các doanh nghiệp Qatar.
Cần chủ động tính tới việc nghiên cứu đầu tư, sản xuất các mặt hàng mà doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh ngay tại Khu vực tự do (Free zone) của Qatar để khai thác mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Trung Đông – châu Phi.
Ông nhận định gì về hiệu quả quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước trong thời gian qua?
– Trả lời: Quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Qatar tuy có phát triển trong thời gian gần đây nhưng vẫn ở mức khiêm tốn khi so sánh với một số quốc gia Vùng Vịnh khác.
Vậy ông đánh giá thế nào về tiềm năng quan hệ thương mại, đầu tư trong thời gian tới?
– Trả lời: Tôi cho rằng tiềm năng hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước còn rất lớn, nhất là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và một số nước Vùng Vịnh đã được giải quyết từ đầu năm 2021, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa tại khu vực.
Mặt khác, nền kinh tế của các nước được sự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ sau khi kiểm soát được đại dịch Covid-19.
Qatar là đất nước có diện tích nhỏ, dân số ít, thu nhập và mức sống của người dân lại rất cao. Theo quan sát của ông, người tiêu dùng tại đây ưa chuộng các sản phẩm nào của Việt Nam?
– Trả lời: Theo quan sát của tôi, người dân Qatar đánh giá cao hàng nông sản và may mặc của Việt Nam. Tại các hệ thống siêu thị lớn ở thủ đô Doha như Carrefour, Lulu, Family Food Court… bạn có thể nhìn thấy một số sản phẩm của Việt Nam như: Gạo, cà phê, hoa quả, giày dép, quần áo thể thao… được bày bán, tuy không được phong phú như các mặt hàng cùng loại của Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc.
Hy vọng trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng ta có thế mạnh sang Qatar.
Vậy để sản phẩm Việt Nam hiện diện nhiều hơn tại Qatar, ông lưu ý điều gì với các doanh nghiệp Việt Nam khi giao thương, đầu tư tại thị trường này?
– Trả lời: Cũng giống như khi làm việc với bất kỳ doanh nghiệp nước nào, điều đầu tiên là cần giữ uy tín. Khi doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu kinh doanh, đầu tư tại thị trường Qatar, điều đầu tiên là giữ lịch sự và kiên nhẫn. Người Arab có thói quen làm việc đủng đỉnh, nhưng cũng rất nguyên tắc một khi bạn chưa là đối tác làm ăn thân quen của họ.
Do đó, để bảo đảm thành công, trước khi đặt vấn đề hợp tác kinh doanh hoặc hợp tác đầu tư với đối tác Qatar, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ, nắm bắt rõ nhu cầu của họ. Nói cách khác là “chỉ nên rao cái họ cần, chứ không nên rao cái ta muốn”.
Thường khi đối tác trả lời “Tôi sẽ suy nghĩ về điều đó sau”, có nghĩa sẽ khó có khả năng đi tới thỏa thuận. Trong tiếp xúc làm việc, khi đối tác có biểu hiện như vậy có nghĩa là đề nghị của mình chưa phù hợp và không nên nóng vội, giục giã họ trả lời, vì người Arab hiếm khi trực tiếp trả lời “không” khi họ muốn từ chối một đề nghị nào đó.
Bên cạnh đó, người Arab thường rất thân thiện. Khi bạn đề nghị đối tác cho bạn lời khuyên về các vấn đề bạn không hiểu biết tại Qatar thì họ sẽ nhiệt tình hướng dẫn bạn, vì họ coi đây là biểu hiện của sự tôn trọng họ.
Phương châm của ông về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước? Cá nhân ông và Đại sứ quán đã triển khai phương châm này trong thực tiễn như thế nào?
– Trả lời: Theo tôi, phương châm ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước hiện nay là: Chủ động, sáng tạo và thực chất.
Thông qua các buổi tiếp xúc các doanh nghiệp trong nước tại các buổi làm việc của Trưởng Cơ quan đại diện với các đơn vị trong nước trước khi sang nhận nhiệm vụ, tôi đã tranh thủ tiếp xúc với các doanh nghiệp quan tâm tới thị trường Qatar, nắm bắt nhu cầu và mong muốn của họ để xây dựng kế hoạch ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế của Đại sứ quán Việt Nam tại Qatar trên cơ sở triển khai kế hoạch công tác ngoại giao phục vụ phát triển của ngành Ngoại giao.
Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 nghiêm trọng, gây hạn chế tới việc tổ chức các hoạt động ngoại giao kinh tế theo cách truyền thống nhưng với tinh thần chủ động, bên cạnh việc tiếp xúc trực tiếp với các bộ, ngành của Qatar, Đại sứ quán đã tận dụng tối đa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong làm việc và kết nối các doanh nghiệp Việt Nam và Qatar.
Trong thời gian vừa qua, theo đề nghị của Tập đoàn Vingroup, Đại sứ quán Việt Nam tại Qatar đã tích cực tiếp xúc với Quỹ Đầu tư Nhà nước Qatar (QIA) để vận động và tổ chức thành công buổi làm việc trực tuyến kết nối hợp tác đầu tư giữa QIA với Vingroup; làm việc với Bộ trưởng Bộ Năng lượng kiêm Chủ tịch tập đoàn Dầu khí Qatar để mời hợp tác cung ứng khí hóa lỏng cho dự án đầu tư 2 kho khí hóa lỏng tại Khánh Hòa theo đề nghị của Petrolimex.
Đại sứ quán cũng tích cực phối hợp với Vụ Trung Đông – Châu Phi và Bộ Kế hoạch Đầu tư để mời các tập đoàn, doanh nghiệp tiềm năng của Qatar tham gia Hội thảo trực tuyến Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam – Trung Đông tại Việt Nam vào ngày 26/8/2021.
Xin cảm ơn ông!
(Báo Thế giới và Việt Nam)